Hai 'điều lạ' trong chiến dịch tấn công căn cứ liên quân Mỹ của Iran
Việc hai căn cứ liên quân Mỹ tại Iraq, Erbil và Ain al-Asad, trúng tên lửa đạn đạo Iran sớm 8/1 có nhiều ý nghĩa hơn là hành động đáp trả đơn thuần. Bình luận của Thế giới & Việt Nam.
Iran đã bắn nhiều tên lửa đạn đạo vào hai căn cứ liên quân Mỹ tại Iraq ngày 7/1 - Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)
Theo Reuters, quan chức Mỹ giấu tên cho hay hiện chưa có thông tin về tình hình thương vong hay thiệt hại do vụ tấn công này. Song người phát ngôn của lực lượng Đức, Bundeswehr cho biết 115 binh sỹ của nước này tại Erbil đều bình an.
Phát biểu sau vụ tấn công, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã hối thúc Washington rút khỏi khu vực “để tránh mất mát, không gây nguy hiểm cho sinh mạng binh sỹ… vụ tấn công tên lửa hôm nay chỉ là bước đầu tiên”. Trên mạng Twitter, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif khẳng định: “Iran đã thực hiện và hoàn tất các biện pháp tương xứng về tự vệ theo Điều 51 của Hiến chương Liên hợp quốc... Chúng tôi không tìm cách leo thang hay chiến tranh, song sẽ tự bảo vệ mình trước bất kỳ hành động gây hấn nào".
Về phía Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã tiến hành họp khẩn với Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper. Viết trên Twitter, ông Trump cho biết “mọi chuyện đều ổn”, Lầu Năm góc đang đánh giá thiệt hại; khẳng định sức mạnh quân sự Mỹ và sẽ đưa ra tuyên bố chính thức tối ngày 8/1 (theo giờ Việt Nam).
Theo dõi diễn biến chiến dịch tấn công bằng tên lửa của Iran vào căn cứ liên quân Mỹ, có thể thấy hai điểm đáng ngờ sau.
Nước cờ lạ
Nghi vấn đầu tiên nằm ở cách thức tấn công của Iran. Tehran đã chọn phương án bắn tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung sang căn cứ liên quân Mỹ tại Iraq. Trên thực tế, Iran hoàn toàn có thể “mượn tay” Lực lượng Huy động Nhân dân (PMF) để tấn công liên quân Mỹ tại Iraq, như vụ bắn tên lửa Katyusha vào Đại sứ quán Mỹ tại Iraq 3 ngày trước. Lựa chọn của Tehran khi đó có thể là cách gửi thông điệp tới Washington.
Thứ nhất, đó là khẳng định thể hiện sức mạnh quốc phòng và khả năng tác chiến của Iran. Các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung được sử dụng là thành quả của các kỹ sư quốc phòng hàng đầu Iran, phát triển dựa trên thiết kế và nguyên liệu từ Liên Xô, Trung Quốc và Triều Tiên.
Thứ hai, hành động này nhằm thể hiện thái độ phản kháng của Iran đối với động thái gần đây của Mỹ tại khu vực, cụ thể là vụ sát hại Thiếu tướng IRGC Qasem Soleimani.
Tuy nhiên, sự lựa chọn này cũng bộc lộ khác biệt giữa phe chủ chiến và phe chủ hòa tại Iran trong phản ứng với Mỹ. Tuyên bố của IRGC, lực lượng thực hiện vụ tấn công cho thấy thái độ kiên quyết chống Mỹ. Trong khi đó, phát ngôn của Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif mềm mỏng hơn, khẳng định đây là hành động tự vệ, bám sát vào luật pháp quốc tế khi trích dẫn điều 51 Hiến chương Liên hợp quốc về thực hiện “quyền tự vệ cá nhân hoặc tập thể…cho đến khi Hội đồng Bảo an có biện pháp cần thiết để duy trì hòa bình và an ninh quốc tế”.
Qua những lời này, ông Zarif muốn thể hiện tinh thần hòa hiếu của Iran, đồng thời kéo Hội đồng Bảo an vào cuộc, giải quyết căng thẳng hiện nay. Trong 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an, Nga và Trung Quốc ủng hộ Iran, còn Anh và Pháp chủ trương hạ nhiệt căng thẳng, nối lại Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA). Thực tế này sẽ khiến Mỹ “yếu thế” khi cần thông qua nghị quyết lên án hay cấm vận Iran. Khi chiến tranh nổ ra, trách nhiệm “duy trì hòa bình và an ninh quốc tế” có thể tạo điều kiện để Nga can thiệp quân sự tại Iraq; đây là điều Mỹ không hề mong muốn.
Sau khi căn cứ liên quân Mỹ tại Iraq bị tấn công ngày 7/1, Tổng thống Donald Trump đã không thể hiện thái độ giận dữ thường thấy. (Nguồn: Reuters)
Lựa chọn và tính toán
Tuy nhiên, phản ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với sự kiện này mới là điều đáng bàn hơn cả. Khác với thái độ giận dữ thường thấy, ông tỏ ra tương đối bình thản. Vấn đề đáng chú ý khác là sức mạnh hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của Mỹ - Iran được cho là đã phóng hơn 20 tên lửa đạn đạo về phía Mỹ, 12 quả trúng đích; một phần trong số đó đã được Patriot đánh chặn kịp thời. Thống kê ban đầu cho thấy phía Mỹ không chịu thiệt hại về người; lực lượng an ninh Iraq được cho chịu thiệt hại, song không đáng kể. Kết quả này có thể phản ánh hai điều sau:
Thứ nhất, Tổng thống Donald Trump và Lầu Năm góc đã chuẩn bị đối phó hành động đáp trả từ Iran. Quan chức tại căn cứ Ain al-Assad cho biết lực lượng tại đây luôn sẵn sàng triển khai khi có cảnh báo sớm về tên lửa, giảm thiểu tối đa thiệt hại.
Thứ hai, cuộc tấn công của Iran là lý do hoàn hảo để Mỹ gia tăng hiện diện quân sự tại Iraq. Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot có thể đã đánh chặn chọn lọc; các tên lửa lọt lưới không gây thiệt hại đáng kể. Khi ấy, Tổng thống Donald Trump có thể vin vào cuộc tấn công này để kêu gọi Quốc hội mở rộng hiện diện tại Iraq, tăng cường chống Iran. Trước khi cuộc tấn công diễn ra, phát biểu ngày 7/1, ông chủ Nhà Trắng đã khẳng định hiện chưa phải thời điểm thích hợp để rút quân khỏi Iraq và nhấn mạnh sẽ “tuân thủ luật pháp quốc tế” nếu tấn công Iran, trái ngược với những gì ông từng nêu sau khi tiêu diệt tướng Qasem Soleimani ngày 3/1.
Hiện tại, tái cử là ưu tiên số 1 của Tổng thống và ông tin rằng tăng cường hiện diện truyền thông, thu hút cử tri qua quyết định thể hiện sự cứng rắn trong vấn đề lợi ích quốc gia sẽ giúp ông xây dựng hình ảnh tốt trước bầu cử. Trong bối cảnh Mỹ khó rút hoàn toàn khỏi Trung Đông, ông Trump có thể thay đổi chính sách, đưa quân trở lại, củng cố hiện diện khu vực. Cuộc tấn công của Iran sẽ tạo điều kiện cho ông phô diễn sức mạnh quân sự nhằm “tự vệ”, thể hiện vai trò Tổng Tư lệnh, thỏa mãn phe diều hâu Cộng hòa mà không vướng rắc rối với đảng Dân chủ.
Trong bối cảnh ấy, khả năng nổ ra chiến tranh giữa Mỹ và Iran là không nhiều: Xung đột cục bộ với Iran sẽ tác động tiêu cực tới hành trình tranh cử của ông Trump; hoạt động quân sự của phe chủ chiến tại Iran luôn bị giới hạn bởi phe chủ hòa và hướng tới đe dọa, buộc Mỹ rời Trung Đông hơn là mở rộng xung đột. Khi ấy, hai bên có thể duy trì căng thẳng cho đến khi đạt mục đích của mình: Với ông Trump là tái cử, với Iran là thể hiện sức mạnh, vị thế. Thế giới có thể chứng kiến thêm nhiều vụ việc tương tự từ hai bên và Trung Đông tiếp tục là “lò lửa” trong năm 2020.