Hải Dương cách ly xã hội toàn tỉnh từ 0 giờ ngày 16.2
Cùng với tiếp tục phong tỏa huyện Cẩm Giàng, TP Chí Linh, Hải Dương sẽ tiến hành cách ly xã hội toàn tỉnh theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ từ 0 giờ ngày 16.2.
Sáng 15.2, đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì hội nghị lần thứ 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để bàn về các biện pháp cấp bách phòng chống dịch (PCD) Covid-19 trong tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Dương Thái, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; thủ trưởng một số sở ngành; tổ chuyên gia của Bộ Y tế tại Hải Dương cùng dự.
Nhanh chóng thành lập các chốt kiểm soát dịch
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng nhất trí chủ trương thực hiện cách ly xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong vòng 15 ngày trên phạm vi toàn tỉnh, tính từ 0 giờ ngày 16.2.2021. Mỗi địa phương sẽ có sự chỉ đạo, thực hiện cách ly phù hợp với tình hình dịch bệnh. Tiếp tục thực hiện phong tỏa chặt chẽ TP Chí Linh đến khi kiểm soát, dập được dịch. Thực hiện cách ly xã hội cao hơn, tương đương mức độ phong tỏa ở Chí Linh và thực hiện nghiêm Thông báo Kết luận số 89 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đối với huyện Cẩm Giàng.
Ngay sau hội nghị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ ban hành Chỉ thị thực hiện chủ trương trên. Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao UBND tỉnh ban hành ngay các quyết định tổ chức thực hiện cách ly theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm việc thực hiện đồng bộ, thống nhất trong toàn hệ thống chính trị; phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể cho từng lực lượng tham gia các chốt kiểm soát; quy định thật rõ điều kiện những hoạt động được phép đi lại, tổ chức sản xuất kinh doanh, mặt hàng được lưu thông. Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và các lực lượng tổ chức ngay các chốt kiểm soát phòng chống dịch theo quy định; kiểm soát thật nghiêm túc, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng lưu ý việc thực hiện cách ly toàn tỉnh phải bảo đảm PCD, đồng thời hạn chế tối đa ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống người dân. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, lập tức mở đợt cao điểm tuyên truyền để người dân nắm rõ những chủ trương của tỉnh, cảnh báo, nâng cao ý thức, chủ động, tự giác, bình tĩnh chấp hành nghiêm các quy định PCD. Sở Y tế tham mưu ban hành các quy định, hướng dẫn, cảnh báo về PCD.
Kỷ luật người đứng đầu nếu để xảy ra lây nhiễm chéo
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu phải tăng cường cao độ các giải pháp phong tỏa, cách ly để hạn chế phát sinh các ca bệnh trong các khu cách ly, khu phong tỏa. Lực lượng quân đội trực tiếp chủ trì, điều hành các khu cách ly tập trung có quy mô trên 100 người. Đối với những khu cách ly quy mô nhỏ hơn, lực lượng quân đội phải đóng vai trò nòng cốt trong quá trình điều hành. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh tham mưu tỉnh đề nghị huy động ngay các cơ sở của các đơn vị thuộc Quân khu 3 phục vụ cách ly.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lưu Văn Bản chỉ đạo kiểm tra, rà soát 100% các khu cách ly trong tỉnh, kiên quyết không cho nhận người cách ly vào những nơi không đủ điều kiện, yêu cầu xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm PCD trong khu cách ly. Bí thư, Chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm và sẽ bị kỷ luật nếu để xảy ra lây nhiễm chéo trong khu cách ly... Tổ chức tập huấn các biện pháp PCD cho tất cả các lực lượng làm nhiệm vụ trong khu cách ly. Ngay trong chiều 15.2, giải tỏa toàn bộ công nhân Công ty TNHH Điện tử Poyun Việt Nam cách ly tại Trường Trung cấp Nghề Việt Nam - Canada ở phường Cộng Hòa, THPT Chí Linh, Trường Tiểu học Chu Văn An (TP Chí Linh) đến địa điểm khác. Kiểm tra ngay khu cách ly tại Công ty TNHH Kuroda Kagaku, giải tỏa công nhân đến địa điểm khác nếu không bảo đảm an toàn PCD. Bí thư, Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm và phải thường xuyên kiểm tra việc thực hiện các quy định PCD tại các khu vực phong tỏa.
Nâng cao công suất xét nghiệm
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác xét nghiệm đối với PCD, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng giao Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh nâng công suất xét nghiệm tối đa lên 30.000 mẫu/ngày. Tham mưu UBND tỉnh đề nghị Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương hỗ trợ Hải Dương xét nghiệm tại các địa bàn; xây dựng kế hoạch xét nghiệm cụ thể, trong đó ưu tiên các trường hợp F1, người có nguy cơ cao và trả kết quả ngay trong ngày. Để bảo đảm công tác lấy mẫu, UBND tỉnh chỉ đạo Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương, Trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương huy động sinh viên tham gia tình nguyện lấy mẫu xét nghiệm. Sở Y tế tham mưu mua sắm trang thiết bị trong tình trạng khẩn cấp để nâng công suất giường bệnh tại Bệnh viện dã chiến số 2, bảo đảm điều kiện xét nghiệm, điều trị.
Đối với Bệnh viện dã chiến số 3, Sở Y tế sớm tiếp nhận phòng điều trị do Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ. Trong điều kiện chưa có bệnh nhân thì sử dụng Bệnh viện dã chiến số 3 làm khu cách ly. Các cơ sở y tế trong tỉnh phải tăng cường thực hiện các biện pháp PCD; khám sàng lọc các bệnh nhân đến khám, chữa bệnh.
Vừa chống dịch, vừa sản xuất an toàn
Khẳng định cùng với chống dịch, Hải Dương phải giữ vững "mặt trận" sản xuất, kinh doanh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy giao UBND tỉnh chỉ đạo ngành nông nghiệp có hướng dẫn riêng người dân tổ chức duy trì sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh, sản xuất phải bảo đảm các quy định PCD. UBND tỉnh ban hành quyết định về các tiêu chí PCD trong nhà máy, phân xưởng để các doanh nghiệp tự đánh giá, chỉ được hoạt động khi đủ điều kiện PCD và chịu trách nhiệm về quyết định hoạt đông. Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh phối hợp với các địa phương thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra 100% các nhà máy, phân xưởng trong các khu công nghiệp, nếu đủ điều kiện mới được sản xuất. Đối với các doanh nghiệp ở bên ngoài khu công nghiệp, chính quyền các địa phương lựa chọn, kiểm tra các doanh nghiệp có nguy cơ cao, yêu cầu dừng hoạt động những trường hợp không bảo đảm an toàn.
Ban Quản lý các Khu công nghiệp tổ chức xét nghiệm bắt buộc 100% chủ doanh nghiệp, công nhân, người lao động (là người Cẩm Giàng, đang tạm trú tại huyện Cẩm Giàng) của các doanh nghiệp ở huyện Cẩm Giàng. Việc lấy mẫu, trả kết quả phải thực hiện trong ngày và chỉ những người âm tính với SARS-CoV-2 mới được tham gia sản xuất. Các chuyên gia tại các doanh nghiệp trước khi trở lại Cẩm Giàng làm việc phải đăng ký xét nghiệm và chỉ được trở lại làm việc khi có kết quả âm tính với SARS-CoV-2; trong quá trình làm việc không được đi ra ngoài doanh nghiệp.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng yêu cầu Ủy ban MTTQ tỉnh phối hợp với các ngành, địa phương tiếp tục huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn tài trợ, kêu gọi xã hội hóa để tiếp tục hỗ trợ tiền ăn cho những trường hợp F1, hỗ trợ các sinh viên tình nguyện làm nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm.
Dập dịch triệt để tại các khu phong tỏa
Tại hội nghị, các chuyên gia của Bộ Y tế đã phân tích, nhận định tình hình dịch bệnh trong những ngày tới và đề xuất một số giải pháp phòng chống dịch.
PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Trưởng đoàn công tác của Bộ Y tế tại Hải Dương nhận định việc xuất hiện những ca bệnh trong các khu phong tỏa báo hiệu vẫn có sự lây nhiễm tại cộng đồng. Đây là điều rất đáng lo ngại trong công tác phòng chống dịch. Chính vì vậy Hải Dương phải tuyệt đối không được lơ là, thực hiện các giải pháp để dập dịch ở các khu phong tỏa; không để xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo trong các khu cách ly tập trung. "Phải dập tắt dịch, triệt tiêu nguồn lây ở các khu phong tỏa, không để lọt mầm bệnh ra bên ngoài. Yêu cầu thực hiện thật triệt để cách ly nhà với nhà, người với người; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm, đủ sức răn đe với những trường hợp vi phạm phòng chống dịch. Phải thực hiện Chỉ thị 16 hiệu quả từng giờ, từng phút để làm chậm và ngăn chặn các nguy cơ lây lan dịch bệnh", ông Trần Như Dương nhấn mạnh.
Thạc sỹ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Phó trưởng đoàn công tác của Bộ Y tế cho biết các cơ sở điều trị đang theo dõi sát những bệnh nhân có dấu hiệu viêm phổi, có bệnh nền, bệnh nhân cao tuổi... "Tất cả các trung tâm y tế, các phòng khám phải tăng cường sàng lọc, tăng cường bảo vệ bệnh nhân mạn tính như suy thận, chạy thận nhân tạo, cố gắng không để bệnh nhân suy thận mắc Covid-19; quản lý chặt chẽ bệnh nhân ung thư. Tuyệt đối không cho thăm bệnh nhân trong thời gian này. Mỗi người bệnh chỉ được phép có tối đa 1 người chăm sóc. Hải Dương cũng cần tăng cường xét nghiệm định kỳ các bệnh nhân nội trú và người nhà để kịp thời phát hiện những ca bệnh trong các bệnh viện", ông Khoa đề nghị.
Đến 6 giờ sáng 15.2, Hải Dương ghi nhận 475 ca bệnh Covid-19, trong đó các địa phương có nhiều ca bệnh là Chí Linh 234 ca, Cẩm Giàng 70, Kinh Môn 65, Nam Sách 28. Hiện 72 trong tổng số 235 xã, phường, thị trấn của 11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh có ca bệnh. Số lượng F1 là 13.821 trường hợp (2.004 trường hợp đã thành cách ly), F2 là 56.661 trường hợp (27.980 đã hoàn thành cách ly tại nhà). Toàn tỉnh thực hiện phong tỏa 71 khu dân cư, 9 thôn, 2 xã và 2 huyện, thành phố. Trong tỉnh hiện có 103 khu cách ly tập trung. Tổng số mẫu đã lấy xét nghiệm là 93.050 mẫu. Hải Dương đã có 55 bệnh nhân Covid-19 đã khỏi bệnh; 4 cơ sở đang điều trị cho 393 bệnh nhân.
HOÀNG BIÊN