Hải Dương cần khai thác tiềm năng khác biệt
Thủ tướng khẳng định Chính phủ luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài
Ngày 10-1, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Hải Dương.
Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đặt mục tiêu đến năm 2030, Hải Dương là tỉnh công nghiệp hiện đại, có quy mô nền kinh tế lớn trong cả nước; đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021 - 2030 bình quân đạt khoảng 9,5%/năm. Tầm nhìn đến năm 2050, Hải Dương đạt tiêu chí thành phố trực thuộc trung ương, là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Hồng.
Tỉnh Hải Dương cũng công bố danh mục các dự án thu hút đầu tư giai đoạn 2024 - 2030 và trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, biên bản ghi nhớ cho một số dự án đầu tư trên địa bàn. Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng cho biết với phương châm "chính quyền tỉnh Hải Dương luôn đồng hành với doanh nghiệp", "lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ", tỉnh Hải Dương cam kết sẽ dành những điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đây là một sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc triển khai thực hiện quy hoạch tỉnh, huy động các nguồn lực, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Hải Dương trong thời gian tới. Đồng thời tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng trọng điểm kinh tế Bắc Bộ, vùng thủ đô, nhất là Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thủ tướng nêu rõ quy hoạch tỉnh Hải Dương đã được xây dựng theo hướng khai thác tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh; phát triển dựa vào nguồn lực bên trong (con người, thiên nhiên và truyền thống văn hóa, lịch sử xứ Đông) là cơ bản và ngoại lực là quan trọng, đột phá...
Về nguồn lực thực hiện quy hoạch, Thủ tướng lưu ý tỉnh Hải Dương cần đẩy mạnh hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt và kích hoạt đầu tư tư; tiếp tục đổi mới tư duy, chủ động, năng động, sáng tạo. Thủ tướng cũng gợi ý Hải Dương là tỉnh có bề dày văn hóa, văn hiến lâu đời, nhiều di tích, danh lam thắng cảnh, do vậy cần biến di sản thành tài sản, nguồn lực vật chất. Hải Dương và các tỉnh, cơ quan liên quan cần tiếp tục tích cực đề cử UNESCO công nhận quần thể di tích và danh thắng "Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc" là di sản thế giới.
Người đứng đầu Chính phủ mong muốn doanh nghiệp đầu tư tại Hải Dương với tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người dân và doanh nghiệp, "đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện", ra sản phẩm hiệu quả cụ thể, cân đong đo đếm được. "Chính phủ Việt Nam luôn tạo thuận lợi nhất, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài" - Thủ tướng khẳng định.
Cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi thăm, tặng quà công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết Giáp Thìn 2024 tại Công ty Kefico thuộc Tập đoàn Hyundai Motor, Khu Công nghiệp Đại An, tỉnh Hải Dương. Thủ tướng yêu cầu Đảng bộ, chính quyền các cấp tỉnh Hải Dương tiếp tục rà soát, quan tâm, chăm lo các đối tượng chính sách, người nghèo, những người khó khăn, yếu thế, công nhân, người lao động… để người dân có một cái Tết trọn vẹn. Tiếp đó, Thủ tướng đã đi thăm và tặng quà người nghèo của tỉnh tại UBND xã Thái Học, TP Chí Linh. Thủ tướng cũng thăm một số công trình, dự án trên địa bàn TP Chí Linh như dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 37, quy hoạch dự án khu du lịch sinh thái hồ Thanh Long, khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/hai-duong-can-khai-thac-tiem-nang-khac-biet-19624011020350641.htm