Hải Dương cần xác định phát triển công nghiệp là hướng đi chính
Đồng chí Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh Hải Dương có vị trí địa lý thuận lợi, có quỹ đất, nguồn nhân lực dồi dào. Vì vậy, Hải Dương cần xác định phát triển công nghiệp là hướng đi chính.
Đó là ý kiến của đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương tại hội nghị góp ý vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025 do Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức sáng 26.2.
Theo đồng chí Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, dự thảo báo cáo chính trị của Hải Dương được chuẩn bị khá công phu, nghiêm túc, cơ bản đáp ứng được yêu cầu của Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đồng chí đánh giá cao sáng kiến, tinh thần trách nhiệm, ý thức cầu thị của tỉnh Hải Dương trong việc tổ chức hội nghị góp ý vào dự thảo văn kiện.
Đồng chí đề nghị tới đây, tỉnh Hải Dương cần tiếp tục bám sát Chỉ thị 35, các dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng để hoàn thiện Báo cáo chính trị. Khi đánh giá kết quả nhiệm kỳ 2015-2020 cần gắn với kết quả sau gần 35 năm đổi mới để nhìn rõ xu hướng phát triển, có bài học sâu sắc, toàn diện, từ đó đề ra định hướng phát triển trong tương lai.
Đồng chí Trưởng Ban Kinh tế Trung ương gợi ý trong định hướng phát triển kinh tế, Hải Dương phải hướng tới phát triển kinh tế vùng để có sự bổ trợ lẫn nhau giữa các tỉnh. Cần đặt Hải Dương trong lợi thế so sánh với các tỉnh trong khu vực để phát huy tốt các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh gắn với liên kết trong kinh tế với các địa phương khác để cùng phát triển. Thực hiện tốt việc xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội với tầm nhìn dài hạn và thực hiện tốt quy hoạch.
Đồng chí Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh Hải Dương có vị trí địa lý thuận lợi, có quỹ đất, nguồn nhân lực dồi dào. Vì vậy, cơ hội để Hải Dương phát triển thành tỉnh công nghiệp rất lớn và nên coi đây là hướng đi chính. Từ phát triển công nghiệp sẽ kéo theo dịch vụ, du lịch phát triển, đây là những yếu tố để bảo đảm cho sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh...
Hải Dương cần xác định rõ chiến lược thu hút đầu tư theo tinh thần Nghị quyết 23 của Trung ương. Không nhất thiết phải đợi các doanh nghiệp lớn vào đầu tư, nên thu hút doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp phát triển công nghiệp phụ trợ nhằm khai thác lợi thế gần Thủ đô Hà Nội và Hải Phòng. Đẩy mạnh nghiên cứu áp dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; phát triển nông nghiệp và du lịch nhằm giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và cuộc sống của nhân dân. Tỉnh cũng cần đặc biệt quan tâm đặt mục tiêu đạt mức thu nhập bình quân đầu người cao để phát triển thực chất.
Đồng chí đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương tiếp tục phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương để hoàn thiện dự thảo văn kiện đại hội, tạo tiền đề ban hành Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 có tính đột phá, không phải chỉ riêng cho Hải Dương mà còn cho cả nước, tạo khí thế mới, động lực mới để Hải Dương phát triển tự tin và vững vàng trong thời gian tới.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cảm ơn những ý kiến góp ý thiết thực của đồng chí Nguyễn Văn Bình và của Ban Kinh tế Trung ương. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương sẽ tiếp thu các ý kiến, đánh giá đúng, trúng tình hình của tỉnh thời gian qua để xây dựng mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phù hợp cho nhiệm kỳ tới, quyết tâm đưa tỉnh Hải Dương có những bước phát triển đột phá tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
Trước đó, qua nghiên cứu, Ban Kinh tế Trung ương đã nêu một số góp ý và khuyến nghị đối với tỉnh Hải Dương. Ban đề nghị Báo cáo chính trị cần làm nổi bật hơn tính toàn diện và tính chưa bền vững trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhiệm kỳ qua. Cần phân tích và đánh giá sâu về những nguyên nhân của tính không bền vững, nhất là nguyên nhân khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế liên tục giảm trong những năm gần đây; tỷ lệ đô thị hóa thấp, chưa có sự gắn kết giữa đô thị hóa với xây dựng nông thôn và bảo vệ môi trường... Từ đó, đưa ra giải pháp phù hợp cho phương thức phát triển nhanh và bền vững mà tỉnh Hải Dương đặt ra trong thời gian tới.
Ban Kinh tế Trung ương cũng đề nghị cần đánh giá sâu hơn việc thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược được đề ra trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Qua đó, cho thấy nguyên nhân của những thành công cũng như hạn chế của tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội nhiệm kỳ vừa qua. Lý giải vì sao tỉnh thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư nước ngoài nhưng chất lượng lại chưa được như kỳ vọng trong bối cảnh các chỉ số năng lực cạnh tranh, cải cách hành chính của tỉnh luôn nằm ở nhóm thấp nhất cả nước và đồng bằng sông Hồng.
Ban Kinh tế Trung ương gợi ý 3 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội cho Hải Dương trong thời gian tới là: công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao và dịch vụ chất lượng cao.