Hải Dương: Đẩy mạnh thực thi pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học

Hải Dương giàu tiềm năng về đa dạng sinh học vì có vùng núi, trung du và đồng bằng. Nhằm tăng cường bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ các loài hoang dã tại địa bàn, UBND tỉnh Hải Dương vừa ban hành công văn chỉ đạo cụ thể.

Tỉnh Hải Dương có đủ các địa hình cơ bản gồm miền núi, trung du và đồng bằng. Vùng rừng núi đất ở Chí Linh, vùng rừng núi đá vôi ở Kinh Môn. Vùng trung du phía nam Chí Linh và Kinh Môn có nhiều núi đồi xen kẽ với sông ngòi. Vùng đồng bằng ở Hải Dương có nhiều sông ngòi, giàu tài nguyên động vật, thực vật. Hải Dương chỉ thiếu vùng ven biển nhưng thay vào đó lại có vùng nước lợ với nhiều rươi, cáy, cà ra, cói... Do đặc điểm trên, Hải Dương là địa phương giàu tiềm năng về đa dạng sinh học.

Đảo Cò Chi Lăng Nam ở huyện Thanh Miện (Hải Dương) có số lượng cò, vạc rất đa dạng. Ảnh: Đại Đoàn Kết

Đảo Cò Chi Lăng Nam ở huyện Thanh Miện (Hải Dương) có số lượng cò, vạc rất đa dạng. Ảnh: Đại Đoàn Kết

UBND tỉnh Hải Dương vừa có công văn yêu cầu các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh thực thi pháp luật, tuyên truyền, phổ biến công tác bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ các loài hoang dã.

Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương chỉ đạo Báo Hải Dương, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tăng cường đưa tin, phát sóng các thông điệp, phóng sự, bản tin tuyên truyền pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại, bảo vệ các loài hoang dã nguy cấp, quý, hiếm, bảo tồn chim hoang dã, di cư tại Việt Nam.

Cán bộ, công chức, người lao động và người dân không tham gia săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo động vật hoang dã, chim di cư trái pháp luật. Không nuôi, trồng, mua bán, phóng sinh các loài ngoại lai xâm hại. Không mua các cá thể chim để phóng sinh vì đây là hành vi tiếp tay cho các hoạt động săn, bẫy chim hoang dã trái phép.

Chủ tịch UBND tỉnh giao Cục Quản lý thị trường, Công an tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường phối hợp thanh tra, kiểm tra thường xuyên các nhà hàng, cơ sở nuôi, kinh doanh động vật hoang dã, chợ chim hoang dã, các tuyến vận chuyển hàng hóa trọng điểm, đầu nậu về săn, bắt, buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ các loài động vật hoang dã, chim di cư. Ngăn chặn các hành vi săn, bắt, buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ trái phép và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ các loài động vật, thực vật hoang dã, chim di cư tại Việt Nam. Thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh có nguồn gốc từ động vật hoang dã, chim di cư.

Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Quản lý thị trường, Công an tỉnh, các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hoạt động nuôi, trồng, buôn bán, phóng sinh các loài ngoại lai xâm hại ra môi trường tự nhiên, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Sông Hồng

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/hai-duong-day-manh-thuc-thi-phap-luat-ve-bao-ton-da-dang-sinh-hoc-96102.html