Hải Dương: Doanh nghiệp kiến nghị vì địa bàn cấp nước bị chồng lấn
Chính quyền cấp phép xây dựng nhà máy sản xuất nước sinh hoạt cho 2 doanh nghiệp trên cùng một địa bàn khiến cho doanh nghiệp bị chồng lấn khu vực cung cấp nước sạch, làm giảm hiệu quả đầu tư. Sự việc xảy ra tại huyện Kinh Môn, Hải Dương đang trở thành bài toán khó cho cả hai nhà đầu tư.
Một địa bàn, hai đơn vị phụ trách
Trước đây, hệ thống công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn xã Hiệp Sơn do Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương đầu tư, Trung tâm nước sạch sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Hải Dương (thuộc Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương) làm chủ dự án, sau đó bàn giao cho xã Hiệp Sơn quản lý.
Ngày 12/4/2010, được sự đồng ý của Trung tâm nước sạch sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Hải Dương, UBND xã Hiệp Sơn đã ký kết hợp đồng kinh tế số 01 về việc giao trạm cấp nước sạch 500m3/ngày đêm cho ông Dương Văn Vinh (là tiền thân của Công ty Mạnh Tùng ngày nay) đầu tư thêm vốn tự quản lý và khai thác công trình nước sạch Hiệp Sơn.
Ông Dương Văn Vinh, Phó Giám Công ty Mạnh Tùng cho biết, năm 2013, để sớm đạt mục tiêu xây dựng nông thôn mới, các xã như An Phụ, Thượng Quận, Hiệp Hòa, Phạm Mệnh (cùng huyện Kinh Môn) đã có đơn đề nghị công ty đầu tư đường ống dẫn nước để cung cấp nước sạch sinh hoạt cho nhân dân tại các xã trên.
Căn cứ vào công văn đề nghị và hợp đồng đã ký giữa công ty và UBND các xã đó, được sự chấp thuận của UBND huyện Kinh Môn và UBND xã Hiệp Sơn, công ty đã huy động vốn để đầu tư xây dựng mới Nhà máy nước sạch Hiệp Sơn với công nghệ hiện đại, tiên tiến hơn với công suất 5.000m3 (gấp 10 lần nhà máy cũ).
Theo đó, công ty đã đầu tư xây dựng, phủ kín đường mạng toàn xã cung cấp nước sạch cho Hiệp Sơn và 4 xã trên với quy mô 3 vạn dân, tổng vốn đầu tư là 73,1 tỷ đồng. Tới nay, đại đa số các hộ dân ở cả 5 xã đã sử dụng nước sạch của công ty ổn định. Tuy nhiên, công suất của nhà máy hiện vẫn còn dư khoảng 2.500m3/ngày đêm.
Trong khi đó, vào ngày 2/7/2019, UBND tỉnh Hải Dương lại ra quyết định số 2221/QĐ-UBND quyết định chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy xử lý nước sạch An Phụ, huyện Kinh Môn cho Công ty cổ phần kinh doanh nước sạch Kinh Môn. Với mục tiêu của dự án là đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý nước sạch nhằm cung cấp nước sạch đạt chất lượng ăn uống cho nhân dân, các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn các xã An Phụ, Long Xuyên, Hiệp An, Hiệp Sơn, An Sinh, Thượng Quận (huyện Kinh Môn) và Nhà máy xử lý nước sạch Kinh môn I (thuộc Công ty cổ phần kinh doanh nước sạch Hải Dương) có quy mô 19.500m3/ngày đêm. Trong đó, giai đoạn 1 công suất 9.500m3/ngày đêm, giai đoạn 2 công suất 10.000m3/ngày đêm. Địa điểm thực hiện dự án tại thôn Phương Luật, xã An Phụ, huyện Kinh Môn.
Theo ông Vinh, đối chiếu với nội dung của quyết định số 2221 mà UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt cho Công ty cổ phần kinh doanh nước sạch Kinh Môn thì địa bàn các xã như An Phụ, Hiệp Sơn, Thượng Quận sẽ bị trùng lặp về đơn vị phục vụ cấp nước với Công ty Mạnh Tùng. Bởi cả 3 xã trên, họ đã có kiến nghị và được công ty của ông phục vụ cấp nước từ nhiều năm nay.
Địa phương cũng sẽ bị ảnh hưởng
Liên quan đến vấn đề trên, người dân xã Hiệp Sơn cho biết, nước sạch hiện nay họ đang sử dụng từ Nhà máy nước sạch Hiệp Sơn chất lượng đảm bảo, áp lực nước cũng ổn định nên người dân không có ý kiến gì về nhà máy nước này. Tuy nhiên, một địa bàn mà có hai đơn vị đều tiến hành đầu tư xây dựng, lắp đặt đường ống nước sẽ có nguy cơ làm ảnh hưởng đến hạ tầng của địa phương. Bởi khi địa phương tiến hành cải tạo đường xá, kênh mương hay xây mới công trình ắt hẳn sẽ vấp phải trở ngại do đường ống nước nằm trong lòng đất.
“Một nhà máy đang thừa công suất, một nhà máy khác lại tiếp tục đầu tư thêm vào đây, người dân càng không sử dụng được hết nước. Việc cấp nước không hết công suất sẽ gây lãng phí nguồn vốn đầu tư cho các doanh nghiệp. Như vậy sẽ giảm hiệu quả của công trình”, người dân này nhận định.
Được biết, tại điều 32 Nghị định 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch có nêu rõ: Một đơn vị cấp nước có thể có một hoặc nhiều vùng phục vụ cấp nước khác nhau, mỗi vùng phục vụ cấp nước chỉ do một đơn vị cấp nước thực hiện dịch vụ cấp nước.
Quy định của Chính phủ rất rõ ràng, nhưng trong quyết định số 2221 mà UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt Dự án Nhà máy xử lý nước sạch xã An Phụ cho Công ty cổ phần kinh doanh nước sạch Kinh Môn lại thể hiện rõ sự trùng lặp về địa bàn cấp nước giữ hai đơn vị. Việc gây tổn thất cho doanh nghiệp là điều không tránh khỏi. Những kiến nghị của Công ty Mạnh Tùng có được giải quyết thấu tình đạt lý không?
PLVN tiếp tục thông tin.