Hải Dương giảm 45,1 ha ruộng bỏ hoang

Diện tích ruộng không cấy (bỏ hoang) ở Hải Dương trong vụ lúa đông xuân năm nay giảm mạnh.

Diện tích ruộng bỏ hoang không cấy ở Hải Dương liên tục giảm trong những năm gần đây. Trong ảnh: Một ruộng bỏ hoang không cấy ở huyện Kim Thành

Diện tích ruộng bỏ hoang không cấy ở Hải Dương liên tục giảm trong những năm gần đây. Trong ảnh: Một ruộng bỏ hoang không cấy ở huyện Kim Thành

Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, vụ đông xuân năm nay, Hải Dương có 2.408 hộ bỏ 128,8 ha ruộng không cấy, giảm 573 hộ và 45,1 ha so với cùng kỳ năm ngoái.

Thị xã Kinh Môn và huyện Nam Sách là 2 địa phương không có ruộng bỏ hoang. Huyện Tứ Kỳ có nhiều diện tích ruộng bỏ hoang nhất với 57,3 ha, tiếp đến là huyện Thanh Miện 27,1 ha, TP Chí Linh 25,3 ha, huyện Ninh Giang 20 ha... Huyện Bình Giang có diện tích ruộng bỏ hoang ít nhất với 0,5 ha.

Diện tích ruộng bỏ hoang không cấy ở Hải Dương giảm dần trong những năm gần đây. Năm 2022, toàn tỉnh có khoảng 300 ha ruộng bỏ hoang, năm 2023 là 260 ha và năm 2024 là 227,8 ha. Diện tích ruộng bỏ hoang không cấy ngày càng giảm là tín hiệu rất đáng mừng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, những năm gần đây, giá thóc, gạo duy trì ở mức cao, ổn định, nhiều nông dân mượn hoặc thuê ruộng của những hộ không cấy để gieo cấy tập trung.

Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ngày càng được ứng dụng rộng rãi, toàn diện là một trong những nguyên nhân giúp diện tích ruộng bỏ hoang ở Hải Dương liên tục giảm

Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ngày càng được ứng dụng rộng rãi, toàn diện là một trong những nguyên nhân giúp diện tích ruộng bỏ hoang ở Hải Dương liên tục giảm

Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp được ứng dụng toàn diện vào tất cả các khâu từ làm đất, gieo cấy đến chăm sóc, thu hoạch lúa giúp bà con tiết kiệm thời gian, nâng cao năng suất, sản lượng lúa. Hệ thống giao thông nội đồng được cải tạo, làm mới đến tận những chân ruộng xa giúp việc đi lại, phục vụ sản xuất thuận lợi hơn.

Bên cạnh đó, một bộ phận lao động tự do (xây dựng, buôn bán nhỏ...) do ít việc hơn trước nên trở lại đồng ruộng gieo cấy. Nhiều chân ruộng vàn cao gặp khó khăn trong việc tưới đã được bà con chuyển từ cấy lúa sang trồng màu.

Nhiều địa phương có chính sách hỗ trợ nông dân về giống, phân bón, chế phẩm sinh học giúp nông dân có động lực sản xuất. Cấp ủy, chính quyền một số địa phương tích cực tuyên truyền, vận động các hội, đoàn thể mượn ruộng hoang của nông dân gieo cấy để gây quỹ.

TM

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/hai-duong-giam-45-1-ha-ruong-bo-hoang-409219.html