Hải Dương: Hàng nghìn du khách tham quan các danh thắng, di tích và phố đi bộ
Trong 4 ngày nghỉ lễ (từ 1-4/9), các điểm danh thắng, di tích quốc gia đặc biệt của Hải Dương như: Côn Sơn - Kiếp Bạc, Văn miếu Mao Điền, đền Bia, An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương, đảo Cò… đặc biệt là phố đi bộ - chợ đêm ở thành phố Hải Dương đón hàng nghìn lượt khách đến tham quan, vui chơi.
Bà Nguyễn Thị Thùy Liên, Trưởng ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cho biết, trong 4 ngày nghỉ lễ, di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đón khoảng hơn 1,7 vạn du khách chủ yếu là khách trong nước đến từ Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thái Bình…. Đặc biệt, do thời tiết thuận lợi, khiến nước suối Côn Sơn (dòng suối bắt nguồn từ hai khe núi Ngũ Nhạc và Côn Sơn dài khoảng 3 km, uốn lượn tạo thành nhiều ghềnh thác kế tiếp nhau rồi đổ ra hồ Côn Sơn) chảy đều nên lượng khách đến tham quan, tham gia hoạt động trải nghiệm ở dòng suối này rất lớn. Chỉ tính riêng ngày 2/9, có khoảng 6.000 du khách đến trải nghiệm ở suối Côn Sơn.
Để đón lượng khách lớn về với di tích và chuẩn bị cho lễ hội mùa Thu, Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc tập trung cải tạo cảnh quan môi trường, trồng bổ sung hàng nghìn cây hoa giấy; bố trí lực lượng thu gom rác thải tại khu vực núi Côn Sơn, suối Côn Sơn, Ngũ Nhạc, hồ Bán Nguyệt tại khu di tích Côn Sơn; trang trí cờ, đèn lồng, điện… toàn bộ khu vực trong, ngoài di tích. Ban Quản lý di tích bố trí các điểm đón dừng chân và phục vụ du khách; cải tạo khu trải nghiệm Côn Sơn, khu trưng bày sản phẩm từ sen ở Kiếp Bạc; phối hợp với các nhà hàng, quán ăn, khách sạn trong khu di tích để đón khách đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Ban Quản lý di tích phân công lực lượng bảo vệ, Ban thanh tra nhân dân thường xuyên kiểm tra, giám sát việc niêm yết giá; không để xảy ra tình trạng khấn thuê, xe ôm, đeo bám khách, bán hàng rong, lấn chiếm vị trí bán hàng…; bố trí lực lượng thường trực tại điểm di tích, khu vực tập trung đông du khách như suối Côn Sơn, bàn Cờ Tiên…để đảm bảo công tác phòng cháy, chữa cháy và kịp thời hỗ trợ du khách.
Tại khu di tích và danh lam thắng cảnh quốc gia Đảo Cò, huyện Thanh Miện, trong dịp nghỉ lễ cũng có hàng nghìn du khách đến tham quan, trải nghiệm. Hiện Đảo Cò hơn 2 vạn con cò, vạc… sinh sống. Bên cạnh hệ sinh thái tự nhiên, Đảo Cò còn hội tụ nhiều giá trị văn hóa lịch sử như đền, chùa; làng nghề cổ truyền… tạo nên cảnh quan sinh động, một điểm du lịch sinh thái hấp dẫn của Hải Dương.
Cũng trong dịp nghỉ lễ, nhiều gia đình ở Hải Dương chọn đến các điểm di tích thờ các vị anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, danh y như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Tuệ Tĩnh, Chu Văn An… để dâng hương tưởng niệm và cầu mong cho gia đình sức khỏe, bình an.
Năm nay, lần đầu tiên Hải Dương tổ chức phố đi bộ - chợ đêm tại đường Bạch Đằng, thành phố Hải Dương. Địa điểm này thu hút hàng nghìn người đến vui chơi vào dịp cuối tuần. Phố đi bộ - chợ đêm được khai trương từ ngày 28/4/2023, tại đây, vào mỗi dịp cuối tuần lại thu hút hàng nghìn người dân đến vui chơi, giải trí.
Hằng tuần cứ vào tối thứ Bảy và Chủ Nhật, cả tuyến phố lại sôi động với hoạt động văn hóa, thể thao như giao lưu giữa các nhóm nhảy; múa rồng lân; trải nghiệm nghề truyền thống và trò chơi dân gian như làm gốm, cốm, đập niêu, bắt chạch, làm tò he; tái hiện hàng nước truyền thống, khung cảnh làng quê xưa để phục vụ người dân.
Bên cạnh các chương trình nghệ thuật, phố đi bộ của Hải Dương còn có nhiều loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống để người dân trải nghiệm như: Trình diễn pháo đất; võ thuật cổ truyền; trình diễn áo dài truyền thống, hát văn, tuồng, hát chèo... Chỉ tính riêng tối 2/9 (thứ Bảy), phố đi bộ - chợ đêm ở thành phố Hải Dương đã đón hơn 1 vạn người dân đến vui chơi, giải trí.