Hải Dương: họp khẩn chỉ đạo di dời người dân khu vực nguy hiểm

Ngày 11/9, tỉnh Hải Dương tiến hành họp khẩn và chỉ đạo các lực lượng chức năng thực hiện việc di dời người dân ở khu vực nguy hiểm trong ngày; đồng thời hỗ trợ 5 tỷ đồng/địa phương cấp huyện.

Ông Lê Ngọc Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết, toàn tỉnh hiện có 2 điểm trọng yếu cấp tỉnh, 36 điểm trọng yếu cấp huyện trên các tuyến đê. Việc phòng chống lũ xuyên suốt là ưu tiên bảo vệ con người rồi mới đến tài sản, bảo đảm an toàn ở mức cao nhất.

Các vị trí đê xung yếu, sụt lún đã được kiểm tra và thực hiện xử lý, tuy nhiên vẫn còn nguy cơ tiềm ẩn có thể xảy ra tràn đê, vỡ đê. Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị có văn bản đề nghị các tỉnh phía thượng nguồn hạn chế mức thấp nhất việc tiếp tục xả nước, gây áp lực lên hệ thống đê điều của tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Thắng ghi nhận UBND tỉnh và các cơ quan, đơn vị, các lực lượng trong tỉnh đã tích cực vào cuộc, quyết liệt trong phòng chống bão số 3. Đồng chí lưu ý hiện còn một số vị trí đê điều có dấu hiệu, nguy cơ sạt trượt (Thanh Hà, TP Chí Linh) tiềm ẩn nguy cơ nguy hiểm.

Tỉnh Hải Dương yêu cầu người dân di dời khỏi vùng trũng ngoài đê. Ảnh: Báo HD.

Tỉnh Hải Dương yêu cầu người dân di dời khỏi vùng trũng ngoài đê. Ảnh: Báo HD.

Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh khẩn trương triển khai quyết liệt các giải pháp phòng chống lũ lụt, trong đó thực hiện ngay việc di dời người dân ở khu vực nguy hiểm trong ngày 11/9.

Tỉnh Hải Dương ưu tiên việc di dời người dân để hạn chế tối đa thiệt hại. Ảnh: TTXVN

Tỉnh Hải Dương ưu tiên việc di dời người dân để hạn chế tối đa thiệt hại. Ảnh: TTXVN

Bí thư Tỉnh ủy giao ông Bùi Văn Thăng, Giám đốc Sở NN&PTNT trực tiếp chỉ đạo, toàn quyền xử lý công tác phòng chống lụt bão ở Thanh Hà; ông Hoàng Quốc Thưởng, Bí thư Thành ủy Chí Linh chỉ đạo ở TP Chí Linh.

Lưu ý việc di dời người dân là việc quan trọng nhất để hạn chế tối đa thiệt hại nếu có tình huống xấu xảy ra, đồng chí Trần Đức Thắng nhấn mạnh cần thực hiện đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ưu tiên số 1 là bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe người dân.

Ông Trần Đức Thắng khẳng định tỉnh sẵn sàng hỗ trợ các địa phương về mọi mặt, các lực lượng trong tỉnh cùng vào cuộc phòng chống bão lụt. Trong đó, cấp ủy, chính quyền địa phương chịu trách nhiệm chính trên địa bàn quản lý.

Bí thư Tỉnh ủy lưu ý các cơ quan báo chí, truyền thông tuyên truyền rõ về tình hình bão lụt để người dân bình tĩnh, cùng tham gia, phối hợp, hỗ trợ chính quyền trong phòng chống bão lụt.

Ông Trần Đức Thắng yêu cầu thực hiện ngay việc khen thưởng đột xuất các tấm gương, cơ quan, đơn vị có đóng góp tiêu biểu trong phòng chống bão lụt. Trước mắt, tỉnh hỗ trợ mỗi huyện, thị xã, thành phố 5 tỷ đồng để khắc phục hậu quả bão số 3 và triển khai công tác phòng chống bão lụt. Đồng thời yêu cầu các lực lượng, địa phương phối hợp khẩn trương khắc phục sự cố về điện, nước, viễn thông và cơ sở vật chất trường học để tất cả học sinh sớm trở lại trường.

Do mực nước các sông lên nhanh, khu vực bãi sông bị ngập sâu. Người dân khẩn trương di chuyển đồ đạc, vật nuôi ngoài bãi sông để tránh lũ.

Từ ngày hôm qua (10/9) một số người dân tại 2 xã Hiệp Cát, Minh Tân (Nam Sách) đã phải di dời ở khu vực ngoài đê. Đến 16 giờ cùng ngày, lực lượng chức năng đã hoàn thành việc đưa người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người yếu thế, các hộ dân sống ven bờ sông có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn, ưu tiên đến nhà người thân phía trong đê.

Vĩnh Quân

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/hai-duong-hop-khan-chi-dao-di-doi-nguoi-dan-khu-vuc-nguy-hiem.html