Hải Dương: Không cấp phép cho tổ chức, cá nhân vi phạm quy định trong thăm dò, khai thác khoáng sản

Sau khi lực lượng chức năng phát hiện hàng loạt bãi than, đang lưu trữ hàng trăm tấn than không rõ nguồn gốc xuất xứ trên địa bàn huyện Kinh Môn, UBND tỉnh Hải Dương đã có chỉ đạo về công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Bài liên quan

Đại gia lan đột biến Bùi Hữu Thanh có vai trò gì trong đường dây mua bán hàng triệu tấn than trái phép?

Bắt đại gia lan đột biến liên quan đường dây khai thác, tiêu thụ than lậu

Vụ phát hiện than không rõ nguồn gốc tại Hải Dương: Số lượng than lên tới 46.000 tấn

Thông tin nhanh với phóng viên báo Nhà báo và Công luận (sáng 29/8), lãnh đạo tỉnh Hải Dương khẳng định: đã triệu tập cuộc họp với các sở, ngành, địa phương có liên quan công tác tài nguyên khoáng sản.

Tại cuộc họp (ngày 27/8), sau khi nghe Sở Tài nguyên và Môi trường và cơ quan liên quan báo cáo, đánh giá cụ thể, chi tiết về thực trạng hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh, những tồn tại, bất cập, đồng thời đề xuất, kiến nghị các giải pháp khắc phục các tồn tại, thống nhất công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật... Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản nhận định, qua công tác thanh tra, kiểm tra cho thấy hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản vẫn còn nhiều bất cập, xảy ra nhiều hệ lụy.

Qua đó, yêu cầu các sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai, thực hiện nghiêm túc các quy định có liên quan trong lĩnh vực quản lý nhà nước về quy hoạch, thăm dò, khai thác và xử lý vi phạm khoáng sản.

Quan điểm của tỉnh Hải Dương là kiên quyết không cấp giấy phép, gia hạn giấy phép đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật trong thăm dò, khai thác khoáng sản; dừng khai thác, đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường những khu vực khai thác không hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến đời sống người dân - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản chỉ đạo.

Phát hiện hàng trăm tấn than không rõ nguồn gốc ở các bãi trên địa bàn huyện Kinh Môn

Đánh giá về hoạt động các bến bãi, gắn với các sông, Phó Chủ tịch Thường trực Lưu Văn Bản khẳng định: thời gian qua, các ngành, địa phương chưa thực sự phối hợp quản lý chặt chẽ, dẫn đến hoạt động tại các bến bãi chưa đảm bảo về môi trường, an ninh trật tự… do vậy, thời gian tới cần tăng cường kiểm tra, giám sát xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở, ngành, địa phương thành lập ngay đoàn kiểm tra, công khai xử lý các trường hợp sai phạm. Đối với hoạt động của bến bãi, phải có giấy phép hoạt động, việc mua bán vật tư phải có trách nhiệm khai báo và kê khai đối với Cơ quan Thuế, Sở Tài nguyên và Môi trường.

Cũng trong cuộc họp, PCT tỉnh Hải Dương cũng đề nghị, song song với công tác kiểm tra, xử lý, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Xây dựng, Công thương và các sở ngành liên quan sớm thảo luận, thống nhất để ban hành văn bản quản lý về hoạt động tài nguyên khoáng sản, trong đó cần đưa ra một số nguyên tắc, quy định hoạt động nhằm đảm bảo minh bạch nguồn đầu vào, thu Thuế ở phạm vi này, tạo sự công bằng cho các chủ bến bãi hoạt động.

Giao Sở Xây dựng phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, các địa phương liên quan tham mưu cho tỉnh quy hoạch những vùng nguyên liệu để phục vụ cho việc san lấp mặt bằng các công trình trên địa bàn tỉnh (chậm nhất ngày 20.9 có báo cáo đề xuất). Trong đó, việc đánh giá hoạt động khai thác của các mỏ, Sở Tài nguyên và Môi trường cần có báo cáo tổng hợp cụ thể đánh giá thực trạng hoạt động khai thác của các mỏ.

Theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường Hải Dương về quá trình kiểm tra các tổ chức kinh doanh than, khoáng sản trên địa bàn huyện Kinh Môn cho biết: Sau khi lực lượng chức năng phát hiện hàng loạt bãi than, đang lưu trữ hàng trăm tấn than không rõ nguồn gốc xuất xứ, các tổ chức, cá nhân được kiểm tra đã cung cấp các hồ sơ, tài liệu liên quan đến hoạt động kinh doanh; hóa đơn, chứng từ, giấy tờ liên quan đến hàng hóa kinh doanh.

Qua đó xác định, tổng lượng hàng tồn tại 17 địa điểm kiểm tra khoảng 379.072 tấn. Trong đó, 6 tổ chức, cá nhân có số lượng hàng hóa (than, khoáng sản) thực tế tồn trữ tại điểm kinh doanh lớn hơn số lượng theo hóa đơn, chứng từ đầu vào, cũng như thể hiện trên sổ sách theo dõi tồn kho hoặc quá trình kiểm tra chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ đầu vào với tổng khối lượng khoảng 46.154 tấn (dư).

Sơ bộ xác định số lượng hàng hóa này không có hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ, có dấu hiệu vi phạm trong hoạt động thương mại. Số lượng hàng hóa này đã được tạm giữ để xác minh, làm rõ.

Cũng theo Cục Quản lý thị trường Hải Dương, 11 tổ chức, cá nhân có số lượng hàng hóa thực tế tồn tại địa điểm kinh doanh bằng hoặc ít hơn số lượng theo hóa đơn chứng từ đầu vào cũng như thể hiện trên sổ sách theo dõi tồn kho với tổng khối lượng 56.319 tấn (hụt).

Trên cơ sở đối chiếu hóa đơn chứng từ nhập-xuất, lượng hàng luân chuyển trong quá trình kinh doanh và giải trình của doanh nghiệp, tổ chức họp liên ngành và tham khảo ý kiến chuyên môn để xác định: Trường hợp số lượng hàng hóa hao hụt trong phạm vi sai số cho phép, việc hao hụt có lý do, có căn cứ và phù hợp.

Trường hợp số lượng hàng hóa hao hụt vi phạm sai số cho phép, chiếm tỉ trọng lớn so với tổng lượng hàng hóa luân chuyển, xác định đây là lượng hao hụt không có lý do, căn cứ phù hợp. Cần xác minh mở rộng có sự tham gia của các cơ quan chuyên môn để xem xét có dấu hiệu cấu thành hành vi vi phạm trong các lĩnh vực khác hay không.

Trâm Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/hai-duong-khong-cap-phep-cho-to-chuc-ca-nhan-vi-pham-quy-dinh-trong-tham-do-khai-thac-khoang-san-post153068.html