Hải Dương: Mực nước lũ có xu thế tiếp tục xuống, các hộ dân sơ tán về nơi ở cũ
Tại Hải Dương, hiện tại, mực nước lũ của các sông có xu thế tiếp tục xuống và cơ bản các hộ dân sơ tán đã trở về nơi ở cũ, dọn dẹp nhà cửa, ổn định đời sống.
Báo cáo nhanh tình hình lũ và công tác ứng phó trên địa bàn tỉnh Hải Dương sáng 16/9, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương cho biết, về hệ thống đê điều, thủy lợi: Hải Dương có hệ thống sông Thái Bình, sông Luộc, bao gồm: 19 tuyến đê với tổng chiều dài 373km, có 86 kè, 276 cống dưới đê trong đó đê từ cấp III trở lên dài 256 km, có 64 kè, 149 cống dưới đê; đê dưới cấp III dài 117km, có 22 kè, 127 cống dưới đê. Ngoài ra, Hải Dương có có 8 tuyến đê bối, dài 29km, bảo vệ 1.105 ha đất bãi sông.
Toàn tỉnh hiện có 1.245 trạm bơm; 68 hồ chứa nước phục vụ sản xuất; 10.465 km kênh mương các loại; 840km bờ vùng (bờ bao thủy lợi); 291km bờ kênh trục Bắc Hưng Hải.
Theo kiểm tra, đánh giá chất lượng công trình trước lũ năm 2024 của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh có 38 trọng điểm xung yếu đê điều.
Về diễn biến lũ ở các sông: Hệ thống sông Thái Bình: Lũ bắt đầu xuất hiện từ ngày 09/9/2024 và mực nước các sông của hệ thống sông Thái Bình đạt đỉnh vào chiều tối ngày 12/9/2024; hệ thống sông Luộc: Lũ xuất hiện trên sông Luộc bắt đầu từ 09/9/2024, chân lũ tại La Tiến ở mức +4,25m lúc 12h ngày 10/9/2024 và đạt đỉnh +5,10m từ 15h đến 16h ngày 11/9/2024.
Tuy nhiên, hiện nay, các hồ thủy điện Hòa Bình, Tuyên Quang đã đóng tất cả cửa xả đáy. "Đánh giá sơ bộ, hiện tại, mực nước lũ của các sông có xu thế tiếp tục xuống do đóng các cửa xả, không có mưa lớn" - Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương cho hay.
Về công tác ứng phó với lũ, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thông tin, đã ban hành 6 Công điện phát lệnh báo động trên hệ thống các sông và ứng phó với lũ lớn vượt cấp báo động III; triển khai ngay kế hoạch, phương án phòng, chống lũ đã xây dựng.
Đồng thời, phân công các đồng chí Lãnh đạo chỉ đạo trực tiếp từng công tác cụ thể: Công tác di dời người, tài sản, hậu cần phục vụ di dời; xử lý các sự cố đê điều, phân vùng tiêu lũ, tiêu nước; thông tin liên lạc, thông tin tuyên truyền, khám chữa bệnh, cung ứng thuốc, vật tư y tế, an sinh xã hội; bố trí vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhân lực sẵn sàng thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn; hỗ trợ thiệt hại, khôi phục sản xuất.
Các thành viên Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh phụ trách các địa bàn có điểm xung yếu về đê điều trực tiếp xuống hiện trường để kiểm tra, lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ các địa phương thực hiện nhiệm vụ.
Đáng chú ý, đã tổ chức sơ tán 5.596 hộ với 16.193 người (trong tổng số 9.323 hộ với 26.714 người cần di dời) đến nơi an toàn; bố trí lực lượng để tuần tra, canh gác bảo vệ đê toàn tuyến 24/24 giờ.
Tại các địa điểm đê xung yếu đã, đang xử lý và mới phát hiện phải thực hiện phân ca trực cụ thể cho từng người đối với từng điểm để theo dõi diễn biến, thông tin báo cáo tình hình kịp thời; huy động trên 10.000 cán bộ, chiến sỹ trợ giúp nhân dân, địa phương phòng, chống lũ; đã xử lý xong 269 sự cố đê điều; 228 sự cố thủy công trình thủy lợi.
Hiện tại có 106/166 trạm bơm đang vận hành tiêu úng, trong đó: 52 trạm bơm tiêu úng ra hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải; 54 trạm bơm tiêu úng ra sông ngoài.
Đặc biệt, "đến nay cơ bản các hộ dân sơ tán đã trở về nơi ở cũ, dọn dẹp nhà cửa, ổn định đời sống" - Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh nêu, đồng thời yêu cầu, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, thị xã thực hiện nghiêm các Công điện, chỉ đạo của Lãnh đạo UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương.
Trong đó, đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục theo dõi chặt chẽ các sự cố mới xử lý xong; chuẩn bị đầy đủ vật tư, nhân lực để xử lý ngay nếu sự cố tiếp tục có diễn biến xấu.
Thực hiện tuần tra, canh gác đê đảm bảo đúng quy định, đặc biệt lưu ý các vị trí trọng điểm đê điều, các vị trí xung yếu đê điều, thủy lợi; các vị trí kè, bờ lở khi nước rút. Phát hiện kịp thời và xử lý ngay từ giờ đầu, phút đầu nếu có sự cố xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ”;