Hải Dương phòng ngừa tai nạn lao động cuối năm
Cuối năm, hoạt động sản xuất, kinh doanh diễn ra sôi động cũng đồng nghĩa với việc gia tăng nguy cơ tai nạn lao động. Quy định an toàn, vệ sinh lao động cần được doanh nghiệp và người lao động thực hiện nghiêm túc.
Đề cao cảnh giác
Để chủ nhà kịp tổ chức tân gia trước Tết Nguyên đán, nhóm thợ xây của anh Nguyễn Văn Hoàn ở xã Liên Hồng (TP Hải Dương) phải làm việc sớm hơn 1 tiếng và về muộn hơn 30 phút mỗi ngày. Có những hôm cả nhóm thợ ăn trưa xong lại bắt tay vào làm việc ngay. Anh Vũ Văn Hùng trong nhóm thợ xây cho biết: “Không được nghỉ trưa nên có hôm buồn ngủ tí thì bị ngã giàn giáo. Biết là nguy hiểm nhưng cuối năm nhiều việc lại áp lực thời gian nên chúng tôi phải cố”.
Cuối tháng 9 vừa qua, anh P.V.T. ở xã Cao An (Cẩm Giàng) đã bị ngã giàn giáo khi đang xây dựng cho một nhà dân ở khu đô thị mới Tây Bắc thuộc xã Cẩm Vũ. Mặc dù được đưa đi cấp cứu ngay nhưng do vết thương quá nặng, anh P.V.T. đã không qua khỏi.
Cuối năm là thời điểm các cơ sở, doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Các công trình dự án vào giai đoạn “nước rút” phải hoàn thành tiến độ, do đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn lao động. Một số cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh thường lơ là trong kiểm soát, thực hiện các biện pháp an toàn lao động dẫn đến nguy cơ xảy ra tai nạn lao động cuối năm.
Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, từ đầu năm đến ngày 27/11, Hải Dương đã xảy ra 9 vụ tai nạn lao động làm 9 người chết. Các vụ tai nạn gây chết người phần lớn ở các công trình xây dựng và những nơi lao động không được bảo đảm môi trường làm việc an toàn.
Mặc dù tình hình tai nạn lao động có xu hướng tăng giai đoạn cuối năm nhưng ở nhiều nơi doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và bản thân người lao động lại chủ quan, lơ là. Nhiều doanh nghiệp mải chạy theo đơn hàng, không siết chặt an toàn lao động. Người lao động cũng không tuân thủ các quy trình an toàn, không mang bảo hộ khi làm việc. Điều này dễ dẫn đến những vụ tai nạn lao động đáng tiếc.
Xử lý nghiêm
Trước nguy cơ tai nạn lao động dịp cuối năm, UBND tỉnh Hải Dương vừa yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong tỉnh thực hiện nghiêm 15 quy định bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động. Các doanh nghiệp hướng dẫn người lao động tự đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động trước khi làm việc; rà soát, phân loại lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm để thực hiện các chế độ với lao động này; kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, bảo đảm an toàn thiết bị máy móc trong quá trình sản xuất, nhất là giai đoạn cuối năm, đơn hàng nhiều, lao động phải tăng ca…
UBND tỉnh cũng yêu cầu người đứng đầu các địa phương phải kiểm soát chặt các biện pháp an toàn lao động cuối năm và chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tai nạn lao động. Khi phát hiện những trường hợp vi phạm về an toàn lao động, các cơ quan chức năng xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm theo quy định.
Thời gian qua, các ngành chức năng của tỉnh cũng đẩy mạnh tuyên truyền, kiểm tra tại nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh cả trong và ngoài khu công nghiệp để phát hiện sai phạm, kiến nghị khắc phục sai phạm.
Theo đại diện Phòng Lao động - Việc làm (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội), thông thường vào dịp cuối năm tình hình tai nạn lao động diễn biến phức tạp nên sở sẽ tăng cường kiểm tra thực hiện các quy định liên quan tại nhiều đơn vị, nhất là ở những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động phổ thông. Sở cũng đề nghị chính quyền các địa phương phối hợp xử lý kịp thời các vi phạm.
Việc coi thường an toàn, vệ sinh trong lao động dễ dẫn tới tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Muốn giảm tai nạn lao động cần ý thức tự bảo vệ, chấp hành kỷ luật, quy trình an toàn khi làm việc của cả chủ doanh nghiệp và người lao động. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng cần vào cuộc kiểm tra, xử lý vi phạm. Chỉ khi nào việc tuân thủ các quy định về an toàn, vệ sinh lao động trở thành thói quen, kỹ năng làm việc, hành vi văn hóa trong doanh nghiệp thì khi đó công tác an toàn lao động mới được bảo đảm.
11 tháng qua, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã hỗ trợ rà soát, tư vấn an toàn, vệ sinh lao động tại 11 doanh nghiệp và phát tài liệu hướng dẫn ở 60 doanh nghiệp có nguy cơ rủi ro cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Sở cũng đã tổ chức 4 hội nghị chuyên đề về an toàn vệ sinh lao động cho 200 lượt doanh nghiệp và 250 lượt lãnh đạo công ty, cán bộ hành chính nhân sự, an toàn lao động…
Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/hai-duong-phong-ngua-tai-nan-lao-dong-cuoi-nam-365301.html