Hải Dương qua khối mộc bản triều Nguyễn. Kỳ 1: Dấu ấn vùng đất cổ

Qua khối Mộc bản triều Nguyễn - Di sản Tư liệu thế giới hiện đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, TP Đà Lạt (Lâm Đồng), bạn đọc sẽ hiểu hơn về lịch sử hình thành cũng như quá trình phát triển của vùng đất Hải Dương.

Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 21, mặt khắc 24, 25 ghi chép về vùng đất Hải Dương từ thời Hùng Vương dựng nước đến triều vua Trần Thuận Tông

Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 21, mặt khắc 24, 25 ghi chép về vùng đất Hải Dương từ thời Hùng Vương dựng nước đến triều vua Trần Thuận Tông

Trên dải đất hình chữ S, Hải Dương là vùng đất địa linh nhân kiệt, có nhiều đóng góp cho sự phát triển chung của dân tộc. Đó là miền đất gợi nhớ về quá khứ hào hùng từ buổi bình minh dựng nước đến quá trình đấu tranh giữ nước. Ngược dòng lịch sử, vùng đất Hải Dương hôm nay đã có nhiều lần thay đổi tên gọi, địa giới hành chính. Qua khối mộc bản triều Nguyễn, bạn đọc sẽ hiểu hơn về lịch sử hình thành cũng như quá trình phát triển của vùng đất Hải Dương.

Lần theo nguồn sử liệu, mảnh đất Hải Dương vốn có lịch sử hình thành từ rất lâu đời. Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục quyển 21, mặt khắc 24, 25 ghi chép về vùng đất Hải Dương từ thời Hùng Vương dựng nước đến triều vua Trần Thuận Tông như sau: “Đời Hùng Vương xưa, Hải Dương là bộ Dương Tuyền... Nhà Đinh chia làm đạo; nhà Tiền Lê và nhà Lý cũng theo như nhà Đinh; nhà Trần đổi làm các lộ: Hồng Châu thượng, Hồng Châu hạ và Nam Sách thượng, Nam Sách hạ; năm Quang Thái thứ 10 đổi làm Hải Đông trấn…”.

Sau chiến thắng chống quân Minh xâm lược, năm Mậu Thân (1428), vua Lê Thái Tổ cho chia cả nước thành 5 đạo: Tây đạo, Đông đạo, Bắc đạo, Nam đạo và Hải Tây đạo, trấn Hải Dương lúc này thuộc Đông đạo. Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 15, mặt khắc 5 còn ghi chép như sau: “Chia trong nước làm 5 đạo. Thiết lập các vệ quân, đặt Tổng quản và Hành khiển chia giữ sổ sách về quân và dân... Đơn vị to và nhỏ cùng gìn giữ cho nhau, cấp bậc trên và dưới cùng ràng buộc lẫn nhau. Lại đặt Hành khiển ở các đạo, chia giữ sổ sách quân và dân… Các lộ Thượng Hồng, Hạ Hồng, Nam Sách thượng, Nam Sách hạ và trấn An Bang đều thuộc Đông Đạo”.

Đến triều vua Lê Thánh Tông, vào năm Bính Tuất (1466), vua cho chia đặt các đơn vị hành chính trong nước làm 12 đạo thừa tuyên, trong đó có Đạo thừa tuyên Nam Sách. Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 20, mặt khắc 8 có khắc ghi về việc này rằng: “Đến nay, chia trong nước làm 12 đạo thừa tuyên là: 1) Thanh Hóa, 2) Nghệ An, 3) Thuận Hóa, 4) Thiên Trường, 5) Nam Sách, 6) Quốc Oai, 7) Bắc Giang, 8) An Bang, 9) Hưng Hóa, 10) Tuyên Quang, 11) Thái Nguyên, 12) Lạng Sơn”.

Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 21, mặt khắc 15, 16 ghi về việc vua Lê Thánh Tông cho đổi đạo Thừa tuyên Nam Sách thành Thừa tuyên Hải Dương, năm Kỷ Sửu (1469). Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 21, mặt khắc 15, 16 ghi về việc vua Lê Thánh Tông cho đổi đạo Thừa tuyên Nam Sách thành Thừa tuyên Hải Dương, năm Kỷ Sửu (1469). Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Ba năm sau (1469), vua tiếp tục cho định bản đồ trong cả nước, bao gồm 12 thừa tuyên và đạo thừa tuyên Nam Sách được đổi thành thừa tuyên Hải Dương. Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục quyển 21, mặt khắc 15, 16, có ghi: “Nhà vua định bản đồ 12 thừa tuyên… Nam Sách nay đổi làm Hải Dương, quản lĩnh 4 phủ, 18 huyện”. Lúc này Thừa tuyên Hải Dương bao gồm 4 phủ và 18 huyện. Cụ thể là: phủ Thượng Hồng quản lĩnh 3 huyện: Đường Hào, Đường An và Cẩm Giàng; phủ Hạ Hồng quản lĩnh 4 huyện: Gia Phúc, Tứ Kỳ, Thanh Miện và Vĩnh Lại; phủ Nam Sách quản lĩnh 4 huyện: Thanh Hà, Thanh Lâm, Tiên Ninh và Chí Linh; phủ Kinh Môn quản lĩnh 7 huyện: Giáp Sơn, Đông Triều, An Lão, Nghi Dương, Kim Thành, Thủy Đường và An Dương.

Danh xưng Hải Dương chính thức xuất hiện từ đây. Về ý nghĩa của hai chữ Hải Dương. Theo nghĩa chữ Hán: Hải (海) là biển, Dương (陽) là ánh sáng, ánh mặt trời. Hải Dương nằm ở phía đông kinh thành Thăng Long. Hướng đông cũng là hướng mặt trời mọc. Vì vậy Hải Dương có nghĩa là "ánh mặt trời biển Đông" hay "ánh sáng từ miền duyên hải (phía đông) chiếu về".

Đến năm Canh Tuất (1490), vua Lê Thánh Tông cho đổi Thừa tuyên Hải Dương thành xứ Hải Dương, khoảng giữa năm Hồng Thuận (1509 - 1516), lại đổi làm trấn. Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 24, mặt khắc 10 ghi về việc đổi Thừa tuyên Hải Dương thành xứ Hải Dương như sau: “Tháng 4, mùa hạ. Chia trong nước làm 13 xứ. Trước đây định bản đồ, chia trong nước làm 12 đạo thừa tuyên. Đến nay, nhà vua đem đất cũ Chiêm Thành đặt ba ty Đô, Thừa và Hiến ở Quảng Nam, định số hộ khẩu và cương vực mới tăng, chia làm 13 xứ là: Thanh Hóa, Nghệ An, Sơn Nam, Sơn Tây, Kinh Bắc, Hải Dương, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hưng Hóa, Lạng Sơn, An Bang, Thuận Hóa, Quảng Nam và Trung đô phủ. Trong 13 xứ có: 52 phủ, 178 huyện, 50 châu, 20 hương, 36 phường, 6.851 xã, 322 thôn, 637 trang, 40 sách, 40 động, 30 nguyên, 30 trường. Ở Nghệ An, Thuận Hóa, An Bang, Hải Dương, Hưng Hóa, Thái Nguyên, Lạng Sơn và Quảng Nam đều đặt sở Thủ ngữ kinh lược sứ”.

Dưới triều Mạc, vào năm Đinh Hợi (1527), Mạc Đăng Dung cho đặt Hải Dương làm Dương Kinh. Trích phủ Thuận An ở kinh Bắc và các phủ Khoái Châu, Tân Hưng, Kiến Xương, Thái Bình ở Sơn Nam cho lệ thuộc vào Dương Kinh. Sách Đại Nam nhất thống chí quyển 17 cũng có ghi về sự kiện này rằng: “Nhà Mạc đặt Nghi Dương làm Dương Kinh, trích lấy phủ Thuận An thuộc trấn Kinh Bắc và các phủ Khoái Châu, Tân Hưng, Kiến Xương, Thái Bình thuộc trấn Sơn Nam cho lệ vào Dương Kinh”.

Đến nhà Hậu Lê, vua Lê Thế Tông lại cho đổi làm trấn Hải Dương. Năm Tân Dậu (1741), vua Lê Hiển Tông tiếp tục chia Hải Dương làm 4 đạo. Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 39, mặt khắc 12 ghi rằng: “Đặt chức Tuần thủ ở bốn đạo thuộc Hải Dương. Vì Hải Dương đã được bình định, nên chia làm bốn đạo: Thượng Hồng, Hạ Hồng, An Lão và Đông Triều, mỗi đạo đặt một chức tuần thủ để chiếu theo địa phận vỗ về dân chúng”.

Nhìn lại những dấu mốc lịch sử và phát triển của tỉnh Hải Dương mới thấy được bề dày lịch sử của một vùng đất. Dưới thời phong kiến, cùng với Sơn Nam, Kinh Bắc và Sơn Tây, Hải Dương được xem là một trong "tứ trấn" của Kinh thành Thăng Long, có nhiệm vụ che chắn, bảo vệ kinh thành ngay từ vòng ngoài khi kinh thành có biến.

THƠM QUANG

-------------
Kỳ 2: Danh xưng “tỉnh Hải Dương” ra đời

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/dat-va-nguoi-xu-dong/hai-duong-qua-khoi-moc-ban-trieu-nguyen-ky-1-dau-an-vung-dat-co-163129