Hải Dương sẵn sàng triển khai thực hiện Luật Căn cước

Luật Căn cước bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Hải Dương đang tích cực chuẩn bị để sẵn sàng đưa Luật Căn cước vào phục vụ nhân dân.

Công an huyện Gia Lộc sẽ thành lập 2 tổ công tác là cố định và lưu động để thu nhận hồ sơ cấp căn cước cho người dân

Công an huyện Gia Lộc sẽ thành lập 2 tổ công tác là cố định và lưu động để thu nhận hồ sơ cấp căn cước cho người dân

Chuẩn bị kỹ lưỡng

Để tiếp tục giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ hơn về Luật Căn cước, chiều 3/6, Công an huyện Nam Sách phối hợp với Ban Tuyên giáo Huyện ủy thông tin, tuyên truyền về Luật Căn cước đến toàn bộ đội ngũ báo cáo viên của địa phương. Đặc biệt là nhấn mạnh đến mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng và những điểm mới của Luật Căn cước. Cùng với công tác tuyên truyền, thời gian qua Công an huyện Nam Sách tích cực, chủ động làm tốt công tác chuẩn bị về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị để đưa Luật Căn cước vào cuộc sống.

Theo Thượng tá Vũ Đức Trung, Phó Trưởng Công an huyện Nam Sách, đơn vị chủ động quán triệt, bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ cấp căn cước cho người dân và Công an các xã, thị trấn các công việc liên quan đến việc thực hiện Luật Căn cước, nhất là tập trung hoàn thiện, làm sạch dữ liệu dân cư. “Đối với 8 xã, thị trấn thuộc diện sáp nhập, Công an huyện đã rà soát, nắm bắt nhu cầu người dân có nguyện vọng làm căn cước để chủ động bố trí lực lượng, phương tiện”, Thượng tá Vũ Đức Trung chia sẻ.

Để chủ động trong việc cấp căn cước cho người dân có nhu cầu, nhất là người dân ở các xã thuộc diện sáp nhập, Công an huyện Gia Lộc sẽ thành lập 2 tổ thu nhận hồ sơ. Một tổ cố định đặt tại Bộ phận “một cửa” UBND huyện, tổ còn lại thực hiện lưu động tại các xã, thị trấn. Để phục vụ tốt nhất cho nhân dân, ngoài trang thiết bị được Bộ Công an, Công an tỉnh trang cấp, Công an huyện chủ động trang bị thêm 1 bộ thiết bị để phục vụ việc thu nhận hồ sơ.

Các đơn vị công an cấp xã cũng tích cực triển khai các nhiệm vụ để đáp ứng tốt khi Luật Căn cước có hiệu lực. Theo Công an phường Hải Tân (TP Hải Dương), do địa bàn có số lượng lớn người dưới 14 tuổi thuộc diện cấp căn cước sau ngày 1/7, đơn vị tích cực tham mưu với Đảng ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện. Công an phường đã xây dựng phương án để phối hợp với Công an thành phố trong việc cấp căn cước cho người dân bảo đảm an toàn, nhanh chóng, chất lượng.

Theo Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh), thời gian qua Công an tỉnh tích cực tuyên truyền đến người dân về Luật Căn cước với nhiều phương thức. Công an tỉnh cũng tổ chức tập huấn cho toàn bộ lực lượng cảnh sát quản lý hành chính ở 3 cấp về Luật Căn cước và các văn bản, công việc liên quan. Phòng phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cài đặt lại phần mềm cho hệ thống máy phục vụ công tác thu nhận hồ sơ cấp căn cước. Cùng với đó, tham mưu với các cấp, các ngành tăng cường trang thiết bị để thực hiện nhiệm vụ.

Vẫn dùng căn cước công dân

Công an huyện Nam Sách phối hợp thông tin về Luật Căn cước đến đội ngũ báo cáo viên của địa phương

Công an huyện Nam Sách phối hợp thông tin về Luật Căn cước đến đội ngũ báo cáo viên của địa phương

Hiện nay, nhiều người dân còn băn khoăn là khi Luật Căn cước có hiệu lực, người dân có phải làm lại thẻ căn cước không. Theo Thượng tá Phạm Chiến, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Luật Căn cước quy định rõ không bắt buộc người dân phải đổi từ thẻ căn cước công dân sang thẻ căn cước. Người dân đang sử dụng thẻ căn cước công dân còn thời hạn nếu không có nhu cầu đổi sang thẻ căn cước thì vẫn sử dụng bình thường cho đến hạn phải đổi thẻ. Do đó, luật không có xáo trộn trong việc cấp và quản lý thẻ căn cước. Cùng với đó, thẻ căn cước được cấp từ ngày 1/7 bổ sung thêm thông tin về mống mắt, giọng nói, AND… Khi người dân đã tích hợp các loại giấy tờ như thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn... vào thẻ căn cước thì có thể dùng thẻ căn cước thay thế các giấy tờ này để giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch khác.

Về thông tin sinh trắc học, AND, giọng nói, cơ quan quản lý căn cước sẽ không tiến hành việc thu nhận trong quá trình thu nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước. Việc này chỉ thực hiện khi người dân tự nguyện cung cấp hoặc cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, cơ quan người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong quá trình giải quyết vụ việc theo chức năng, nhiệm vụ có thực hiện trưng cầu giám định hoặc thu thập AND, giọng nói của người dân thì chia sẻ cho cơ quan quản lý căn cước để cập nhật, điều chỉnh.

Thượng tá Phạm Chiến thông tin thêm, thẻ căn cước được cấp từ ngày 1/7 có quy định 2 mẫu thẻ. Một mẫu cấp cho công dân từ đủ 6 tuổi trở lên và một mẫu cấp cho công dân dưới 6 tuổi. Cũng theo Luật Căn cước, trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước thỏa thuận quốc tế cho phép người dân nói chung được sử dụng thẻ căn cước thay cho giấy tờ xuất nhập cảnh trên lãnh thổ của nhau thì thẻ căn cước được dùng thay cho giấy tờ xuất nhập cảnh là hộ chiếu, giấy thông hành.

DT

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/hai-duong-san-sang-trien-khai-thuc-hien-luat-can-cuoc-383776.html