Hải Dương: Tập trung mọi nguồn lực khắc phục ảnh hưởng của bão số 3
Bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề về tài sản đối với tỉnh Hải Dương. Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hải Dương chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương tập trung mọi nguồn lực khắc phục hậu quả của bão, sớm đưa cuộc sống của người dân, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp ổn định trở lại.
Chiều 8/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cùng Đoàn công tác của Chính phủ đã về thăm, động viên, kiểm tra tình hình khắc phục hậu quả bão số 3 tại Hải Dương. Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ chia sẻ với những ảnh hưởng của người dân nói chung, những người dân có tài sản bị thiệt hại nói riêng trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Phó Thủ tướng biểu dương, ghi nhận nỗ lực của tỉnh trong công tác phòng chống bão. Để chia sẻ, chung sức cùng người dân Hải Dương vượt qua khó khăn, ảnh hưởng do bão số 3 gây ra, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định hỗ trợ để thông qua tỉnh giúp người dân bị thiệt hại.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hải Dương cảm ơn sự quan tâm, động viên, chia sẻ của Chính phủ tới cán bộ và nhân dân Hải Dương, đồng thời khẳng định toàn tỉnh đang vượt qua khó khăn, nỗ lực ở mức cao nhất để khẩn trương khắc phục thiệt hại sau cơn bão. Đặc biệt, tỉnh đang kiểm tra, khắc phục toàn diện đối với tất cả các trường học bị thiệt hại, kể cả nguy cơ tiềm ẩn sau cơn bão, điều chỉnh lịch học phù hợp theo tình hình thực tế, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh trước khi tới trường. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh khẳng định Hải Dương luôn đồng hành, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong tỉnh khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất, kinh doanh, đưa cuộc sống trở lại bình thường trong thời gian sớm nhất.
Trước đó, chủ trì phiên họp triển khai khắc phục hậu quả sau cơn bão số 3, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lê Ngọc Châu nhấn mạnh chính quyền toàn tỉnh đang nỗ lực ở mức cao nhất để đồng hành, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp quay trở lại cuộc sống bình thường trong thời gian sớm nhất. Yêu cầu Công ty TNHH Một thành viên Điện lực Hải Dương tập trung khẩn trương khắc phục sự cố điện, cấp điện cho các hệ thống chính, nhất là các trạm bơm tiêu úng sớm nhất. Phân bổ nguồn lực khẩn trương cấp điện sinh hoạt cho người dân. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp các nhà mạng khẩn trương khắc phục sự cố viễn thông.
Các địa phương rà soát, thống kê thiệt hại để có số liệu chính xác nhất. Đánh giá hậu quả thiệt hại, căn cứ hướng dẫn của ngành Nông nghiệp, Tài chính để thống kê, đề nghị hỗ trợ theo đúng quy định. Các Sở, ban, ngành căn cứ vai trò, nhiệm vụ tham mưu UBND tỉnh khắc phục sự cố sau cơn bão số 3 sớm nhất, nhất là dự báo và xây dựng kế hoạch ứng phó với những nguy cơ tiềm ẩn sau cơn bão. Rà soát, phòng ngừa dịch bệnh về người, gia súc, gia cầm có thể xảy ra, bảo đảm vấn đề vệ sinh môi trường.
Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu cần tập trung khắc phục sự cố, thiệt hại tại các trường học, có kế hoạch điều chỉnh lịch học trong trường hợp cần thiết để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh khi đến trường. Các địa phương có người dân di dời đến nơi tránh trú phải rà soát, kiểm tra tính an toàn của các công trình, nhà ở của người dân trước khi đưa người dân trở lại, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người dân. Quan tâm tới các gia đình, người bị thiệt hại bởi bão, người nghèo, hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế bị ảnh hưởng từ cơn bão, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương, bão số 3 ảnh hưởng tới tỉnh Hải Dương từ trưa 7/9 đến 22 giờ cùng ngày, tâm bão đi qua địa bàn tỉnh. Bão số 3 đã gây mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to, gió bão mạnh cấp 12, giật cấp 13. Tổng lượng mưa từ 19 giờ ngày 6/9 đến 19 giờ ngày 7/9 phổ biến từ 50-100mm, có nơi trên 150mm.
Tại Hải Dương, bão số 3 đã gây thiệt hại về sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, công trình giao thông, hệ thống công trình điện, viễn thông. Cụ thể, toàn tỉnh có khoảng 10.000ha lúa bị đổ, khoảng 1.200 ha cây rau màu bị dập nát, hơn 600ha cây ăn quả bị gãy, đổ. Nhiều mái nhà tôn, mái phi-brô-xi-măng, cửa kính bị sập, tốc, hư hỏng. Nhiều biển quảng cáo, cây bóng mát bị đổ, gãy, gây ách tắc giao thông. Toàn tỉnh có 26 cột điện bị gãy, đổ, gây mất điện diện rộng. Do đứt cáp quang, một số trạm BTS bị đổ nên hệ thống viễn thông bị gián đoạn, gây mất liên lạc.
Sau bão, các Sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã triển khai một số biện pháp khắc phục hậu quả như khơi thông các tuyến đường giao thông bị ách tắc do cây đổ; kiểm tra, khắc phục sự cố tại các trường học bị thiệt hại, khôi phục hệ thống điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt, khôi phục hệ thống viễn thông…
Theo thông tin từ Công ty TNHH Một thành viên Điện lực Hải Dương đến 18 giờ ngày 8/9, đơn vị đã khắc phục sự cố cấp điện cho 44/166 trạm bơm tiêu úng trong toàn tỉnh. Đã có 3/4 trạm biến áp 110kV bị mất điện có điện trở lại, còn trạm biến áp Cộng Hòa 2 (Chí Linh) vẫn mất điện. Các đơn vị đã rà soát, kiểm tra và đóng điện các đường dây hạ thế bảo đảm an toàn, cấp điện cho khoảng 250.000 khách hàng sinh hoạt, đạt khoảng 40% số khách hàng bị mất điện. Để lưới điện sớm hoạt động ổn định trở lại, Công ty TNHH Một thành viên Điện lực Hải Dương đã yêu cầu 12 điện lực cấp huyện ngay trong đêm 8/9 phải hoàn thành phương án cấp điện hết cho các phụ tải bơm chống úng, cấp điện cho các phụ tải sinh hoạt, cơ quan hành chính, trường học…; chủ động tổ chức họp khẩn với các đơn vị thi công được giao hỗ trợ, khảo sát, lên phương án, chuẩn bị sẵn sàng vật tư thiết bị để tiến hành xử lý sự cố…
Cũng theo Công ty TNHH Một thành viên Điện lực Hải Dương, hiện nay lưới điện 110kV trên địa bàn tỉnh đã cơ bản được đóng điện bảo đảm an toàn; lưới điện trung áp đang trong quá trình khắc phục các khiếm khuyết. Tuy nhiên, lưới điện hạ áp cấp điện phục vụ sinh hoạt vẫn có nhiều điểm cây gẫy đổ vào đường dây. Các đơn vị điện lực đang khẩn trương phối hợp với các đơn vị quản lý cây xanh, chính quyền địa phương chặt hạ, gỡ cây đổ ra khỏi các đường dây mới bảo đảm an toàn cấp điện sinh hoạt cho khách hàng.