Vụ mùa vải năm 2024, toàn huyện Thanh Hà có trên 3.200 ha vải, trong đó diện tích trà vải sớm có 1.700 ha, còn diện tích trà vải chính vụ có khoảng 1.500 ha.
Đối với diện tích trà vải sớm tập trung chủ yếu ở 4 xã khu đảo Hà Đông gồm: Thanh Quang, Thanh Cường, Thanh Hồng, Vĩnh Lập. Trà vải sớm, ở các xã này chiếm tới 88%, còn lại 12% là vải chính vụ.
Còn vải thiều chính vụ tập trung ở các xã, thị trấn thuộc khu Hà Nam gồm: Thị trấn Thanh Hà và các xã Thanh Xá, Thanh Thủy, Thanh Khê, Thanh Sơn. Các địa phương ở khu Hà Nam trồng vải chính vụ chiếm hơn 90%, còn lại là vải sớm.
Theo đánh giá sơ bộ của UBND huyện Thanh Hà, năm 2024 sản lượng vải Thanh Hà đạt khoảng 22.000 tấn quả, chỉ bằng 50% năm 2023.
Năm 2024, huyện Thanh Hà có 48 vùng trồng vải với 167 mã số đủ điều kiện xuất khẩu (48 mã xuất khẩu sang Trung Quốc, 39 mã xuất khẩu đi Úc, 38 mã xuất khẩu vào thị trường Mỹ, 34 mã xuất khẩu Nhật, 8 mã xuất khẩu Thái Lan); 12 cơ sở đóng gói với 21 mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu được cấp phép.
Bà Hoàng Thị Thúy Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương cho biết: "Đến nay sản phẩm vải Thanh Hà đã được đưa ra thị trường, sản lượng thấp, tuy nhiên chất lượng vải vẫn duy trì và tốt hơn năm ngoái. Về giá bán, dự kiến nhập khẩu các thị trường sẽ cao hơn mọi năm từ 15 - 30%".
Những ngày đầu vụ, vải u trứng trắng (trà vải sớm nhất) cho thu hoạch với giá từ 100.000 - 120.000 đồng/kg. Trà vải này tuy không nhiều nhưng chưa năm nào người dân thất vọng về giá cả.
Sau trà vải u trứng trắng là u trứng gai và u hồng cũng đã cho thu hoạch, bán với giá từ 35.000 - 40.000 đồng/kg. Tất cả các trà vải đều bán với giá cao hơn năm ngoái khoảng 10.000 đồng/kg.
Hiện nay, các trà vải sớm của huyện Thanh Hà đã cho thu hoạch gồm: u trứng trắng, trứng gai, u hồng, tàu lai. Các trà vải này cho thu hoạch lần lượt đến giữa tháng 6.
Ngay từ sáng sớm, ở các vườn vải, cánh đồng vải, nông dân các xã ở khu Hà Đông đang thu hoạch vải để "chạy đua" với ánh nắng mặt trời.
Do trà vải sớm bán được giá cao hơn vải chính vụ nên mặc dù thu hoạch dưới tiết trời nóng bức, mệt nhọc nhưng ai cũng phấn khởi.
Chị Bùi Thị Hạnh (thôn Phúc Giới, xã Thanh Quang) hộ gia đình trồng vải cho biết, năm nay phần lớn diện tích vải chín sớm bị mất mùa, sản lượng chỉ ước đạt 40-50%, vải chính vụ cũng giảm sản lượng so với năm 2023. Tuy nhiên, giá thành năm nay cao hơn năm ngoái nên cũng phần nào an ủi người dân.
Khi bó, quả vải phải được xử lý hoàn toàn sạch lá, cắt cuống các bó vải, chỉ để chiều dài cuống không quá 10cm. Loại bỏ các quả vải không đảm bảo mẫu mã, chất lượng.
Từ đầu vụ đến nay, gia đình ông Lê Văn Học (xã Thanh Quang) đã thu hoạch được gần 1 tấn vải, bán buôn với giá 30.000 - 35.000 đồng/kg, loại vải đẹp bán lẻ được 45.000 - 50.000 đồng/kg.
Sau khi được thu hoạch, vải của các hộ gia đình được đưa đến các cơ sở để kiểm tra chất lượng, sau đó đóng gói bao bì và lên đường xuất khẩu.
Nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật và các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP vào sản xuất nên vải huyện Thanh Hà được thu mua xuất khẩu sang các thị trường lớn.
Người dân chờ các thương lái phát phiếu cân vải có ghi giá tiền thu mua, giá tùy theo chất lượng vải.
Anh Nguyễn Văn Nam (xã Thanh Thủy, huyện Thanh Hà) chủ cơ sở thu mua vải cho biết: “Từ đầu vụ đến nay, mỗi ngày gia đình tôi thu mua được từ 10 - 15 tấn vải ở nhiều mức giá khác nhau, tùy thuộc vào mẫu mã, chất lượng. Số lượng vải này được gia đình tôi sơ chế đảm bảo theo tiêu chuẩn để xuất khẩu sang các thị trường như: Trung Quốc, Lào, Campuchia...”.
Vải sau khi thu mua được bảo quản tại nơi thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời và gió để giữ được độ tươi và không bị thâm.
Bước vào quá trình sơ chế, vải được ngâm vào nước đá lạnh trước khi đóng vào thùng xốp.
Sau đó, vải được cắt bớt cuống và đóng vào thùng xốp, xếp vừa đủ, không quá chặt và không để rỗng, mới có thể vận chuyển đi xa mà không bị dập nát.
Vải xuất khẩu được tuyển chọn kỹ, xếp đồng đều về hình thức và chất lượng.
Trong thùng xốp cũng có đặt thêm đá để giữ lạnh cho quả lâu hơn và tưới thêm nước để giữ được độ tươi.
Lớp trên cùng của thùng xốp được phủ tấm vải giữ nước.
Cuối cùng, quấn băng dính và vận chuyển lên thùng xe container lạnh, chờ lên đường xuất khẩu.
Trong mùa thu hoạch vải, một số dịch vụ đi kèm như làm đá, làm thùng xốp, bẻ vải, đóng vải… đã tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động thời vụ với mức thu nhập cao.
Không chỉ vải chính vụ, những vườn vải sớm ở Thanh Hà cũng đang thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm hái vải, đặc biệt là vào dịp cuối tuần.
Sản lượng vải thiều năm 2024 của huyện Thanh Hà giảm mạnh so với năm 2023, khoảng 2 tuần nữa sẽ bước vào thu hoạch.
Linh Chi