Hải Dương: Triển khai Cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam' năm 2024

Việc triển khai Cuộc vận động nhằm phát huy vai trò của các doanh nghiệp, khơi dậy tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc của người dân Việt Nam, xây dựng văn hóa sản xuất kinh doanh và tiêu dùng Việt Nam.

UBND tỉnh Hải Dương ban hành Kế hoạch số 2317/KH-UBND ngày 19/6/2024 về việc triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh Hải Dương năm 2024.

Kế hoạch của UBND tỉnh Hải Dương nhằm thực hiện Kế hoạch số 885/KH-MTTW-BCĐTWCVĐ ngày 07/5/2024 của Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu tỉnh Hải Dương tại Hội chợ Thương mại quốc tế Việt - Trung (Lào Cai) năm 2023. Ảnh: Sở Công Thương Hải Dương.

Gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu tỉnh Hải Dương tại Hội chợ Thương mại quốc tế Việt - Trung (Lào Cai) năm 2023. Ảnh: Sở Công Thương Hải Dương.

Theo đó, mục đích của Kế hoạch là thông qua các giải pháp triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới, góp phần khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc của người tiêu dùng Việt Nam trong sử dụng hàng Việt Nam; góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.

Việc triển khai Cuộc vận động nhằm phát huy vai trò của các doanh nghiệp, khơi dậy tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc của người dân Việt Nam, xây dựng văn hóa sản xuất kinh doanh và tiêu dùng Việt Nam.

Đồng thời, việc triển khai Cuộc vận động tạo sự thống nhất, đồng bộ từ Trung ương đến các địa phương về triển khai các nội dung của Cuộc vận động theo Thông báo số 264-TB/TW ngày 31/7/2009 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu nâng cao trách nhiệm của các cơ quan trong hệ thống chính trị trong việc triển khai thực hiện Cuộc vận động; tăng cường phối hợp tuyên truyền, vận động doanh nghiệp, người dân thực hiện Cuộc vận động trên địa bàn.

Đồng thời, UBND tỉnh yêu cầu xác định trách nhiệm và phân công nhiệm vụ cụ thể đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc tỉnh; xây dựng kế hoạch, chọn chủ đề để triển khai Cuộc vận động phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị.

Cùng với đó, UBND tỉnh yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá việc triển khai Cuộc vận động ở từng cấp; đảm bảo chế độ thông tin, báo cáo kết quả triển khai Cuộc vận động.

Để đạt được các mục tiêu trên, UBND tỉnh Hải Dương đưa ra các nội dung trọng tâm cần phải thực hiện, cụ thể:

Về công tác tuyên truyền thực hiện Cuộc vận động, cần tiếp tục đổi mới hình thức tuyên truyền để các doanh nghiệp hiểu đúng và nâng cao trách nhiệm thực hiện các Hiệp định Thương mại khu vực và quốc tế mà Việt Nam tham gia, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa, sản phẩm của doanh nghiệp Việt với hàng hóa nhập khẩu.

Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền trách nhiệm của doanh nghiệp trong xây dựng và đăng ký thương hiệu hàng hóa, ứng dụng công nghệ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tổng hợp, giới thiệu những cách làm hay, gương điển hình trong tổ chức, triển khai thực hiện Cuộc vận động 15 năm qua.

Xây dựng chuyên trang, chuyên mục về Cuộc vận động để tuyên truyền trên trang thông tin điện tử, báo, đài, tạp chí của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh; kết hợp và mở rộng phạm vi thông tin, tuyên truyền trên các nền tảng số, song song là nâng cao chất lượng các chương trình, đa dạng hóa nội dung và đổi mới hình thức tuyên truyền.

Về việc rà soát các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, cần phải rà soát, cập nhật các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp công nghệ số tham gia vào chuỗi sản xuất hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao.

Hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số, khai thác có hiệu quả thương mại điện tử.

Nghiên cứu hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, cùng với đó, chú trọng xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm hàng hóa, mở rộng thị trường và quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

Đẩy mạnh theo hướng chuyển đổi linh hoạt ngành, lĩnh vực mới, thúc đẩy khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế xanh, … phù hợp với cơ chế chính sách, luật pháp quốc tế để kích thích sản xuất, tiêu dùng bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu trong nước và gia tăng xuất khẩu.

Thúc đẩy thực thi các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Về việc tổ chức tôn vinh, biểu dương, khen thưởng, tuyên dương doanh nghiệp tiêu biểu, bình chọn sản phẩm chất lượng, các cơ quan, đơn vị có hình thức phù hợp tôn vinh, biểu dương, khen thưởng các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn tỉnh có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được người Việt Nam tin dùng hoặc có nhiều thành tích trong thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Về việc tăng cường các hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường; nâng cao hiệu quả công tác giám sát, kiểm tra, các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất nhằm chủ động ngăn ngừa, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thương mại.

Đặc biệt là các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, gian lận thuế; hàng hóa không đảm bảo chất lượng, vi phạm an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc xuất xứ; các hành vi vi phạm trong thương mại điện tử hoặc lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng hóa vi phạm.

Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, phát triển thị trường, xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm, phân phối và tiêu dùng hàng Việt Nam.

Đồng thời, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về mua sắm tài sản, hàng hóa của các cơ quan, đơn vị từ nguồn ngân sách nhà nước bảo đảm đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của Cuộc vận động.

Về việc tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, thường xuyên thông tin về các nhãn hiệu sản phẩm trên thị trường gắn với chương trình "Thương hiệu quốc gia Việt Nam", "Mỗi xã, phường một sản phẩm".

Tổ chức giới thiệu các sản phẩm ứng dụng khoa học công nghệ mới của các doanh nghiệp, làng nghề của địa phương.

Hội Bảo vệ người tiêu dùng tăng cường công tác thu thập thông tin của người tiêu dùng về hàng hóa trên thị trường và kịp thời thông tin với cơ quan chức năng xử lý các trường hợp vi phạm bản quyền, nhãn hiệu, sản phẩm kém chất lượng.

Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ trong sản xuất, phân phối sản phẩm; chống hàng giả, hàng kém chất lượng…

UBND tỉnh Hải Dương phân công nhiệm vụ cụ thể cho Ủy ban mặt trận tổ quốc tỉnh Hải Dương và các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, các doanh nghiệp, hợp tác xã có liên quan tổ chức thực hiện.

Thùy Dương

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/hai-duong--trien-khai-cuoc-van-dong--nguoi-viet-nam-uu-tien-dung-hang-viet-nam--nam-2024-122789.htm