Hải Dương xem xét đề xuất đầu tư 120 tỷ đồng xây dựng, cải tạo 84 trạm bơm

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương đề nghị tỉnh ưu tiên đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo 84 công trình trạm bơm do UBND cấp huyện quản lý đã xuống cấp nghiêm trọng.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà soát lại toàn bộ danh mục các công trình, phân loại các công trình thực sự cấp bách để đề xuất triển khai cải tạo. Ảnh: Hà Kiên

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà soát lại toàn bộ danh mục các công trình, phân loại các công trình thực sự cấp bách để đề xuất triển khai cải tạo. Ảnh: Hà Kiên

Tại phiên họp UBND tỉnh Hải Dương sáng 2/10, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo trên cơ sở rà soát hiện trạng, đối chiếu với quy hoạch chuyên ngành và đề xuất của UBND cấp huyện, sở đã tổng hợp, dự kiến danh mục đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo 84 công trình trạm bơm trên địa bàn 11 huyện, thành phố, thị xã (riêng huyện Ninh Giang không đề xuất công trình nào). Tổng mức đầu tư dự kiến 120 tỷ đồng.

Các thành viên và lãnh đạo UBND tỉnh thống nhất việc đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống trạm bơm do UBND cấp huyện quản lý là cần thiết và cấp bách để bảo đảm việc tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu cho rằng việc đầu tư nâng cấp các trạm bơm cần được rà soát, xem xét chặt chẽ trên cơ sở đúng quy định của pháp luật và phù hợp với điều kiện của tỉnh Hải Dương.

Cấp huyện quản lý phải bảo đảm theo quy định của Luật Đầu tư công và các quy định của pháp luật có liên quan. Các dự án phải phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đầu tư bảo đảm tiến độ, hiệu quả, không được để xảy ra tiêu cực, lãng phí. Ưu tiên đầu tư cho các trạm bơm có nhiệm vụ cấp bách.

Quang cảnh phiên họp UBND tỉnh tháng 10 (lần 1) sáng 2/10. Ảnh: Hà Kiên

Quang cảnh phiên họp UBND tỉnh tháng 10 (lần 1) sáng 2/10. Ảnh: Hà Kiên

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà soát lại toàn bộ danh mục các công trình, phân loại các công trình thực sự cấp bách để đề xuất triển khai cải tạo, nâng cấp bằng vốn đầu tư công. Trước mắt, đề xuất danh mục ưu tiên đầu tư cho các trạm bơm thực sự cấp bách cần cải tạo nâng cấp ngay, bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trong năm nay.

Đối với các công trình còn lại cần đánh giá hiện trạng, nếu mức độ có thể cải tạo, nâng cấp và phù hợp với định hướng quy hoạch trước mắt và lâu dài thì đưa vào danh mục ưu tiên đầu tư giai đoạn 2026 - 2030, bảo đảm phù hợp với quy hoạch…

Theo phân cấp quản lý, khai thác công trình thủy lợi, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 1.245 trạm bơm, 68 hồ chứa nước, 10.465 km kênh mương, 840 km bờ bao thủy lợi.

UBND tỉnh giao các doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi thuộc tỉnh quản lý, khai thác, vận hành 286 trạm bơm, 8 hồ chứa nước, 2.236 km kênh mương, 335 km bờ bao.

UBND cấp huyện quản lý (giao cho các tổ chức thủy lợi cơ sở: Hợp tác xã, tổ hợp tác là dịch vụ thủy nông quản lý, khai thác, vận hành) tổng số 959 trạm bơm, 60 hồ chứa, 7.708 km kênh mương, 505 km bờ bao.

Giai đoạn 2021-2024, toàn tỉnh có 215 dự án, công trình thủy lợi được đầu tư với tổng kinh phí 1.734 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 762 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 438 tỷ đồng, ngân sách huyện 60 tỷ đồng, vốn khác 114 tỷ đồng). Trong đó, đã hoàn thành đưa vào sử dụng 194 dự án với kinh phí đầu tư 921 tỷ đồng.

Các trạm bơm thuộc trách nhiệm quản lý của UBND cấp huyện có nhiệm vụ tiếp nhận nguồn nước từ hệ thống kênh trục, trạm bơm chính, dẫn nước tưới đến mặt ruộng và dẫn nước tiêu thoát nước từ mặt ruộng để phục vụ tiêu thoát ra các hệ thống chính. Các trạm bơm này hầu hết được xây dựng từ thập kỷ 80 của thế kỷ trước. Cá biệt có những trạm bơm được xây dựng từ những năm 1960, 1970, trải qua hơn nửa thế kỷ khai thác, vận hành. Hầu hết các trạm bơm đều đã xuống cấp nghiêm trọng, nhà trạm bơm nhỏ, mái nứt thấm dột, đa số các trạm bơm không có nhà quản lý; máy bơm đã cũ, hỏng, hiệu suất kém. Hệ thống cấp điện xuống cấp gây mất an toàn trong quá trình vận hành. Hệ thống kênh dẫn, bể hút, bể xả của trạm bơm bị xô, tụt, bồi lắng, không đáp ứng được nhiệm vụ.

Trong thời gian qua việc sửa chữa chỉ được thực hiện ở quy mô nhỏ. Các hoạt động hiện chỉ mang tính chất tạm thời nhằm duy trì hoạt động ở mức tối thiểu của các công trình.

Vì vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND tỉnh xem xét, báo cáo HĐND tỉnh phân bổ vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ cho các huyện, thị xã, thành phố để triển khai thực hiện. Về cơ chế hỗ trợ: Vốn đầu tư công của tỉnh hỗ trợ 100% chi phí xây dựng, thiết bị, tư vấn và chi phí khác. Ngân sách huyện bố trí kinh phí đến bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng (nếu có).

Phiên họp UBND tỉnh Hải Dương ngày 2/10 còn xem xét một số nội dung: ban hành quy định khung giá thuê nhà ở xã hội, khung giá thuê nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp và khung giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư trên địa bàn tỉnh Hải Dương; kế hoạch tổ chức lập Chương trình phát triển đô thị TP Hải Dương đến năm 2040; Đồ án điều chỉnh quy hoạch vùng huyện Ninh Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; về việc điều chỉnh tên danh mục dự án để thực hiện giải phóng mặt bằng thi công cầu Kênh Vàng và đường dẫn hai đầu cầu, kết nối tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương; việc xây dựng Nghị quyết ban hành quy định thẩm quyền quyết định đầu tư, mua sắm các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi thường xuyên nguồn vốn ngân sách nhà nước thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Hải Dương.

PV

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/hai-duong-xem-xet-de-xuat-dau-tu-120-ty-dong-xay-dung-cai-tao-84-tram-bom-394632.html