Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden đã hoàn thành cuộc hội đàm trực tuyến “lâu và toàn diện” trong 2 giờ đồng hồ ngày 7-12, thảo luận về các vấn đề cấp bách trong quan hệ giữa hai nước
Ngay khi sự kiện kết thúc, Nhà Trắng thông báo, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về một loạt chủ đề trong mối quan hệ Mỹ-Nga, bao gồm các hoạt động quân sự của Nga ở biên giới với Ukraine, không gian mạng và các vấn đề khu vực.
Có thể kể ra 5 điểm nổi bật của cuộc hội đàm này. Thứ nhất, ông Biden nói về sự “xâm lược” của Nga đối với Ukraine
Tổng thống Biden lên tiếng bày tỏ quan ngại của Mỹ về cáo buộc Nga có kế hoạch “xâm lược” Ukraine vào tháng 1-2022. Cáo buộc được các cơ quan gián điệp Mỹ đưa ra nhưng Matxcơva bác bỏ, gọi là “tin giả”.
Tổng thống Mỹ đe dọa áp các biện pháp trừng phạt mới chống lại Nga nếu xảy ra tình huống như vậy. Tuy nhiên, sau cuộc họp, Nhà Trắng cho biết họ không tin rằng ông Putin có quyết định đó với Ukraine.
Thứ hai, ông Putin yêu cầu NATO bảo đảm biên giới. Tại cuộc hội đàm, Tổng thống Putin lên tiếng rằng NATO đang có những động thái tích cực chống lại Nga, bao gồm cả ở Ukraine.
Matxcơva muốn có được những đảm bảo pháp lý vững chắc rằng, liên minh do Mỹ dẫn đầu sẽ không mở rộng thêm hoặc triển khai các hệ thống vũ khí tấn công ở bất kỳ quốc gia nào giáp biên giới Nga, bao gồm Ukraine.
Ông Putin cũng tố cáo chính sách “phá hoại” của chính quyền Kiev, nói rằng nó nhằm mục đích hủy bỏ các thỏa thuận hòa bình ở miền Đông Ukraine.
Thứ ba, hai nguyên thủ nói về lệnh trừng phạt “ăn miếng trả miếng”. Nhà lãnh đạo Nga đề xuất loại bỏ tất cả những hạn chế đối với hoạt động của các cơ quan ngoại giao trong 7 năm qua dưới dạng trừng phạt “ăn miếng trả miếng”.
Được biết, Mỹ khởi đầu việc này bằng cách trục xuất các nhà ngoại giao Nga vào cuối năm 2016.
Việc cắt giảm qua lại lẫn nhau dẫn đến việc đóng cửa nhiều lãnh sự quán và các đại sứ quán ở cả hai nước không thể hoạt động hết công suất.
Thứ tư, Nga và Mỹ nhất trí chống tấn công mạng. Trong khi Nhà Trắng đề cập ngắn gọn về các cuộc tấn công bằng mã độc, Điện Kremlin nói rằng cả hai bên đều bày tỏ sự sẵn sàng “tiếp tục tương tác” trong việc chống tội phạm mạng, ở cả cấp độ kỹ thuật và thực thi pháp luật.
Các tuyên bố rằng “tin tặc Nga” có liên quan đến các vụ tấn công cơ sở hạ tầng và can thiệp vào bầu cử ở Mỹ đã gây trở ngại cho mối quan hệ với Matxcơva kể từ năm 2016.
Matxcơva cáo buộc Mỹ đang “săn lùng” công dân Nga trên khắp thế giới về tội phạm mạng, đồng thời kêu gọi Washington phớt lờ các vụ việc do các quốc gia "thân chủ" của Mỹ thực hiện
Thứ năm, Liên minh Thế chiến II được ghi nhớ. Nhân kỷ niệm 80 năm cuộc tấn công Trân Châu Cảng, nơi khiến Mỹ công khai tham gia Thế chiến thứ hai, hai nhà lãnh đạo nhất trí rằng những người đã hy sinh vì chiến thắng không nên bị lãng quên.
Họ cũng nhắc lại liên minh giữa Washington và Matxcơva trong Thế chiến II có thể là minh chứng cho sự hợp tác trong thời đại ngày nay.
Hải Yến