Hải Hậu nhân rộng điển hình nông dân làm kinh tế giỏi
Triển khai thực hiện phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, 5 năm qua, các cấp Hội Nông dân (HND) huyện Hải Hậu đã xuất hiện nhiều điển hình làm kinh tế giỏi, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu của huyện. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Triển khai thực hiện phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, 5 năm qua, các cấp Hội Nông dân (HND) huyện Hải Hậu đã xuất hiện nhiều điển hình làm kinh tế giỏi, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu của huyện.
Ông Đoàn Ngọc Sơn, hội viên chi hội xóm 10, xã Hải An là một trong 7 nông dân tiêu biểu của tỉnh được tham dự Hội nghị biểu dương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ VI, giai đoạn 2017-2022 tổ chức vào tháng 9-2022. Năm 2013, sau khi xã Hải An tổ chức dồn điền đổi thửa, UBND xã quy hoạch được vùng diện tích 11 mẫu, ông Sơn đã xin thuê để sản xuất lúa lai F1. Ông đầu tư nạo vét kênh mương, đắp bờ vùng, bờ bao, xây cống tưới tiêu nước, mua máy móc thiết bị để phục vụ sản xuất, bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế. Nhận thấy với diện tích nhỏ chưa phù hợp để đầu tư máy móc lớn như máy gặt, máy kéo, máy cấy, ông mạnh dạn mở rộng diện tích bằng cách thông qua xóm, đội sản xuất thuê lại diện tích đất ổn định hai lúa của một số hộ nông dân, sau đó đổi ruộng dồn thành vùng sản xuất lớn để dễ canh tác, quản lý, mang lại lợi nhuận và đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Đến nay, gia đình ông đã dồn được 2 khu sản xuất tập trung: Vùng sản xuất giống lúa lai F1 với diện tích 7,5ha; Vùng sản xuất giống lúa thuần với diện tích 5ha. Lợi nhuận thu được hàng năm đạt 1,5 tỷ đồng. Không chỉ tạo việc làm ổn định cho 20 lao động với thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng, ông Sơn còn luôn gắn bó với bà con nông dân trong xã cũng như các hộ sản xuất giống, thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật để cùng nhau phát triển; đồng thời liên kết với một số công ty để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Hơn chục năm qua, ông Nguyễn Văn Công, xóm Đức Thuận, xã Hải Xuân (Hải Hậu) đã phát triển mô hình trang trại VAC kết hợp chăn nuôi với trồng trọt; trong đó có 4 trại chăn nuôi lợn, gà, vịt đẻ trứng công nghệ cao, diện tích 5.000m2; 6.000m2 thả cá diêu hồng và 8.000m2 trồng cây ăn quả lâu năm. Năm 2016, ông thành lập Công ty TNHH Công Phượng với tổng mức đầu tư gần 30 tỷ đồng (bao gồm xây dựng chuồng trại, ao cá và đất đai sản xuất) mang lại lợi nhuận từ 2-3 tỷ đồng/năm; tạo việc làm cho 15 lao động với thu nhập bình quân 5-7 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, trang trại có khoảng 50 nghìn con gà đẻ, 5.000 con vịt đẻ và 200-300 con lợn giống; 3 sản phẩm đạt OCOP gồm trứng gà quê Công Phượng, trứng vịt quê Công Phượng, trứng gà cao cấp Công Phượng. Công ty TNHH Công Phượng mỗi năm cung ứng ra thị trường trên 10 triệu quả trứng gà, vịt sạch. Năm 2019, ông Công là một trong 63 đại biểu nông dân đại diện cho 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đạt danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc”. Còn tại xã Hải Giang, ông Nguyễn Văn Thành với mong muốn làm giàu tại quê hương đã đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ những mô hình phát triển kinh tế nông thôn ở các tỉnh lân cận. Được giới thiệu về mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi măng, bể lót bạt cho hiệu quả kinh tế cao, ông cất công đi các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Cần Thơ, Bạc Liêu… để tìm hiểu, đồng thời nghiên cứu thêm đặc tính, kỹ thuật nuôi lươn qua sách, báo và trên mạng internet. Cuối năm 2019, ông đầu tư 70 triệu đồng xây 10 bể xi măng, có mái tôn che nắng, mưa với diện tích mỗi bể là 6m2 để nuôi lươn không bùn. Đây là đối tượng nuôi sống ở nước ngọt, ít bệnh tật, có sức đề kháng tốt, có thể chế biến được nhiều món ăn giàu dinh dưỡng, được thị trường rất ưa chuộng. Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nên mô hình nuôi lươn không bùn của gia đình ông Thành không bị hao hụt, tỷ lệ sống đạt tới 97%, mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 6-10 lần so với nuôi cá truyền thống…
Trong 5 năm qua, các cấp HND trong huyện đã đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ, chất lượng ngày càng nâng lên, thu hút đông đảo hội viên, nông dân thi đua phát triển kinh tế, giảm nghèo, nhiều hộ vươn lên khá, giàu. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay; tạo điều kiện vận động nông dân thực hiện tích tụ ruộng đất để sản xuất quy mô tập trung các sản phẩm nông nghiệp sạch, sản xuất giống và nuôi trồng thủy hải sản thâm canh công nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trang trại tổng hợp. Một số hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã đầu tư máy móc, công nghệ, tổ chức sản xuất quy mô lớn, xây dựng thương hiệu và trực tiếp ký kết hợp đồng kinh tế với các doanh nghiệp để ổn định sản xuất. Từ năm 2017-2022, đã có hàng nghìn cán bộ, hội viên nông dân trở thành điển hình trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao, mỗi năm thu nhập trên 100 triệu đồng. Nhiều hộ có thu nhập từ 500 triệu đến gần 3 tỷ đồng. Tiêu biểu như các ông: Nguyễn Văn Luật, xã Hải Đông với mô hình trang trại tổng hợp; Phạm Thanh Tùng, xã Hải Tây chăn nuôi lợn thịt; Đoàn Văn Thanh, xã Hải Thanh chăn nuôi lợn thịt và lợn sinh sản; Nguyễn Văn Nam, xã Hải Giang nuôi lươn không bùn; Nguyễn Cao Đình, xã Hải Đông chăn nuôi VAC; Nguyễn Văn Nam, xã Hải Cường trồng hoa hồng cổ; Lê Đức Tuấn, xã Hải Chính cung cấp con giống và nuôi trồng thủy sản; Đặng Đình Tuấn, thị trấn Thịnh Long dệt lưới cước; Nguyễn Quốc Hạnh, xã Hải Lý sản xuất muối i-ốt; Hoàng Đức Thiện, xã Hải Triều, Phan Văn Khấn, xã Hải Phúc nuôi tôm; bà Mai Thị Hoa hội viên nông dân xã Hải Nam nuôi gà, ngan…
Việc nhân rộng những điển hình làm kinh tế giỏi của các cấp HND huyện Hải Hậu đã tạo sức lan tỏa và thúc đẩy mạnh mẽ phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh trong cán bộ, hội viên nông dân. Năm 2022, toàn huyện đã có 46.601 hộ đăng ký danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, đạt 66,4% hộ nông dân./.
Bài và ảnh: Lam Hồng