Hai Hiệu trưởng lên tiếng về thông tin 'ép học sinh học yếu không thi 10'

Trước thông tin mạng xã hội về việc ép học lớp 9 học kém phải chuyển trường hoặc cam kết không thi vào lớp 10, Hiệu trưởng trường THCS Dịch Vọng và THCS Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy)- hai trường được cho là có học sinh bị 'ép' khẳng định, đó là thông tin không đúng sự thật.

Luôn tôn trọng quyền của học sinh và phụ huynh

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Hiệu trưởng trường THCS Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) Lê Thị Thúy Nga cho biết, khi học sinh (HS) đến trường học trực tiếp sau thời gian dài học online, nhà trường đã thực hiện bài khảo sát để đánh giá HS, sau đó tiến hành kiểm tra giữa kỳ II. Căn cứ kết quả đánh giá thường xuyên và định kỳ, nhà trường đã tiến hành họp với 42 phụ huynh học sinh (PHHS) khối 9. Đây là phụ huynh của những HS có kết quả học tập trung bình trở xuống hoặc HS được giáo viên chủ nhiệm (GVCN) đánh giá là kết quả học sa sút trong thời gian gần đây. Buổi họp diễn ra vào cuối tháng 3/2022, ban giám hiệu có tham gia họp cùng một số lớp.

Trường THCS Dịch Vọng, quận Cầu Giấy (Ảnh: FB nhà trường)

Trường THCS Dịch Vọng, quận Cầu Giấy (Ảnh: FB nhà trường)

Nội dung cuộc họp nhằm mục đích trao đổi đầy đủ thông tin giữa GVCN và PHHS, trong đó có thông báo kết quả học tập cụ thể của các môn kèm nhận xét, các biện pháp và yêu cầu phối hợp giữa giáo viên- phụ huynh – học sinh, giải pháp để nâng cao chất lượng học tập, động viên HS và lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của PHHS. Các nội dung này được ghi đầy đủ trong biên bản trao đổi do GVCN và PHHS cùng thực hiện, ký nhận.

“Trường không có chủ trương ép học sinh chuyển trường hay viết cam kết không được thi vào lớp 10 với HS yếu kém. Quyết định thi hay không hoàn toàn là quyền của HS và PHHS, nhà trường luôn tôn trọng quyền này”- Hiệu trưởng trường THCS Dịch Vọng Lê Thị Thúy Nga khẳng định.

Thông tin từ nhà trường cho hay, từ đầu năm học 2021- 2022 đến nay, trường THCS Dịch Vọng đã làm thủ tục chuyển trường cho 11 HS có nhu cầu thực sự; các HS xin chuyển trường đều có đơn của HS và PHHS, nhà trường không ép bất cứ HS nào. Bên cạnh đó, nhà trường có tổ chức một buổi hướng nghiệp và mời một số HS, PHHS, 5 trường nghề cùng chuyên gia đến để trao đổi, giúp HS và PHHS nắm được về định hướng nghề nghiệp.

Còn Hiệu trưởng trường THCS Nghĩa Tân Nguyễn Mỹ Hảo cho hay, từ khi HS đi học trực tiếp đến nay, nhà trường đã tổ chức ôn tập kiến thức cho HS và triển khai kiểm tra học kỳ II môn Toán, Ngữ văn với khối 9 theo đề chung bằng hình thức trực tiếp. Từ 28/3/2022, trường tổ chức ôn tập trực tiếp tại trường cho HS khối 9 vào 2 buổi chiều/tuần.

“Trong quá trình HS học tập và kiểm tra trực tiếp tại trường, nhà trường yêu cầu giáo viên thông tin tình hình học tập của HS thường xuyên tới PHHS để PHHS nắm bắt kịp thời, đặc biệt là với HS khối 9- đó là cơ sở để PHHS phối hợp với GVCN và GV bộ môn đồng hành cùng con trong quá trình học tập và ôn thi vào lớp 10”- nhà giáo Nguyễn Mỹ Hảo chia sẻ.

Theo nhà giáo Nguyễn Mỹ Hảo, trường có thực hiện Ngày hội hướng nghiệp cho PHHS và HS khối 9 để PHHS và HS có thông tin về trường nghề, có định hướng cho HS. Trường không yêu cầu PHHS phải báo cáo về việc định hướng cho HS sau khi tốt nghiệp THCS. Ngoài ra, trường không tổ chức họp với PHHS yếu kém để trao đổi thông tin.

Từ 8/2 đến nay, trường THCS Nghĩa Tân có làm thủ tục chuyển trường cho 25 HS vào các trường ngoài công lập, trường ngoại thành và ngoại tỉnh. Những trường hợp này đều do PHHS tự nguyện, ban giám hiệu đã hỏi rõ lí do và nguyện vọng của từng em, từng gia đình, sau đó gửi danh sách, số điện thoại HS lên phòng GD&ĐT quận. Từ 14/4 đến nay, khi có lịch kiểm tra học kỳ II, trường không giải quyết trường hợp chuyển trường nào.

Năm học 2021-2022, trường THCS Nghĩa Tân có 729 HS khối 9 (16 lớp) còn trường THCS Dịch Vọng có 596 HS khối 9 (12 lớp).

Mong thông tin được công khai, minh bạch

Theo Hiệu trưởng trường THCS Dịch Vọng và THCS Nghĩa Tân, hiện Sở GD&ĐT và phòng GD&ĐT không có xếp hạng, đánh giá thi đua căn cứ tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp hay điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp. Do vậy, không có vấn đề liên quan đến “bệnh thành tích” ở đây.

Trường THCS Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy (Ảnh: FB nhà trường)

Trường THCS Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy (Ảnh: FB nhà trường)

HS khối 9 năm nay có thời gian dài học trực tuyến kéo dài, giáo viên đã rất vất vả trong dạy online, rà soát F0, F1 và công tác phòng chống dịch, dạy on-off song song… Khi HS đi học trực tiếp, giáo viên lại cố gắng bồi đắp, củng cố kiến thức và dạy chương trình mới cho HS, đi sớm về muộn để ôn tập cho các em khối 9.... Những vất vả đó xuất phát từ cái tâm của các thầy cô giáo; tuy nhiên, những thông tin sai lệch, không được kiểm chứng như trên xuất hiện gây ảnh hưởng không nhỏ đến thầy cô cũng như ảnh hưởng đến ngành GD&ĐT- một giáo viên trường THCS Dịch Vọng bày tỏ.

Nêu quan điểm trước thông tin về vấn đề trên, nhà giáo Lê Thị Thúy Nga cho biết, người đưa thông tin có động cơ xấu, gây tác động không tốt đến tâm lý của HS khối 9 đang trong giai đoạn ôn thi học kỳ và chuẩn bị thi vào lớp 10 THPT, khiến PHHS hoang mang, lo lắng; đồng thời ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của trường THCS Dịch Vọng nói riêng và các nhà trường nói chung. Đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc xác minh thông tin và xử lý nghiêm theo quy định.

Được biết, ngay trong ngày 20/4, trường THCS Dịch Vọng đã yêu cầu tất cả giáo viên nộp lại biên bản họp với PHHS, tiếp đó trường họp với đại diện PHHS khối 9 để xác minh thông tin; đồng thời trao đổi lại với toàn bộ giáo viên trong trường, nhấn mạnh về những nội dung và giới hạn khi trao đổi PHHS, tránh để xảy ra những thông tin như trên- nhà giáo Lê Thị Thúy Nga nói.

Đêm 19/4 trên mạng xã hội xôn xao thông tin một số phụ huynh có con em học lực yếu, kém đang học lớp 9 tại Hà Nội đã được giáo viên chủ nhiệm yêu cầu phải chuyển trường (về các trường tư) hoặc làm cam kết không thi vào lớp 10. Nhiều đồn đoán cho rằng, vấn đề này đã diễn ra nhiều năm nay, nhất là vào thời điểm chuẩn bị bước vào kỳ thi lớp 10 ở Hà Nội. Bộ GD&ĐT, UBND TP Hà Nội đã có thông báo và văn bản yêu cầu các địa phương, đơn vị làm rõ thông tin trên.

Liên quan nội dung này, Sở GD&ĐT cũng có văn bản yêu cầu trưởng phòng GD&ĐT các quận, huyện, thị xã rà soát, kiểm tra, xác minh và xử lý nghiêm (nếu có tình trạng trên), đồng thời quán triệt, chỉ đạo bằng văn bản tới tất cả các trường THCS trên địa bàn chấm dứt ngay việc vận động, tuyên truyền học sinh không đăng ký tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2022- 2023 và các năm tiếp theo (nếu có).

Sở GD&ĐT nêu quan điểm: Việc học tập và đăng ký nguyện vọng tuyển sinh vào các trường THPT là quyền, nhu cầu của học sinh và cha mẹ học sinh. Công tác phân luồng học sinh sau cấp THCS, các nhà trường phải định hướng cho học sinh để có lựa sự chọn phù hợp, không mang tính ép buộc.

Sở GD&ĐT yêu cầu các trưởng phòng GD&ĐT quận huyên thị xã và hiệu trưởng các trường THCS trên địa bàn chịu trách nhiệm trước Sở GD&ĐT, UBND quận, huyện, thị xã nếu để xảy ra hiện tượng trên và kịp thời tổng hợp, báo cáo bằng văn bản về sở GD&ĐT.

Nam Du

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/hai-hieu-truong-len-tieng-ve-thong-tin-ep-hoc-sinh-hoc-yeu-khong-thi-10.html