Hài hòa lợi ích khi cấm xe máy chạy xăng

Bên cạnh việc hỗ trợ tiền, TP Hà Nội dự kiến miễn 100% lệ phí trước bạ và lệ phí đăng ký biển số đối với phương tiện giao thông xanh

Theo Chỉ thị 20/CT-TTg của Thủ tướng, từ ngày 1-7-2026, TP Hà Nội sẽ cấm xe máy chạy xăng trong Vành đai 1; từ năm 2028 mở rộng ra Vành đai 2, hạn chế ô tô cá nhân sử dụng xăng, dầu; từ năm 2030 mở rộng ra Vành đai 3.

Sạc pin ở đâu? Phương tiện công cộng thế nào?

Vành đai 1 là trục giao thông đô thị kết nối từ Đông sang Tây, chu vi khoảng 25 km, đi qua khu vực trung tâm của TP Hà Nội, bao gồm các tuyến đường: Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt - Xã Đàn - Ô Chợ Dừa - Đê La Thành - Hoàng Cầu - Cầu Giấy - Bưởi - Lạc Long Quân - Âu Cơ - Nghi Tàm - Yên Phụ - Trần Nhật Duật - Trần Quang Khải - Trần Khánh Dư - Nguyễn Khoái. Phạm vi tuyến đường sẽ chạy qua địa bàn 9 phường mới thuộc 5 quận nội đô cũ gồm: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Tây Hồ.

Xe máy chạy xăng hiện là phương tiện di chuyển, mưu sinh chủ yếu của nhiều người dân Hà Nội.Ảnh: VĂN DUẨN

Xe máy chạy xăng hiện là phương tiện di chuyển, mưu sinh chủ yếu của nhiều người dân Hà Nội.Ảnh: VĂN DUẨN

Theo ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, dân số thành phố hiện khoảng 8,5 triệu người, chưa kể người lai vãng. Hà Nội có trên 8 triệu phương tiện, gồm 1,1 triệu ô tô và khoảng 6,9 triệu xe máy; gần 70% là phương tiện cũ. Riêng trong khu vực Vành đai 1 là trung tâm nội đô, số lượng xe máy lên tới 450.000 chiếc, dân số chỉ khoảng 600.000 người.

Ông Nguyễn Đại Hoàng, admin diễn đàn otofun, cho rằng xe máy chạy xăng hiện nay là phương tiện đi lại phổ biến, thậm chí là phương tiện mưu sinh của rất nhiều gia đình. Do đó, việc chuyển đổi sang phương tiện giao thông xanh như xe điện đòi hỏi rất nhiều giải pháp mà Hà Nội cần triển khai, như: Hỗ trợ tài chính; miễn, giảm lệ phí trước bạ, đăng ký xe; xây dựng trạm sạc pin miễn phí,...

Ông Hoàng nhận định xe buýt hay các tuyến đường sắt đô thị không thể đi khắp các tuyến phố hay ngõ nhỏ. Do vậy, cần triển khai các dịch vụ trông giữ xe; cho thuê xe máy điện, xe đạp, xe đạp điện ở bến xe buýt, bến tàu với giá rẻ để hỗ trợ người dân di chuyển trong Vành đai 1.

Gia đình ông Nguyễn Kim Sơn sống ở phố Đội Cấn, phường Ngọc Hà - nằm trọn trong khu vực vùng lõi của Vành đai 1. Gia đình ông hiện có 3 xe máy chạy xăng. Dù cho rằng việc chuyển đổi sang xe điện sẽ gây nhiều khó khăn, nhất là những người làm nghề chạy xe ôm như mình, nhưng ông Sơn cơ bản ủng hộ chủ trương này.

"Hà Nội cần có chính sách hỗ trợ tài chính cụ thể, hợp lý để việc đổi phương tiện không phải là gánh nặng với người dân?" - ông Sơn mong mỏi.

Theo GS-TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam, việc chuyển đổi sang phương tiện giao thông thân thiện với môi trường là xu hướng tất yếu để thủ đô trở thành một đô thị văn minh, hiện đại, xứng tầm quốc tế. Song, vấn đề sạc điện, phòng chống cháy nổ ở khu dân cư, quản lý hệ thống trạm sạc công cộng… là những thách thức lớn.

"Sự thành công phụ thuộc vào chiến lược tổng thể, dựa trên việc phát triển hạ tầng giao thông công cộng, quản lý xe điện và các chính sách hỗ trợ người dân, nhất là nhóm lao động phụ thuộc phương tiện xe máy xăng" - ông Dũng nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, đề xuất TP Hà Nội xây dựng hệ thống trạm sạc công cộng đặt tại các trạm xăng, bãi gửi xe, khu dân cư, trung tâm thương mại… Bên cạnh đó, thành phố cần có quy chuẩn về an toàn sạc điện tại khu dân cư để phòng chống cháy, nổ.

Xây dựng nghị quyết về chuyển đổi phương tiện

Theo ông Dương Đức Tuấn, Hà Nội sẽ nghiên cứu và báo cáo Thành ủy, thông qua HĐND thành phố để thiết lập một cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân trong việc chuyển đổi xe xăng sang xe điện, với nguyên tắc bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và nhà nước.

Bên cạnh đó, TP Hà Nội cũng sẽ chuẩn hóa lại quy hoạch và triển khai mạng lưới hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là trạm sạc cho xe điện, thậm chí đầu tư công để hoàn thiện hệ thống trạm sạc phù hợp, an toàn. "Bởi lẽ, nếu kiểm soát không phù hợp các trạm sạc sẽ dẫn đến nguy cơ mất an toàn" - ông Tuấn lý giải.

Khi cấm xe máy chạy xăng, thành phố cần phải tăng tỉ lệ vận tải hành khách công cộng đa phương thức. Hiện nay, trong Vành đai 1 mới có 11/45 tuyến xe buýt điện. "Xe buýt cũng phải chuyển đổi cho phù hợp giao thông trong khu vực nội đô, như tăng cường mạng lưới xe buýt nhỏ, quy mô trung bình 8-12-16 chỗ" - ông Tuấn nhìn nhận.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Hà Nội Đào Việt Long cho biết sở đang lấy ý kiến các sở, ngành và đơn vị liên quan để soạn thảo nghị quyết của HĐND thành phố về chuyển đổi phương tiện xanh (xe điện), phát triển hệ thống trạm sạc trên địa bàn. Dự kiến nghị quyết này sẽ được HĐND TP Hà Nội xem xét thông qua tại kỳ họp tháng 9-2025.

Theo dự thảo nghị quyết, người dân có xe máy chạy xăng hoặc diesel (đăng ký trước thời điểm nghị quyết có hiệu lực) tại các vùng phát thải thấp, khi chuyển đổi sang phương tiện xanh (trị giá từ 15 triệu đồng trở lên) có thể được hỗ trợ 3 triệu đồng. Mức hỗ trợ 4 triệu đồng áp dụng với hộ cận nghèo, 5 triệu đồng với hộ nghèo. Mỗi cá nhân được hỗ trợ tối đa 1 xe đến hết năm 2030.

TP Hà Nội cũng dự kiến miễn 100% lệ phí trước bạ và lệ phí đăng ký biển số đối với phương tiện giao thông xanh từ ngày nghị quyết nêu trên có hiệu lực đến hết năm 2030.

Khuyến khích phát triển hạ tầng giao thông năng lượng sạch

UBND TP Hà Nội yêu cầu tối thiểu 10% chỗ đỗ xe tại công trình hiện hữu phải có trụ sạc trước cuối năm 2026; tối thiểu 30% chỗ đỗ tại dự án mới phải có trụ sạc. Các dự án đầu tư hạ tầng trạm sạc công cộng dự kiến được ngân sách hỗ trợ 70% lãi vay ngân hàng trong 5 năm đầu. Dự án bến xe, bãi đỗ có từ 30% chỗ đỗ gắn trụ sạc có thể được hỗ trợ 50% chi phí giải phóng mặt bằng và 100% tiền thuê đất trong 5 năm đầu.

TP Hà Nội cũng sẽ ưu tiên đầu tư trụ sạc pin trên vỉa hè; khuyến khích mạnh mẽ các nhà đầu tư tham gia phát triển hạ tầng giao thông năng lượng sạch qua hình thức đối tác công tư (PPP).

VĂN DUẨN - NGUYỄN HƯỞNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/hai-hoa-loi-ich-khi-cam-xe-may-chay-xang-196250717222210111.htm