Hài hòa lợi ích khi tăng giá nước sạch

Sau gần 10 năm không tăng giá, Hà Nội đang nghiên cứu điều chỉnh mức giá nước sinh hoạt nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế. Nhiều chuyên gia cho rằng, đây chính là tiền đề để Thành phố có những điều chỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng nguồn cung cũng như đảm bảo nâng cao chất lượng nguồn nước sạch.

Lên phương án cho từng sự cố

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, tính đến thời điểm hiện tại, tổng công suất cấp nước từ các nhà máy tập trung đạt khoảng 1.530.000m3/ngày - đêm, trong khi đó, tổng nhu cầu sử dụng hiện khoảng 1.150.000 - 1.250.000m3/ngày - đêm. Dự báo, vào hè, nhu cầu sử dụng nước sạch tăng 5-10%, tổng mức tiêu thụ nước sạch sẽ khoảng 1.250.000-1.350.000m3/ngày - đêm. Như vậy, nguồn cung hiện tại đã cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu dùng nước của nhân dân trong phạm vi cung cấp của hệ thống cấp nước.

Tuy nhiên, hiện khả năng phân phối nguồn nước vẫn chưa đồng bộ, khi nhu cầu sử dụng nước tăng cao, nguồn cấp từ Nhà máy nước mặt sông Đà cung cấp theo công suất thiết kế trung bình của nhà máy mà không đáp ứng nhu cầu sẽ xảy ra tình trạng thiếu nước cục bộ đặc biệt là tại khu vực cuối nguồn, khu vực cốt địa hình cao, những khu vực sử dụng nguồn của Nhà máy nước mặt sông Đà như (Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Hoài Đức, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai...).

Thi công đường ống nước sạch.

Thi công đường ống nước sạch.

Để bảo đảm cấp nước sạch hè 2023, Sở Xây dựng đã yêu cầu các đơn vị cấp nước duy trì, vận hành tối đa công suất các nhà máy nước, trạm cấp nước; phân bổ, điều tiết nguồn nước bảo đảm hài hòa giữa nguồn cấp và nhu cầu cũng như khả năng tiếp cận của từng khu vực. Mặt khác, Sở Xây dựng cũng yêu cầu các đơn vị liên quan, thường xuyên tuần tra, kiểm tra, phát hiện và sẵn sàng, kịp thời sửa chữa, khắc phục các sự cố rò rỉ, vỡ ống, đặc biệt là tuyến truyền dẫn nước sạch sông Đà số 1 hiện có.

Trường hợp xảy ra sự cố, Sở Xây dựng sẽ bố trí đủ xe téc phục vụ nhân dân trong trường hợp sự cố mất nước, ưu tiên các khu vực bệnh viện, trường học. Còn tại những khu cốt nền cao, Sở Xây dựng chỉ đạo các đơn vị cấp nước sẽ lắp đặt máy bơm tăng áp di động; vận hành mạng lưới cấp nước phân khu theo giờ; ứng dụng công nghệ 4.0 để quản lý khách hàng sử dụng nước…Trong trường hợp xảy ra sự cố về cấp nước, các đơn vị cung cấp nước sạch cần có thông báo kịp thời tới nhân dân, khách hàng biết để thực hiện các giải pháp hạn chế ảnh hưởng tới sản xuất, sinh hoạt khi thiếu nước, triển khai ngay các biện pháp để sớm cấp nước trở lại…

Điều chỉnh cho phù hợp

Cũng cần phải nói thêm rằng, hiện nay khả năng phân phối cấp nguồn của Thành phố vẫn chưa đồng bộ. Đơn cử như Công ty Cổ phần Viwaco đang quản lý, cung cấp dịch vụ cấp nước cho hơn 171.000 khách hàng, gồm khu vực quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, một phần quận Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Trì (phía Tây Quốc lộ 1A) với công suất cấp nước trung bình khoảng 232.000m3/ngày-đêm. Về cơ bản, các địa bàn này đều là khu vực đông dân cư, khi nhu cầu sử dụng cao đã lấy gần như toàn bộ công suất thiết kế của nước sạch sông Đà.

Điều này dẫn đến tình trạng thiếu nước tại các khu vực cũng sử dụng chung nguồn cung nước sạch sông Đà nhưng nằm vị trí cao hơn như Thạch Thất, Quốc Oai, Hoài Đức. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu nguồn nước. Ngoài ra, việc chênh giá giữa các đơn vị cấp nguồn (nước sạch sông Đà; nước mặt sông Đuống) khiến công tác bổ sung bù đắp nguồn nước sạch cũng gặp nhiều khó khăn.

Được biết, giá nước sạch sinh hoạt ở Hà Nội đang áp dụng theo Quyết định 38 ngày 19/9/2013. Theo đó, với 10m3 đầu tiên giá bán 5.973 đồng/m3 và tối đa 15.929 đồng/m3 khi dùng trên 30m3 (áp dụng từ 1/10/2015). Đến năm 2019, Thành phố đã có kế hoạch điều chỉnh giá nước 3 năm một lần. Phương án điều chỉnh được liên ngành thành phố xây dựng năm 2019 theo lộ trình 3 năm 2020 - 2022 với giá nước tăng lần lượt là 7.466 đồng/m3; 8.960 đồng/m3 và 9.963 đồng/m3 cho 10 m3 đầu tiên. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 và Chính phủ chỉ đạo chưa điều chỉnh giá một số mặt hàng đầu vào của các ngành sản xuất nên thành phố chưa xem xét phương án trên.

Từ thực tế hiện tại, Sở Tài chính đã trình phương án đề nghị UBND Thành phố điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt, đó là điều chỉnh giá 10m3 đầu tiên (hộ/tháng) từ 5.973 đồng/m3 hiện nay sẽ tăng lên 7.500 đồng/m3 từ tháng 7/2023 và lên 8.500 đồng/m3 vào năm 2024. Mức giá cao nhất với nước sinh hoạt trong năm 2024 sẽ là 27.000 đồng/m3 nếu sử dụng trên 30m3/hộ/tháng. Như vậy, với nhu cầu dùng nước thực tế tại Hà Nội ở khu vực nội thành đang ở mức 100-150 lít/ngày/ người, mỗi hộ gia đình sẽ dùng 10-16 m3/tháng, tương đương số tiền phải chi thêm là 15.000-26.000 đồng một tháng. Tại nông thôn, mức dùng 50-70 lít/ngày/ người, một hộ gia đình sẽ sử dụng 6-8 m3/tháng nên số tiền họ phải chi thêm là 10.000-13.000 đồng/ tháng.

Trong trường hợp Hà Nội áp dụng mức giá mới thì giá thu thực tế từ người dân vẫn tương đương hoặc thấp hơn so với các tỉnh thành. Cụ thể, tiền nước phải chi trả 10m3 đầu tiên của người dân Hà Nội là 75.000 đồng/hộ, Bình Dương 101.500 đồng/hộ, Quảng Ninh là 81.000 đồng/hộ; Điện Biên 80.000 đồng/hộ. Đây là mức giá được cho là phù hợp trong bối cảnh chi phí đầu vào, nguyên vật liệu, nhân công đều tăng cao so với 10 năm trước, trong khi đó áp lực đảm bảo chất lượng nguồn nước luôn là ưu tiền hàng đầu.

Hiện nay giá nước sạch đang được thành phố Hà Nội áp dụng theo Quyết định số 38/2013/ QĐ-UBND ngày 19/9/2013 của UBND thành phố Hà Nội. Như vậy, đã 10 năm nay giá nước vẫn chưa được điều chỉnh, đây cũng là vướng mắc khiến nhiều nhà đầu tư bỏ cuộc, chậm triển khai tiếp dự án.

Tuấn Dũng

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/hai-hoa-loi-ich-khi-tang-gia-nuoc-sach-155603.html