Hãi hùng với 'con thú điên' nguyên vẹn 66 triệu tuổi, sống giữa khủng long
Sinh vật thời khủng long mới được phát hiện đã phá vỡ nhiều quy tắc tiến hóa, đến nỗi được các nhà cổ sinh vật học đặt tên là 'Adalatherium', theo tiếng Malagasy và Hy Lạp cổ là 'con thú điên'.
Theo Journal of Vertebrate Paleontology, mẫu vật được khai quật là hài cốt 66 triệu năm tuổi của một sinh vật có vú từng sinh trưởng mạnh mẽ trong kỷ Phấn Trắng, thời hoàng kim của loài khủng long. Giống loài của nó đã xuất hiện rất lâu trước đó, khi mà toàn bộ đất đai trên Trái Đất là siêu lục địa Gondwana, thứ đã vỡ thành 6 châu lục ngày nay.
Mẫu vật được đánh giá là "khổng lồ" dù nó chỉ nặng khoảng 3 kg khi còn sống, bởi lẽ thời đó động vật có vú chỉ có chuột và một số họ hàng cỡ nhỏ khá. Khác với mọi động vật có vú thời khủng long, sinh vật này sở hữu 2 cặp chân săn chắc, đặc biệt là chân sâu với kết cấu giống cá sấu hiện đại, vuốt lại sắc nhọn như vuốt gấu, răng giống răng thỏ, hòa trộn thành một thứ không giống bất kỳ sinh vật nào còn sống hay tuyệt chủng trên Trái Đất.
Theo Phys.org, nhóm nghiên cứu quốc tế dẫn đầu bởi tiến sĩ David Krause từ Bảo tàng Tự nhiên & Khoa học Denver và tiến sĩ Simone Hoffman từ Viện Công nghệ New York (Mỹ) đã tìm thấy mẫu vật trong trạng thái nguyên vẹn đến kinh ngạc, giúp họ tái hiện lại khung xương thật hoàn chỉnh. Kết quả đối chiếu với vài hóa thạch cùng loài được tìm thấy rải rác từ những năm 1980 đã giúp họ xây dựng trọn vẹn chân dung một loài mới.
Phân tích cho thấy loài này đã tồn tại suốt 145-66 triệu năm về trước, có thể chết cùng khủng long trong sự kiện đại tuyệt chủng do vụ va chạm tiểu hành tinh nổi tiếng.
Sinh vật phá vỡ nhiều quy tắc tiến hóa và trông như một bản lai tạp giữa động vật có vú hiện đại và các sinh vật tuyệt chủng từ nhiều loài khác nhau. Đó là nguồn gốc của cái tên Adalatherium - "con thú điên", bởi quả thật nó giống như ra đời từ một phút điên rồ của tạo hóa.