Hài hước cho trẻ con, ngẫm ngợi với người lớn
Tác giả tài tình nhập vai cậu bé lớp 5, bằng giọng kể vừa ngây thơ, vừa có cái 'bựa' của đứa trẻ mới lớn, khiến những câu chuyện nhỏ của gia đình, trường lớp trở nên sinh động.
“- Xông lên đi bố, có hốc con gà ấy - mình buột miệng nhắc, quên mất là đã lén nhòm từ đằng sau ghế bố từ nãy...
- Cái thằng này, bố bảo học bài mà!
Tằng tằng, chíu chíu... Trời, bắn cái thằng thập thò ở đó không bắn lại bắn bay mào con gà. Mình giằng lấy điện thoại của bố, quăng một quả lưu đạn khói vào cửa sổ, rồi nhào lên, một thằng bị hạ. Mình xơi nốt thằng bắn tỉa trên cầu.
Hết ván, du kích thắng. Bố có vẻ tỉnh lại:
- Đưa điện thoại đây. Chơi thế thôi. Bố cũng làm việc đây. Con học bài đi.
- Hi hi, bố chơi dở tệ. Nhớ nhấn nút để đi khom khom. Bố cứ nhảy nhảy như thế nó bắn cho lòi ruột ngay”.
Cuốn truyện Con chỉ cần một ngôi trường nhỏ của tác giả Hoàng Liên, với những tình tiết xoắn vặn éo le hấp dẫn và những pha hành động chết cười, vừa được Nhà xuất bản Kim Đồng xuất bản, thực sự là một cuốn sách đáng đọc của mùa hè này.
Chuyện ở trường qua góc nhìn cậu bé lớp 5
Tác giả tài tình nhập vai cậu bé lớp 5, bằng một giọng kể sinh động, rất thực mà rất hoạt, vừa có sự ngây thơ, vừa có cái “bựa” của đứa trẻ mới lớn, đã khiến những câu chuyện nho nhỏ của gia đình và trường lớp trở nên sống động trên từng trang giấy.
Cậu bé Liên, tên ở nhà là Rán, sống với một người mẹ chỉn chu chuẩn mực, một người bố ấm áp nhưng khá “bát nháo”, và một ông anh học chăm đến phát sợ (đến nỗi bố phải kêu “ghê chết” và cáu lên “Con học gì mà học lắm thế?”).
Mẹ cậu quyết định chuyển hai anh em từ trường làng sang trường liên cấp quốc tế Galaxy, một kiểu “biệt thự giáo dục” rất hot, để mong con cái có một tương lai tương sáng hơn sau này. Nhưng khác với anh Mun thuộc diện con ngoan trò giỏi được trường hân hoan chào đón, Rán chỉ thuộc loại được vớt vào nhờ may rủi. Ở lớp Rán thân với bạn Đức Anh nghịch ngợm chuyên cười khành khạch, và ghét bạn Linh Văn học giỏi, lúc nào cũng sạch sẽ tinh tươm, chuyên theo dõi các bạn và hớt lẻo với cô giáo.
Ban đầu Rán không thích ngôi trường này lắm, gì mà mới nhập trường đã thấy cảnh này: “Trên tường căng-tin treo một tấm biển to, vẽ một con lợn cũng đội mũ như các chú đầu bếp. Điều mình không thích tí nào là chính con lợn đó lại mỉm cười, chìa bàn tay đeo găng ra để giới thiệu các món nấu từ thịt lợn: chả miếng, chả băm, thịt xiên, thịt lợn rim tiêu... Nhìn mà kinh hãi”. Nhưng dần dần cậu trở nên gắn bó với nó, nhất là khi có Đức Anh và mấy thằng bạn nữa cùng nhau chui cổng ra ngoài đường.
Rất nhiều chuyện hỉ nộ ái ố đã xảy ra với hai đứa trẻ ở nhà và ở trường. Như chuyện Rán viết bài văn tả sông Hồng “Nước sông màu đỏ tươi, cảm tưởng như có ai đổ tạ gạch xuống” bị bố chê tơi tả. Như môn Sử lớp 5 học toàn Hiệp định Geneve và Hiệp định Paris khiến Rán không sao nhớ nổi, được bố bày cho cách thoát hiểm “bá đạo”. Như chuyện Mun lớp 7 học môn công nghệ phải lắp cái bảng điện mà đến bố cũng bó tay.
Đây là một pha “đau ruột” nữa. Bài học địa lý “Cảnh quan công nghiệp đới ôn hòa” mà Mun phải học khiến ông bố phát khùng. Người bố hăm hở viết thư cho cô giáo địa lý cự nự về “thứ địa lý kinh tế khô khan”, nhưng bị mẹ cản: “Anh muốn con bị điểm 4 à?”, “Anh có giỏi thì gửi lên Bộ Giáo dục ấy. Chứ cô giáo cấp hai thì có quyền gì?”.
Người bố đâm ra nhụt chí không dám gặp trực tiếp cô giáo, trước cổng trường bèn xúi Mun đưa thư cho cô, kết quả là: “Anh Mun ngốc coi như không nghe thấy, xách cặp đi thẳng, mồm vẫn lẩm bẩm về đới ôn hòa”.
Cười xong lại thấy ngậm ngùi
Nhiều tình huống trong cuốn sách mà khi đọc cả người lớn và trẻ con đều phải cười phá, vì ai cũng thấy bản thân mình ở trong đó. Lũ trẻ sẽ cảm thấy cực kỳ chia sẻ với tình thế phải sống sót trước đống bài tập cô giao, con các phụ huynh sẽ khoái trá vì ông bố trong truyện cũng vật lộn làm bài cùng con y như họ.
Nhưng trẻ con cười vì thấy câu chuyện giải trí. Còn người lớn cười xong lại thấy vị ngậm ngùi, thậm chí đắng nghét. Các câu chuyện được kể tưởng như nhỏ mà không nhỏ, nó hé lộ một thực tế lớn.
Dù thuộc diện học giỏi hay không, hai đứa trẻ đều gặp vấn đề. Chúng có thể không nhận ra điều đó, nhưng chúng chịu đựng: Vấn đề của thiết chế giáo dục khô cằn.
Tại sao một đứa trẻ lớp 7 phải học rằng: “Các vùng công nghiệp lớn của đới ôn hòa và cũng là của thế giới: Đông Bắc Mỹ, “Vành đai Mặt Trời”, Vùng trung tâm nước Anh, Vùng Bắc Pháp kéo dài qua Bỉ đến vùng Rua của Đức, vùng Tây Bắc I-ta-li-a, vùng trung tâm Liên bang Nga, duyên hải Đông Bắc Trung Quốc, vùng Y-ô-cô-ha-ma – Ô-xa-ca của Nhật Bản,…”, khi đời nó chưa đi xa quá Sầm Sơn hồi nghỉ mát?
Tại sao một đứa trẻ lớp 5 phải học Hiệp định Geneve của môn sử với đủ các thứ số liệu “hiểu chết liền”, và phải học môn văn theo cách học thuộc bài cô đã chữa rồi khi kiểm tra thì chép lại?
Và tại sao cậu bé Rán khi đã gắn bó yêu thích ngôi trường Galaxy thì bị đánh trượt vì không đủ điểm để được vượt cấp vào lớp 6 của chính trường này. Về lý mà nói thì sòng phẳng, nhưng về tính nhân văn mà nói, điều này có bất nhẫn với một đứa trẻ hay không?
Mùa hè này có những đứa trẻ đang phải đối mặt với cú trượt đầu đời: trượt kỳ thi chọn đầu vào lớp 1 ở trường hot, hay trượt kỳ thi vào lớp 6 trường chuyên chọn. Cùng với nó là áp lực và nỗi hoang mang của các bậc cha mẹ, rằng liệu mình có nuôi dạy con đúng cách không, và “chiến lược giáo dục” mình chọn cho con đã ổn hay chưa.
Vì thế, Con chỉ cần một ngôi trường nhỏ là một cuốn truyện hay, vui, mà cũng giàu tính thời sự, trẻ con đọc thì cười, người lớn đọc xong cũng cười, nhưng không thể không suy ngẫm xem chúng ta mong gì cho con em mình, và chúng ta cần gì ở một ngôi trường, ở một nền giáo dục.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hai-huoc-cho-tre-con-ngam-ngoi-voi-nguoi-lon-post1441032.html