Hai khó khăn đón chờ tân Thủ tướng Israel Naftali Bennett
Ông Benjamin Netanyahu không còn lãnh đạo Israel, nhưng hai bài toán khó mà ông để lại cho Thủ tướng Israel Naftali Bennett vẫn còn đó.
Đáng ngại hơn, cả hai thách thức này đều liên quan đến Mỹ - đồng minh thân cận nhất của Israel.
Thứ nhất, đó là quyết định của Washington về Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA).
Với sự thúc đẩy của ông Netanyahu, ông Donald Trump đã rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2018. Tuy nhiên, người kế nhiệm là ông Joe Biden đang đàm phán để đưa Washington trở lại JCPOA và buộc Tehran tuân thủ những điều kiện đã cam kết năm 2015. Ông Netanyahu đặt câu hỏi: “Ai có thể nói không với ông Biden?”
Rõ ràng, ông Bennett chưa thể chứng minh được tiếng nói, cũng như vị thế của một chính trị gia lão làng như người tiền nhiệm. Tuy nhiên, tân Thủ tướng Israel khẳng định sẽ phản đối việc Mỹ quay trở lại JCPOA, cho “hợp pháp hóa hành vi” của chế độ Iran là sai lầm. Theo đó, Israel sẽ duy trì quyền tự do hành động của mình trong vấn đề Iran.
Thứ hai là quan điểm của phía Mỹ trong quan hệ Israel-Palestine.
Chính quyền của Tổng thống Joe Biden mong muốn mở cửa lại Tổng Lãnh sự quán tại Jerusalem, vốn đã đóng cửa dưới thời ông Donald Trump. Người Mỹ mong muốn sử dụng cơ sở này để duy trì quan hệ với người Palestine. Ông Netanyahu cũng khẳng định chính quyền ông Biden đã yêu cầu Israel “đóng băng” quá trình xây dựng các khu định cư tại Bờ Tây, cũng như mở rộng diện tích sinh sống của người Do Thái tại Jerusalem.
Trong bối cảnh đó, cựu Thủ tướng Israel nhấn mạnh: “Bên cạnh Iran, thách thức thứ hai mà chúng ta phải đối mặt là ngăn chặn việc thành lập một Nhà nước Palestine có thể đe dọa sự tồn tại của chúng ta. Chính quyền mới của Mỹ hiện đang triển khai một số nỗ lực theo hướng này”.
“Ai có thể nói không với ông Biden?” (Cựu Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu)
Trước đây, ông Bennett từng phản đối sự thành lập của một Nhà nước Palestine và ủng hộ việc mở rộng các khu định cư của người Do Thái ở Bờ Tây.
Tuy nhiên, ít lâu trước khi đắc cử, ông nói rằng tất cả các thành viên của liên minh cầm quyền sẽ phải “trì hoãn việc thực hiện những mong ước của mình”. Đồng thời, ông cảm ơn Tổng thống Mỹ Joe Biden vì đã ủng hộ Israel trong xung đột kéo dài 11 ngày hồi tháng trước.
Đó chưa phải là tất cả. Ngày 15/6, một số người Do Thái theo chủ nghĩa dân tộc đã lên kế hoạch tuần hành xuyên Đông Jerusalem. Tháng trước, một hoạt động tương tự đã châm ngòi cho cuộc xung đột chết người tại dải Gaza kéo dài 11 ngày.
Thủ tướng Naftali Bennett cũng sẽ phải sớm quyết định xem có nên cho phép Qatar và Hamas thực hiện các giao dịch tài chính hay không, nhất là khi lực lượng này đe dọa sẽ tiếp tục tấn công bằng tên lửa nếu yêu cầu không được đáp ứng.
Dù cho hầu hết người Israel bỏ phiếu cho các đảng phái chống lại ông Netanyahu, chính phủ mới chỉ được thông qua với cách biệt vỏn vẹn 1 phiếu. Với một liên minh cầm quyền đa dạng về thành phần, từ cực hữu đến tả, từ Do Thái đến Arab, đoàn kết sẽ là bài toán không hề đơn giản.
Loại bỏ ông Netanyahu chỉ mới là bước đầu. Hành trình dài còn đang ở phía trước.
Người xưa có câu: “Muốn đi nhanh, hãy đi một mình. Muốn đi xa, hãy đi cùng nhau”. Song trong trường hợp này, liệu “đi cùng nhau” có giúp chính phủ liên minh của Thủ tướng Israel Naftali Bennett “đi xa” được hay không, chỉ thời gian mới có thể trả lời.
(theo The Economist)