Hai kịch bản cho hạn mặn mùa khô năm 2020 - 2021 ở ĐBSCL
Theo tính toán của các cơ quan khoa học thuộc Bộ NN&PTNT, xâm nhập mặn mùa khô năm 2020-2021, dự kiến có thể xảy ra 2 kịch bản. Kịch bản 1 có nguy cơ bị ảnh hưởng khoảng 85.000 ha lúa, 50.000 ha cây ăn trái. Còn kịch bản 2 có thể bị ảnh hưởng khoảng 97.000 ha lúa, 82.000 ha cây ăn trái.
Chiều 23/9, tại Tiền Giang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có buổi làm việc với các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về chủ động ứng phó hạn mặn mùa khô năm 2020 - 2021.
Báo cáo của các cơ quan chức năng cho thấy, từ đầu mùa lũ năm 2020 đến nay, lượng mưa trên lưu vực sông Mekong thiếu hụt từ 30-40% so với trung bình nhiều năm, dòng chảy sông Mekong ở mức rất thấp. Biển Hồ (Campuchia), nơi cung cấp nguồn nước quan trọng bổ sung cho ĐBSCL trong các tháng mùa khô hiện mới trữ được khoảng gần 9 tỷ m3, thấp hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ khoảng 23 tỷ m3, thấp hơn năm 2015 khoảng 8 tỷ m3 và thấp hơn năm 2019 khoảng 2 tỷ m3.
Theo nhận định của các cơ quan nghiên cứu khoa học và cơ quan khí tượng thủy văn trong nước và thế giới, lượng mưa trên lưu vực sông Mekong những tháng cuối năm 2020 có khả năng ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. Tuy nhiên, lượng nước trữ trong các hồ chứa thủy điện thượng nguồn hiện đang ở mức thấp, các hồ thủy điện sẽ tăng cường tích nước, cùng với sự gia tăng nhu cầu sử dụng nước của các nước thượng nguồn sông Mekong nên tổng lượng dòng chảy về ĐBSCL trong các tháng đầu mùa khô 2020-2021 có khả năng thiếu hụt từ 20-35% so với trung bình nhiều năm.
Theo tính toán của các cơ quan khoa học thuộc Bộ NN&PTNT, xâm nhập mặn mùa khô năm 2020-2021, dự kiến có thể xảy ra 2 kịch bản. Cụ thể kịch bản 1, các cửa sông Cửu Long: Ranh mặn 4 g/lít cao nhất từ 55-65 km (tùy cửa sông), cao hơn TBNN từ 10-20 km, tương đương năm 2016, thấp hơn năm 2019-2020 từ 7-13 km. Tổng diện tích có nguy cơ bị ảnh hưởng khoảng 85.000 ha lúa, 50.000 ha cây ăn trái. Còn kịch bản 2, tại các cửa sông Cửu Long, ranh mặn 4 g/lít cao nhất từ 65-75 km (tùy cửa sông), cao hơn từ 20-30 km so với trung bình nhiều năm, cao hơn năm 2015-2016 từ 3-5 km, một số thời điểm ngắn hạn ở mức tương đương năm 2019-2020. Tổng diện tích bị ảnh hưởng khoảng 97.000 ha lúa, 82.000 ha cây ăn trái.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tình hình hạn mặn sẽ gay gắt và phức tạp hơn nên ngay từ bây giờ Chính phủ cùng các bộ, ngành đã chỉ đạo các giải pháp cho năm tới. Thủ tướng nêu 2 vấn đề cốt lõi để ứng phó hạn mặn vào mùa khô 2020 - 2021 là không để hộ dân nào thiếu nước sinh hoạt. Cần phải có nhiều biện pháp, chuẩn bị nước ngọt, bể chứa, phân vùng, các giải pháp giải cứu, không chỉ cho người dân mà còn chăn nuôi gia súc... Ngoài ra, đảm bảo sản xuất trong tình hình mới, giữ sản lượng lương thực, trái cây, xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu cơ quan chức năng thường xuyên theo dõi dự báo nguồn nước để chỉ đạo kịp thời và theo dõi chặt diễn biến thời tiết phục vụ công tác nông nghiệp. Tập trung chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi thời vụ cơ cấu nông nghiệp, đẩy sớm thời vụ.
Về biện pháp trước mắt, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục làm tốt công tác truyền thông đến từng hộ gia đình về nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô để người dân chủ động các biện pháp ứng phó phù hợp. Đồng thời, phát huy tinh thần “bốn tại chỗ”, bắt đầu “từ người dân, từ cơ sở là chính”. Mỗi hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chủ vườn cần chủ động trữ nước ngọt cho sinh hoạt, sản xuất kinh doanh, “tự lo cho mình trước”. Nhà nước tập trung chăm lo, hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình khó khăn. Đối với nhiệm vụ lâu dài, Thủ tướng yêu cầu quy hoạch tổng thể bài bản hơn và có chủ trương về khoa khọc công nghệ để đáp ứng phát triển mới cho ĐBSCL.