Hai kịch bản tăng trưởng cho 6 tháng cuối năm
Cuộc họp báo thường kỳ tháng 6 diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn.
Chiều 1/7, ngay sau khi Chính phủ họp thường kỳ tháng 7 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo thường kỳ. Chủ trì họp báo là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn.
Mở đầu họp báo, Bộ trưởng Trần Văn Sơn cung cấp một số thông tin về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6. Theo đó, các thành viên Chính phủ đã dành nhiều thời gian để thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, cũng như phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
Theo Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng GDP quý II ước tính tăng 6,61% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 0,39% của quý 2 năm 2020, nhưng thấp hơn tốc độ tăng cùng kỳ các năm 2018 và 2019.
Tính chung, GDP 6 tháng đầu năm tăng 5,64%, cao hơn tốc độ tăng 1,82% của 6 tháng đầu năm 2020, nhưng thấp hơn tốc độ tăng cùng kỳ năm 2018 và 2019.
Dịch Covid-19 bùng phát tại một số địa phương trên cả nước từ cuối tháng 4 với những diễn biến phức tạp, khó lường đã đặt ra nhiều thách thức, rủi ro cho nước ta trong việc thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế.
Động lực tăng trưởng chính vẫn là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong khi đó, tính chung 6 tháng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 316,73 tỷ USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam nhập siêu 1,47 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm.
Bộ trưởng Trần Văn Sơn cũng nhắc lại phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên họp sáng 1/7. Theo đó, Chính phủ vẫn chưa thay đổi mục tiêu đã đề ra, nhưng phải chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hài hòa giữa phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội.
"Có nơi, có lúc phải ưu tiên cho nhiệm vụ phòng chống dịch, có nơi, có lúc phải ưu tiên cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, có nơi, có lúc phải cân bằng cả hai mục tiêu, nhiệm vụ này", ông nhắc lại phát biểu của Thủ tướng.
Trong 6 tháng cuối năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng 2 kịch bản thực hiện mục tiêu tăng trưởng đã được Quốc hội và Chính phủ giao.
Kịch bản 1, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6%, quý III cần đạt mức tăng trưởng là 6,2% (thấp hơn Nghị quyết 01 0,5 điểm phần trăm), quý IV tăng 6,5% (thấp hơn Nghị quyết 01 0,2 điểm phần trăm).
Kịch bản 2, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5%, quý III phải đạt mức tăng trưởng là 7% (cao hơn Nghị quyết 01 0,3 điểm phần trăm) và quý IV tăng 7,5% (cao hơn Nghị quyết 01 0,8 điểm phần trăm).
Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết các thành viên Chính phủ nhận định tình hình kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi nhưng còn nhiều rủi ro, thách thức. Dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến khó lường có thể gây đứt gãy đến dòng thương mại toàn cầu, tiêm chủng chưa đồng đều giữa các quốc gia. Sản xuất, kinh doanh trong nước còn nhiều khó khăn, nhất là ngành dịch vụ, doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Chính phủ thống nhất chủ trương chống dịch hợp lý, hiệu quả, đạt “mục tiêu kép”, chỉ giãn cách, phong tỏa khi thực sự cần thiết và phù hợp. Ngoài ra, thực hiện chiến lược vaccine nhanh nhất, chất lượng nhất, thúc đẩy sản xuất vaccine trong nước, sớm đạt miễn dịch cộng đồng.
Bên cạnh đó, cần sớm thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động, người chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ngay chiều nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Nghị quyết 68 với 12 chính sách hỗ trợ người lao động, người chịu ảnh hưởng bởi dịch với số tiền khoảng 26.000 tỷ đồng.
Buổi họp báo có sự tham dự của Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. Ông Dung trực tiếp cung cấp thông tin về gói hỗ trợ của Chính phủ.
Gói này dự kiến hỗ trợ trực tiếp nhóm đối tượng bị ảnh hưởng sâu, không có khả năng lao động và không có khả năng phục hồi, đặc biệt là những người phải nghỉ việc, ngừng việc, giãn việc do yêu cầu của cấp thẩm quyền; hỗ trợ tín dụng để doanh nghiệp trả lương, phục hồi sản xuất.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hai-kich-ban-tang-truong-cho-6-thang-cuoi-nam-post1233518.html