Hai lần chiến thắng Covid-19 của gia đình có 13 F0 tại Mỹ
Một năm sau khi khỏi Covid-19, gia đình Vanessa đối mặt với đại dịch lần nữa khi nhiều thành viên tái nhiễm virus. Song, lần này, tình trạng của họ khá nhẹ nhờ đã tiêm vaccine.
Một buổi chiều thứ 6 đầu tháng 10, Maricia Redondo, 8 tuổi, đi học về với đôi mắt sưng húp, sổ mũi và ho. Ngày hôm sau, Maricia và mẹ - Vanessa Quintero (31 tuổi) - đi xét nghiệm. Cả hai đều dương tính với nCoV.
Vanessa sửng sốt đến mức gọi điện nhiều lần cho nhân viên y tế và cho rằng họ đã trả sai kết quả. Người phụ nữ này bất ngờ, hoảng sợ là có lý do.
Gia đình hơn 10 thành viên của cô từng chiến đấu với Covid-19 vào mùa thu năm 2020. Khi đó, SARS-CoV-2 càn quét qua khu dân cư cho người lao động nghèo của họ ở thành phố San Pablo, California, Mỹ.
Bốn thế hệ sống cạnh nhau trong ba ngôi nhà sát vách, thông nhau bằng sân sau. Đại dịch ập đến và 13 thành viên trong gia đình họ đã mắc Covid-19. Khi Covid-19 qua đi, Vanessa tưởng chừng sẽ không bao giờ gặp lại nó.
Điều thứ hai khiến cô sợ hãi là không biết chuyện tồi tệ nào có thể xảy ra trong lần tái mắc Covid-19 này, nhất là khi biến chủng Delta được cảnh báo nguy hiểm hơn.
Các nghiên cứu hiện tại cho thấy khả năng miễn dịch của F0 khỏi bệnh có thể kéo dài khoảng 6 tháng đến một năm. Điều này cũng gần như chính xác với khoảng cách giữa hai lần gia đình Vanessa mắc Covid-19.
Trận chiến đầu tiên
Một nghiên cứu gần đây từ nhóm chuyên gia của Trường Y tế Công cộng Yale, New Haven, Mỹ, cho thấy những người từng mắc Covid-19 có thể bị tái nhiễm trong vòng 1-2 năm nếu họ không đeo khẩu trang hoặc không tiêm chủng vaccine. Các phát hiện cũng nhận thấy nguy cơ tái mắc Covid-19 tăng lên theo thời gian. Mỗi F0 có 5% cơ hội nhiễm nCoV sau 4 tháng mắc Covid-19 lần đầu tiên. Nhưng sau 17 tháng, nguy cơ này tăng lên 50%.
Và điều khiến Vanessa lo lắng khi mắc Covid-19 lần hai là hầu hết người lớn trong nhà đều đã được tiêm chủng nhưng con gái cô chưa. Cô bé mới 8 tuổi và mùa thu vừa rồi chưa đủ điều kiện để tiêm vaccine Covid-19.
Căn bệnh từng khiến Maricia phải nằm bẹp trên giường, thở từng hơi khó nhọc. Điều đó khiến Vanessa không thôi nghĩ về ký ức của trận chiến đầu tiên và lo sợ.
Trong bữa tiệc sum vầy dịp Halloween năm 2020, Maricia cũng là người đầu tiên cảm thấy không khỏe. Chỉ vài ngày sau đó, vợ chồng Vanessa, mẹ, hai chị em họ, dì, chú và 2 bà đều có kết quả dương tính với nCoV. Tổng cộng 13 thành viên trong nhà mắc Covid-19 và vài người có diễn biến nặng. Nhiều người không thể tự điều trị tại nhà, phải nhập viện.
Vanessa, cũng giống cô con gái 8 tuổi Maricia, mắc bệnh hen suyễn, là ca đầu tiên cần được chăm sóc khẩn cấp. “Tôi như ngất ở trên sàn nhà, thậm chí không thể nói thành lời”, người phụ nữ nhớ lại.
Sau đó, người mẹ 51 tuổi của Vanessa, Petra Gonzales, trở thành nạn nhân thứ hai trở nặng. Bà sốt cao liên tục và mê man, mất dần ý thức, mất nước nghiêm trọng. Mẹ của bà Petra, Genoveva Calloway, 71 tuổi, cũng phải chăm sóc đặc biệt vì thiếu oxy.
Không giống Petra và Vanessa, tình trạng của bà Genoveva rất nguy kịch. Cụ bà phải nằm trong phòng hồi sức cấp cứu với đống dây dợ, máy móc. Cuối cùng, sau hai tuần “nghìn cân treo sợi tóc”, Genoveva đã thoát khỏi tình trạng nguy hiểm và được xuất viện. Giây phút đó, cụ bà ôm lấy con gái Petra - điều vốn dĩ rất bình thường nhưng lại trở nên quý giá.
Genoveva tâm sự: “Con gái ôm tôi thật chặt và tôi sẽ không bao giờ quên điều đó”.
Tuy nhiên, sau một năm, sức khỏe của cụ bà Genoveva vẫn không thể hồi phục hoàn toàn. Người phụ nữ này bị bệnh phổi kẽ. Đó cũng là lý do khiến Vanessa lo sợ khi Covid-19 ập đến lần thứ hai.
Tiêm chủng giúp ít thành viên tái mắc Covid-19
Điều may mắn là ngay cả khi trải qua hai lần mắc Covid-19, toàn bộ thành viên trong gia đình Vanessa vẫn còn sống khỏe mạnh.
Bà Genoveva đã rời khỏi thị trấn khi cháu gái Maricia tái nhiễm. Vì vậy, người phụ nữ này không mắc Covid-19 lần hai. Bản thân Maricia cũng hồi phục sau thời gian ngắn tái mắc bệnh.
Các thành viên khác trong nhà không có triệu chứng. Tất cả đều đã được tiêm chủng đầy đủ hai liều trước khi biến chủng Delta xuất hiện và trở nên phổ biến ở bang California. Điều này được cho là giúp nguy cơ tái mắc Covid-19 của đại gia đình này thấp hơn.
Cuộc sống đa thế hệ là hiện tượng phổ biến trong cộng đồng sinh sống tại California, tương tự gia đình Vanessa. Thành phố San Pablo là điểm nóng của hạt Contra Costa với tỷ lệ lây nhiễm cứ 11 người có 1 ca F0. Vào đỉnh dịch, mỗi ngày khu vực này có 800 ca mắc mới.
Vì vậy, Vanessa cho rằng các mũi tiêm giúp họ yên tâm hơn. Người phụ nữ mong tới ngày cháu gái và các thành viên còn lại trong gia đình được tiêm phòng đầy đủ.
Theo nghiên cứu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, vaccine Covid-19 giúp chống lại nguy cơ lây nhiễm tốt hơn so với miễn dịch tự nhiên. Nếu ai đó mắc Covid-19 sau tiêm chủng, cơ thể họ sẽ có “miễn dịch lai” và nguy cơ bị bệnh nặng, tử vong cũng giảm đi rất nhiều.
Do đó, TS Peter Chin-Hong, Đại học California, San Francisco, đề nghị các bệnh nhân không bị suy giảm miễn dịch nên tiêm vaccine sau ít nhất 3 tháng khỏi Covid-19.
Bên cạnh đó, theo GS.TS Julie Parsonnet, Đại học Stanford, mỗi lần chúng ta tiếp xúc nCoV, dù là do lây nhiễm virus hay nhờ kháng thể của vaccine, chúng đều giúp cơ thể cải thiện khả năng chống chọi lại SARS-CoV-2 trong lần nhiễm tiếp theo.
Song, vị chuyên gia cũng lưu ý có rất nhiều biến số đang diễn ra. Đầu tiên là khả năng miễn dịch bị suy yếu. Thứ hai, virus có nhiều đột biến. Thứ 3, không loại vaccine Covid-19 nào cung cấp hiệu quả bảo vệ 100% và mức độ bảo vệ của nó không giống nhau ở tất cả nhóm dân số.
“Một số trường hợp như người già, nhóm bị suy giảm miễn dịch và đang chạy thận nhân tạo, không thể đạt phản ứng miễn dịch tốt. Họ luôn có nguy cơ gặp rủi ro. Vì vậy, ngoài người lớn, trẻ em cũng cần được tiêm chủng để bảo vệ tất cả thành viên trong gia đình”, GS Julie nói thêm.