Hai lần liên tiếp khiến tội phạm lừa đảo, giả danh Công an…trơ khấc

Trong vòng 1 tháng, 2 tình huống người dân đến ngân hàng làm thủ tục rút – chuyển tiền với biểu hiện bất thường, đã được Công an phường Quang Trung, quận Hà Đông, Hà Nội, cùng nhân viên ngân hàng kịp thời ghi nhận, qua đó giúp ngăn chặn việc bị lừa đảo.

Cùng kịch bản

Diễn biến sự việc đã qua hơn 10 ngày, song Trung tá Phạm Mạnh Cường – Trưởng Công an phường Quang Trung vẫn nhớ từng chi tiết. Hôm đó khoảng 11h30 ngày 20-11, trực ban Công an phường nhận được điện thoại từ chi nhánh ngân hàng GP Bank (địa chỉ tại số 198 đường Quang Trung ) về việc đang có 1 nữ khách hàng cao tuổi đến làm thủ tục chuyển tiền với biểu hiện lạ.

Công an phường Quang Trung hướng dẫn người dân cách thức nhận biết thủ đoạn của tội phạm lừa đảo

Công an phường Quang Trung hướng dẫn người dân cách thức nhận biết thủ đoạn của tội phạm lừa đảo

Ngay sau khi nhận được tin báo, tổ công tác Công an phường Quang Trung đã nhanh chóng đến chi nhánh ngân hàng và xác định: vào khoảng 9h30 cùng ngày, bà V.T.T.T (64 tuổi, trú tại phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông) nhận được cuộc điện thoại từ số thuê bao lạ gọi vào máy điện thoại bàn của gia đình.

Một người đàn ông tự giới thiệu là trung tá Công an, tên là Trần Hữu Bình, đội trưởng đội điều tra tội phạm, và yêu cầu bà T. phải nộp tiền để chứng minh…không liên quan đến một đường dây buôn ma túy. Khi biết bà T. có sổ tiết kiệm 400 triệu đồng, vị “trung tá” càng hối thúc phải rút toàn bộ số tiền trên và gửi vào tài khoản do anh ta cung cấp. Đối tượng dặn bà T. không được nói với ai về nội dung trên.

Do sợ hãi nên bà T. đã tới ngân hàng làm thủ tục rút toàn bộ số tiền tiết kiệm mình đang có, và chuyển tiền…

May mắn, biểu hiện của bà T. đã được nhân viên ngân hàng tinh ý nhận ra, và thông tin đến Công an phường Quang Trung. Sự có mặt của các chiến sỹ Công an ngay sau đó đã giúp bà T. bừng tỉnh.

Đáng chú ý, bà T. là trường hợp thứ hai, trong vòng 1 tháng, được Công an phường Quang Trung và nhân viên ngân hàng kịp thời phát hiện, giúp đỡ ngăn chặn việc chuyển tiền cho đối tượng lừa đảo.

Hôm ấy là ngày 7-10; bà Nguyễn Thị Đ (SN 1963; ở huyện Thanh Oai) đến chi nhánh ngân hàng Eximbank định rút, chuyển gần 200 triệu đồng. Qua thông tin trao đổi của nhân viên ngân hàng, tổ công tác Công an phường Quang Trung nhanh chóng có mặt, xác định bà Đ. đang… rơi vào bẫy lừa.

Đúng như nhận định, bà Đ. cho biết trước đó nhận được 1 cuộc điện thoại của người đàn ông tự giới thiệu là cán bộ Công an, thông báo bà liên quan tới một vụ án ma túy. Từ đó, người này yêu cầu bà Đ. chuyển 180 triệu đồng vào tài khoản để điều tra nếu không sẽ bị bắt giữ.

Công an phường đã giải thích rõ cho bà Đ về thủ đoạn cũng như phương thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản của đối tượng. Sau đó, bà Đ đã dừng toàn bộ giao dịch chuyển tiền.

“Mưa dầm thấm lâu”

“Hai sự việc – 2 lần khiến tội phạm giả danh Công an lừa đảo phải…trơ khấc; đó là kết quả của quá trình tuyên truyền bài bản, “mưa dầm thấm lâu”, trên cơ sở thực hiện nghiêm chỉ đạo của CATP Hà Nội và Ban chỉ huy Công an quận Hà Đông”, chỉ huy Công an phường Quang Trung chia sẻ.

Với gần 20 chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng trên địa bàn, thời gian qua, Công an phường Quang Trung nhìn nhận rõ nguy cơ tiềm ẩn của nhiều loại tội phạm, trong đó “nóng” nhất là tình trạng đối tượng giả danh Công an, gọi điện thoại uy hiếp bắt người dân phải chuyển khoản để… chứng minh vô tội.

Ban chỉ huy Công an quận Hà Đông đã quán triệt Công an 17 phường trên địa bàn kiên trì, đẩy mạnh tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn chiếm đoạt tài sản của tội phạm sử dụng công nghệ cao đến tất cả các ngân hàng, phòng giao dịch, quỹ tín dụng, các khu dân cư, tổ dân phố, đồng thời lắp đặt biển cảnh báo tại các phòng giao dịch.

Đại úy Lê Nam Cường - Tổ trưởng tổ Cảnh sát hình sự Công an phường Quang Trung cho biết, cùng với lực lượng Cảnh sát khu vực, thời gian qua, các trinh sát hình sự đến từng khu dân cư, từng chi nhánh ngân hàng để tuyên truyền, nói chuyện, hướng dẫn cách thức nhận biết – đặt nghi vấn trong trường hợp người dân đến làm thủ tục chuyển tiền. Nhân viên ngân hàng sẽ đặt câu hỏi mang tính cảnh báo: “Các bác có biết người nhận tiền là ai? Mục đích chuyển tiền?”. Và khi trường hợp người dân nói đối tượng nhận tiền là cán bộ cơ quan tố tụng, lập tức, việc giao dịch sẽ được khéo léo làm chậm lại, để mời lực lượng Công an cơ sở đến phối hợp xác minh.

Từ việc nhìn nhận rõ nguy cơ của hiện tượng để xây dựng, triển khai kế hoạch tuyên truyền bài bản, kiên trì, có trọng tâm, trọng điểm; Công an phường Quang Trung đã và đang hình thành được ý thức phòng ngừa – tự phòng ngừa ngay tại nhiều khu dân cư, cơ sở tín dụng. Đúng như chia sẻ của chị Lê Thị Hương Giang – Giao dịch viên chi nhánh GPBank: “Sự chủ động, trách nhiệm của lực lượng Công an không chỉ giúp các khách hàng, mà chính nhân viên ngân hàng chúng tôi có thêm kinh nghiệm, kỹ năng xử lý trước những tình huống bất thường”.

Thanh Quang

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/hai-lan-lien-tiep-khien-toi-pham-lua-dao-gia-danh-cong-an-tro-khac-post451539.antd