Hai lần thử sống bằng Bitcoin
Phóng viên Seema Mody của CNBC kể về trải nghiệm khác biệt trong hai lần thử dùng Bitcoin thanh toán cách nhau 4 năm, tại thời điểm năm 2021 và 2017.
"Bốn năm trước, tôi thử sống một tuần bằng Bitcoin và thất bại. Quá khó để tìm các điểm kinh doanh chấp nhận đồng tiền điện tử này như một phương tiện thanh toán", Seema Mody viết, mở đầu về trải nghiệm cách đây 4 năm.
Năm 2017 cũng là thời điểm chứng kiến cú lội ngược dòng ngoạn mục của tiền mã hóa. Giá Bitcoin giao dịch quanh mốc 2.500 USD/đồng hồi đầu năm và đạt ngưỡng cao kỷ lục 20.000 USD/đồng vào cuối năm đó. Tuy nhiên, giá trị của đồng tiền này nhanh chóng bốc hơi 80% trong năm 2018.
Đầu năm 2021, Seema Mody một lần nữa trải nghiệm sống bằng Bitcoin khi giá đồng tiền này liên tục vượt đỉnh lịch sử.
Khác lần trước, tại thời điểm năm 2021, nữ phóng viên cắt ngắn thời gian trải nghiệm chỉ còn vài ngày, để đảm bảo an toàn sức khỏe giữa đại dịch Covid-19 cũng như do ảnh hưởng của lệnh giãn cách và tình hình đóng cửa tại nhiều cửa hàng.
Những món hàng đắt đỏ trả bằng Bitcoin năm 2017
Hai lần trải nghiệm, phóng viên của CNBC có dịp so sánh đồng Bitcoin đã thay đổi ra sao.
So với ngưỡng 2.500 USD/đồng vào 4 năm trước, giá Bitcoin hiện tại tăng 2.200%. Thậm chí có thời điểm, con số này còn vượt mốc lịch sử 58.000 USD/đồng.
Năm 2017, thông qua một phòng chat, Seema Mody làm quen một người đang sở hữu Bitcoin. Người này đồng ý gặp cô tại ga tàu điện và đổi số Bitcoin trị giá 20 USD bằng thẻ metro. Nếu giữ nguyên lượng Bitcoin này, cô hiện có trong tay 464 USD.
Thời điểm đó, Seema Mody đã tiêu tốn khoảng 10 USD Bitcoin cho món salad tại một nhà hàng Pháp ở Lower East Side. Con số đó tương đương 232 USD bây giờ.
Còn số Bitcoin dùng để mua món bánh mì kem ở Melt hồi đó là 6,5 USD. Nếu tính theo giá cao nhất hồi tháng 2, số tiền đó lên tới 150 USD.
Nở rộ của các trung gian thanh toán
Năm 2017, Seema Mody khó có thể mua một ly cà phê bằng Bitcoin. Nhưng giờ đây, mọi thứ đã khác. Cô có thể sử dụng Bitcoin để thanh toán tại các cửa hàng Starbucks một cách dễ dàng, thông qua nhiều nền tảng tiền kỹ thuật số như Bakkt Cash.
"Đây có lẽ là một trong những thay đổi lớn nhất so với 4 năm trước. Ngày càng nhiều ứng dụng ra đời như một bên thứ ba giúp bạn chi tiêu Bitcoin chỉ trong nháy mắt", cô viết.
Thay vì nhập thông tin thẻ tín dụng, các ứng dụng còn cho phép thanh toán trực tiếp bằng Bitcoin. Họ sẽ quy đổi giá sản phẩm bạn mua tính theo Bitcoin là bao nhiêu.
Nền tảng thanh toán miễn phí Flexa, còn được gọi là "mạng thanh toán chống gian lận tốt nhất", cho biết các nhà bán lẻ như Nordstrom, GameStop và Lowe’s đã cho phép người dùng mua sản phẩm bằng Bitcoin.
Tuy nhiên, có tới 60% giao dịch Bitcoin trên Flexa hiện vẫn dừng lại ở các mặt hàng như cà phê, trà và các dịch vụ nhanh khác.
Điểm giống nhau sau 4 năm là sự thông dụng của việc chi tiêu Bitcoin thông qua thẻ quà tặng.
"Tôi đã đổi Bitcoin ra thẻ quà tặng trị giá 5 USD để mua hàng trên Amazon, mặc dù quá trình kết nối với ví tiền điện tử mất khá nhiều thời gian", nữ phóng viên CNBC kể lại trải nghiệm cá nhân.
Ngoài ra, các trang web đổi thẻ quà tặng thường yêu cầu bạn trả phí giao dịch thay đổi tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Phí hiện tại trên bitinfocharts.com trung bình là 15 USD, trong khi 2 tuần trước, nó vào khoảng 30 USD.
Phí giao dịch đắt đỏ cũng là một trong những lý do khiến người sở hữu Bitcoin không coi nó là tiền tệ thực sự. Báo cáo của Chainalysis cho biết trong năm 2020, chỉ 1% giao dịch Bitcoin ở Mỹ đến từ các dịch vụ thương mại mua bán hàng hóa.
Tuy nhiên, điều này có thể sớm được khắc phục khi nền tảng thanh toán nổi tiếng với gần 300 triệu người dùng PayPal cho biết đã triển khai thành công công nghệ hỗ trợ người dùng thanh toán bằng Bitcoin.
“Nếu giá Bitcoin bớt biến động, chi phí trao đổi sẽ ổn định và việc sử dụng tiền điện tử sẽ trở nên phổ biến hơn”, David Grider, giám đốc chiến lược tại Fundstrat, nhận định. Theo ông, hầu hết chuyên gia Bitcoin hiện tại vẫn xem đây là một loại hình lưu trữ giá trị, không phải tiền tệ. Đây cũng là lý do Bitcoin thường được gọi là vàng kỹ thuật số.
Nữ phóng viên CNBC cũng lưu ý người dùng Bitcoin về 2 vấn đề nếu muốn sử dụng đồng tiền này như một phương tiện thanh toán: Pháp lý và thuế.
Tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã lên tiếng cảnh báo về rủi ro khi sử dụng tiền điện tử trong các giao dịch bất hợp pháp. Đây có thể là tín hiệu cho thấy giới chức Mỹ sẽ thực hiện nhiều chính sách kiểm soát chặt chẽ hơn đối với các giao dịch thanh toán bằng Bitcoin.
Trong khi đó, Sở Thuế vụ Mỹ IRS sẽ chính thức phân loại Bitcoin là tài sản, không phải tiền tệ vào ngày 15/4. Do đó, đồng tiền này có thể bị áp dụng các quy định thuế thu nhập.
“Liệu 4 năm nữa khi nhìn lại, tôi sẽ tiếc nuối vì giá trị của Bitcoin tiếp tục lập đỉnh hay thở phào vì đã kịp tiêu trước khi nó rớt giá? Tất cả phụ thuộc vào diễn biến giá Bitcoin trong thời gian tới” - Mody viết.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hai-lan-thu-song-bang-bitcoin-post1190155.html