Hai lần tự ái của 'cậu bé vàng' toán học Lê Bá Khánh Trình
Trong kỳ thi Olympic toán quốc tế năm 1979 tại Anh, Lê Bá Khánh Trình đoạt giải nhất với số điểm tuyệt đối 40/40, đồng thời đoạt giải đặc biệt về lời giải độc đáo.
Sinh ra và lớn lên ở TP Huế, TS Khánh Trình bảo học sinh ngày đó không thiếu chiêu trò. Ông đã từng trải qua những mùa hè đặc biệt, có trò nghịch của trẻ con, có tự ái của tuổi mới lớn và cả những “quả ngọt”…
Ở tuổi gần 60, mùa hè năm học lớp 4 vẫn rõ nét trong tâm trí ông.
“Tôi cùng anh trai mang diều ra vườn, chơi thì ít mà bày trò phá diều của bạn nhà kế bên thì nhiều. Mỗi lần bạn ấy thả diều lên, tôi và anh lại núp vào cây, lấy súng thun bắn đá rách diều. Sau vài lần bị hỏng, bạn phát hiện ra chúng tôi và chuẩn bị súng thun bắn trả đũa.
Kết quả “bên ta” là anh tôi trúng đá vào đầu, còn bên “địch” - bạn ấy bị trúng đá vào tay, bụng. Tối về thấy đầu anh có vết máu, mọi người hỏi mới biết và dắt sang nhà bên nói chuyện” - TS Trình kể.
Thời học sinh, ông cũng có nhiều lần chuyển trường: cấp 1 học ở Huế, cấp 2 chuyển vào học ở Sài Gòn nhưng tới lớp 8 lại quay về Huế. Trong 2 năm ngắn ngủi ở Sài Gòn, kỳ nghỉ hè của thầy Trình chỉ quanh quẩn trong nhà.
“Tôi chỉ thỉnh thoảng ra phố nếu có người lớn đi cùng. Cũng có lúc được đi ăn một vài món yêu thích nhưng mùa hè cứ vậy mà trôi qua cho tới năm học mới”.
Sau mùa hè đầu tiên ở Sài Gòn “rất chán”, hết năm lớp 7, cậu học trò Khánh Trình xin ba mẹ về nhà ở Huế chơi.
“Tôi lao ngay ra vườn, leo lên cây ngồi chơi vắt vẻo. Ban ngày tôi ra sông bơi cùng bạn. Đêm về giấc ngủ chìm trong tiếng ve, tiếng dế vọng vào…”.
Mùa hè năm lớp 8, ông cùng nhóm bạn nam trong lớp đi cắm trại. Cả nhóm mang lều bạt, thức ăn, nước uống đạp xe tới bãi biển. Bạn chăng dây đóng cọc, bạn san mặt bằng, hì hục mãi cũng dựng được túp lều “lý tưởng” để cả nhóm trú ngụ qua đêm.
TS Khánh Trình nhớ tối đầu tiên, nhóm cử hai bạn ở trại giữ đồ, những bạn còn lại kéo nhau ra bờ biển bắt còng về nướng. Lúc về trại thì thấy hai bạn ở lại giữ đồ nằm ngủ say sưa, còn quần áo mất sạch.
“Ngày đó cuộc sống khó khăn nên áo quần có giá trị lắm. Mất hết đồ, đứa nào đứa nấy mặt buồn so, ở trần mặc quần tắm về nhà” - ông nhớ lại.
Hái "trái ngọt" nhờ tính tự ái
TS Lê Bá Khánh Trình bảo bây giờ phụ huynh thường ép con học thêm trong hè. Còn ngày trước, ông không học thêm, ba mẹ cũng không ép. Nhưng có 2 mùa hè vì tự ái mà ông tự học ở nhà.
Đó là năm ông lên lớp 9, TP Huế bắt đầu mở lớp chuyên toán trong Trường Quốc học.
Để được chọn, trong kỳ thi tốt nghiệp học sinh phải làm thêm một câu hỏi phụ.
Năm đó, cả tỉnh có 3 bạn làm bài tốt, trong đó một bạn học cùng trường. Còn ông dù là học sinh giỏi toán nhưng chỉ làm được nửa câu hỏi. Tự ái vì thua kém, mùa hè năm ấy ông quyết tâm ở nhà ôn luyện.
“Trong mấy tháng hè tôi cũng có chơi, nhưng việc học vẫn ưu tiên hơn. Tới kỳ thi chính thức vào lớp chuyên toán, tôi là đứa ít tuổi và nhỏ con nhất do học sớm một năm. Ngày thi đầu tiên, tôi hoàn thành bài sau 2/3 thời gian. Ngày thi thứ hai, tôi cũng hoàn thành bài rất sớm. Năm đó, tôi đỗ điểm cao nhất vào chuyên toán của Trường Quốc học” - ông kể.
Lần tự ái thứ hai là vào mùa hè năm lớp 11. Năm đó, ông dự thi học sinh giỏi quốc gia vòng 1 nhưng không lọt vào danh sách được ra Hà Nội thi vòng 2. Một lần nữa, ông quyết định ở nhà tự học trong dịp hè. Đến năm lớp 12, ông vượt qua vòng 1 và lọt vào danh sách 22 học sinh ra Hà Nội thi vòng 2.
Kết quả, ông vào vòng cuối và cùng 3 bạn khác ở Hà Nội dự thi Olympic toán quốc tế ở Anh.
Thời gian ở Hà Nội ôn thi cũng vào mùa hè. Kỳ thi Olympic toán quốc tế năm đó, Lê Bá Khánh Trình đoạt giải nhất với số điểm tuyệt đối 40/40, đồng thời đoạt giải đặc biệt về lời giải độc đáo.
Hai mùa hè dành thời gian cho việc tự học, với TS Trình, như một niềm vui.
“Tôi vui vì trình độ mình được nâng lên. Còn ba mẹ tôi thấy dù nghỉ hè nhưng con vẫn học thì không phản ứng gì. Có lẽ họ nghĩ “may quá, nó không chơi bời hay phá phách"….” - ông cười nhớ lại.
TS Khánh Trình cho rằng mình may mắn được trải nghiệm, được sống những ngày hè đẹp và đúng nghĩa đời học sinh. Tuy nhiên, bây giờ ở vai trò là phụ huynh, cái nhìn của ông đã khác.
“Hiện nay, các em học sinh chịu áp lực học tập lớn. Cuộc sống của chính chúng ta cũng đổi thay. Ngày còn nhỏ, nằm ở đâu cũng có thể ngủ nhưng nay chỉ nghe muỗi vo ve hay dế kêu là tôi không thể chợp mắt. Tôi nghĩ, những điều bản thân mình không làm được thì không thể ép con phải làm”.
Vậy nên, ông không ép con phải học trong thời gian hè mà để tự chúng quyết định điều mình muốn. Lúc rảnh rỗi, ông khuyến khích con đi du lịch, trải nghiệm để mùa hè bớt đơn điệu…