Hải Lăng sẽ trở thành huyện trọng điểm phát triển công nghiệp của tỉnh Quảng Trị
Vốn được đánh giá có nhiều tiềm năng để phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ, cơ hội càng được khẳng định hơn từ khi Khu kinh tế Đông Nam được thành lập, huyện Hải Lăng được xác định là 'vùng lõi' với nhiều dự án động lực.
Những thành tựu của Hải Lăng đạt được trong thời gian vừa qua tạo nên vị thế mới cho huyện, đồng thời, đóng góp vào sự nghiệp phát triển chung của tỉnh Quảng Trị. Đó cũng là những tiền đề để Hải Lăng đẩy nhanh nhịp độ phát triển, vươn lên trở thành huyện dẫn đầu trong toàn tỉnh Quảng Trị.
Với vị trí là vùng lõi của Khu Kinh tế Đông Nam, có nhiều dự án động lực được hiện thực hóa, chắc chắn trong tương lai không xa, Hải Lăng sẽ phát triển đột phá, trở thành đầu tàu phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Trị.
Quy mô sản xuất công nghiệp tăng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 14,5%/năm. Khu kinh tế Đông Nam - Quảng Trị đang có bước khởi động tích cực; Khu đô thị - công nghiệp VSIP được nhận diện quy hoạch để đầu tư.
Nhiều dự án có quy mô lớn đã được khởi công và đang triển khai thực hiện. Cụm công nghiệp Diên Sanh, Hải Thượng và Hải Chánh từng bước được lấp đầy; các làng nghề truyền thống nổi tiếng như: Rượu Kim Long, nước mắm Mỹ Thủy, bánh ướt Phương Lang, chổi đót Vân Phong, mứt gừng Mỹ Chánh… ngày càng phát triển, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Ông Lê Đức Thịnh - Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng cho biết: Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp theo hướng chú trọng công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng, công nghiệp siliccat, làm vệ tinh cho các khu công nghiệp vùng lõi của Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị, Khu đô thị - công nghiệp VSIP; chú ý lựa chọn, ưu tiên các ngành sử dụng công nghệ cao, kết hợp với phát triển hợp lý các ngành có công nghệ trung bình sử dụng nhiều lao động; đưa công nghiệp về nông thôn nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động tại chỗ. Xác định quỹ đất cho phát triển các làng nghề truyền thống gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến, thu hút các dự án vào các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện.
Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, gắn với hình thành vùng nguyên liệu; liên doanh, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Chú trọng phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp gắn với đảm bảo môi trường và vệ sinh phòng dịch. Khai thác hiệu quả lợi thế diện tích rừng trồng, mở rộng diện tích rừng trồng gỗ lớn và trồng rừng theo chứng chỉ FSC.
Chú trọng phát triển kinh tế biển, coi đây là hướng đi chiến lược lâu dài và là một trong các trụ cột phát triển của huyện. Phát huy tối đa các cơ chế, chính sách của Nhà nước đối với lĩnh vực ngư nghiệp để vừa đảm bảo thu nhập cho người dân, vừa đảm bảo mục tiêu bảo vệ ngư trường, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Quan tâm phát triển thương mại - dịch vụ. Trước mắt, hình thành các điểm dịch vụ ở khu vực La Vang, lấy La Vang làm điểm nhấn, mở rộng ra khu vực Hải Chánh, thị trấn Diên Sanh, Hội Yên gắn với phát triển du lịch sinh thái và du lịch tâm linh. Huyện cần có quyết tâm mới, cách làm mới, mạnh dạn đề xuất những giải pháp phù hợp để xây dựng và phát triển đô thị - dịch vụ La Vang, để La Vang trở thành một địa chỉ du lịch hấp dẫn trong thời gian tới.