'Hái lộc trời' vào đêm, người dân ven biển thu hàng trăm triệu mỗi năm

Những con rươi có hình dạng rất giống con giun nhưng lại chứa nhiều đạm, vốn được coi như món lộc mà ông trời ban cho người dân ven biển. Với người dân ở An Lão, Hải Phòng, mỗi mẫu rươi (3.600 m2) có thể mang lại thu nhập từ 200 triệu đồng đến 300 triệu đồng mỗi năm.

Mùa rươi nở rộ nhất trong năm thường bắt đầu vào thời điểm từ cuối tháng 9 đến tháng 11 âm lịch. Rươi có nhiều ở một số tỉnh có biển như Thái Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương... Rươi là loại thực phẩm bổ dưỡng, chứa nhiều đạm, canxi… và chế biến được thành rất nhiều món ăn như lẩu rươi, chả rươi, rươi kho…

Con rươi trông "ghê" nhưng chứa nhiều giá trị dinh dưỡng.

Con rươi trông "ghê" nhưng chứa nhiều giá trị dinh dưỡng.

Ở An Lão, Hải Phòng, nơi có nhiều dòng nước từ các con sông lớn đổ ra biển. Ở đó tạo nên một vùng nước lợ lớn là môi trường sinh sống lý tưởng của rươi – loại hải sản mà người nơi đây vẫn gọi với cái tên đặc biệt: "lộc trời".

Nhiều người dân ở đây có kinh tế khá giả nhờ rươi. Trước đây, người dân chỉ đi vợt rươi tự nhiên nhưng hiện nay, họ đã nuôi rươi trong ruộng theo mô hình sạch để nâng cao thu nhập và cung ứng cho thị trường. Rươi không cần chăm sóc, cho ăn vì nó chỉ sinh sống tự nhiên ở môi trường sạch hoàn toàn, không bị ô nhiễm.

Ruộng rươi ở An Lão, Hải Phòng.

Nông dân sẽ tháo hết nước trong đầm ra khỏi ruộng rươi. Gần đến ngày thu hoạch, họ lại cho nước vào, rươi đủ lớn và đủ độ "chín" sẽ theo nước mà nổi lên.

Với giá rươi tầm 500.000 đồng/kg, mỗi mẫu rươi có thể mang lại thu nhập tầm 200 triệu đồng đến 300 triệu đồng cho nông dân ở vùng ven biển này.

Đầu tư vào ruộng rươi và thu hoạch rươi lúc 3 giờ sáng

Anh Nguyễn Văn Tiến, một người chuyên nuôi rươi ở An Lão, cho hay, gia đình anh có 3 mẫu rươi. Mỗi năm, anh đầu tư vào ruộng rươi khoảng 50 triệu đồng đến 60 triệu đồng, bao gồm tiền thuê máy xới đất, tiền phân vi sinh, nhân công… để tạo môi trường thuận lợi cho rươi sinh sống và phát triển, theo VTC16.

Nông dân kiểm tra rươi trước ngày thu hoạch. Con "chín" sẽ nổi lên mặt nước trong đêm hoặc sáng ngày hôm sau.

Nông dân nuôi rươi cũng thấp thỏm chờ con nước lên, vì theo anh Tiến, một trong những nguyên nhân khiến rươi không lên là do nước vào đầm chưa đủ và do gió bấc.

Trước ngày thu hoạch rươi, nông dân thường ra ruộng, xắn những lớp bùn lên để thăm xem con rươi đã “chín” chưa. Rươi chín sẽ nổi lên mặt nước, màu hơi ngả vàng. Còn con chưa chín sẽ chưa nổi lên khi nước vào, có màu hồng.

Tầm 3 giờ sáng, những người thu hoạch rươi đã có mặt tại ruộng của mình để chuẩn bị thu về loài đặc sản này.

Rươi sau khi thu hoạch.

Rươi sau khi thu hoạch.

Đỗ Lan

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/hai-loc-troi-vao-dem-nguoi-dan-ven-bien-thu-hang-tram-trieu-moi-nam-820201911153613428.htm