'Hai Lúa' NSND Thanh Nam kể thời đi hát cải lương, bán cả bao tải vé
NSND Thanh Nam tâm sự với PV Báo Giao thông về những ngày đầu sự nghiệp, khi ông gắn bó với sân khấu cải lương và cuộc sống hiện tại bên gia đình ở quê nhà Kiên Giang.
Từng làm nhân viên hậu đài, khuân vác đồ
Nhà sản xuất vừa giới thiệu NSND Thanh Nam với vai trò giám khảo chương trình "Chuông vàng vọng cổ". Ông có phải cân nhắc khi nhận lời mời này?
Trước đây, tôi từng được mời làm giám khảo một số cuộc thi cải lương, giám khảo Liên hoan cải lương toàn quốc. Tuy nhiên, với chương trình này, ban đầu, tôi cũng có thời gian suy nghĩ mới quyết định nhận lời.
Tôi từng chứng kiến có giám khảo bị chỉ trích vì kết quả. Vì vậy, khi nhận lời, tôi phải có góp ý chân thành, không để tình cảm cá nhân chi phối, làm mất đi sự công bằng.
Ngoài ra, cá nhân tôi cũng phải sắp xếp các công việc khác. Cũng may, chương trình chỉ quay 1-2 ngày/ tuần nên các lịch trình khác của tôi không bị ảnh hưởng nhiều.
Nhắc đến nhạc sĩ NSND Thanh Nam, nhiều người nhớ đến các vai kép độc trên sân khấu cải lương trong các vở "Lưu Bình - Dương Lễ", "Tô Ánh Nguyệt", "Mùa thu trên Bạch Mã Sơn"… Một câu hỏi khá cũ nhưng sẽ có rất nhiều người tò mò, rằng ông đã đến với con đường này như thế nào?
Trước giải phóng, tôi đi theo chị ruột hát trong đoàn văn công của huyện, thường đi hát ở các làng, xã... Hồi ấy không có trường lớp hay thầy cô dạy như bây giờ.
Ban đầu, tôi có biết chút ít ca vọng cổ, dần dần học từ người này một ít, người kia một ít. Nhưng cũng vất vả lắm, người ta đâu cho mình hát ngay.
Tôi làm các việc như công nhân, hậu đài, khuân vác đồ… rồi sau đó được vào các vai nhỏ như quân sĩ, dần dần mới được các vai khác. Tôi hát nhiều vai lắm, cứ vai nào không có người là tôi được vào hát.
Sau này, vì đoàn hát nhỏ, yếu nên được sáp nhập vào Đoàn cải lương Nhân dân Kiên Giang và tôi gắn bó đến giờ luôn, cũng hơn 40 năm rồi. Tôi làm phó đoàn, trưởng đoàn tại đây, làm tới ngày về hưu.
Ngày ấy, có kỷ niệm nào khiến ông nhớ mãi?
Cũng lâu rồi, nhưng bây giờ nằm nhớ lại, tôi thấy vui, biết bao kỷ niệm lại ùa về. Thời ấy, một đoàn có đến cả trăm người, bạn bè, anh em sống chung với nhau, ăn chung một nồi cơm...
Chúng tôi đi đến đâu là ngủ luôn tại đó, chứ không như bây giờ có nhà nghỉ, khách sạn. Có đợt, chúng tôi ăn, ở trên ghe, tàu 5-10 ngày. Khi hát ở đình thì ngủ ở đình, hát rạp thì ngủ ở rạp, bất kể mưa gió.
Vui nhất là được đi đây đi đó, từ Kiên Giang, chúng tôi đi Tiền Giang, Cần Thơ… đi đến đâu người dân cũng yêu thương, quý mến nghệ sĩ vô cùng. Mình không đòi hỏi hay yêu cầu, nhưng người dân thỉnh thoảng lại "dúi" cho bọc trái cây.
Hay những ngày tết, anh em hát 1 ngày đến 4 suất - sáng, trưa, chiều, tối. Bà con lại xếp hàng cho chúng tôi đồ ăn, người kho thịt, người cho bánh… Đó là những điều tôi vô cùng trân quý và sẽ không bao giờ quên.
Vui, khỏe khi U70 vẫn lái xe hơn 200km mỗi ngày để đi làm
Được đông đảo khán giả mến mộ như vậy, ông "sống khỏe" nhờ việc đi hát chứ?
Đúng là thời ấy cứ đi tới đâu là khán giả ùn ùn kéo tới đó, họ tìm đến mình để xem chứ không như bây giờ. Hồi ấy, trong rạp bao nhiêu ghế cũng bán hết. Còn sân khấu ngoài trời cũng đến 5.000-7.000 chỗ. Lúc tôi còn đi hát tuồng cải lương "Tô Ánh Nguyệt", vé còn đựng vào bao tải, đều bán hết sạch.
Bán được nhiều vé, nhưng tiền thật ra không có nhiều bởi giá vé rất thấp. Hơn nữa, tôi lại làm việc trong đơn vị nhà nước, các khoản thu được chia ra trang trải cho các hoạt động. Số tiền dư ra phải nộp về ngân sách nhà nước.
Nghệ sĩ như tôi nhận lương hàng tháng nên thu nhập không đến nỗi nghèo, nhưng không có dư, chỉ đủ ăn thôi. Sau này, những người đi diễn tự do thì mới có tiền nhiều, như chúng tôi thì không có đâu, diễn buổi nào biết xài ngày đó.
Đó là lý do ông nhận lời tham gia vào các dự án như sân khấu hài, phim ảnh và rồi cũng rất thành công với thương hiệu "Hề Thanh Nam" hay "Hai Lúa" Thanh Nam…?
Thật ra, tôi cũng không tính toán gì nhiều. Tôi nghĩ đã là nghệ thuật thì mình làm cái gì cũng được, ai mời gì cũng sẵn lòng làm việc. Hồi ấy tôi đang đi hát cải lương, hãng phim TFS có mời tôi đi đóng phim, sau đó các đơn vị khác cũng tiếp tục mời vào các vai ông già, nông dân...
Tôi cũng không biết sao họ lại mời mình, nhưng chắc người ta thấy mình được chăng(!?). Rồi tôi cũng đi tấu hài, đi hát, rồi đóng phim điện ảnh…
Đến giờ, tôi vẫn làm những công việc ấy, việc gì tôi cũng làm. Tôi thấy vui, hạnh phúc với công việc của mình.
Ông có thấy mình tham công tiếc việc không khi ở tuổi U70 mà vẫn tất bật sớm tối?
Tôi thấy bình thường. Tất nhiên, khi lớn tuổi, sức khỏe cũng hơi yếu hơn so với khi còn trẻ. Tôi hiện sống với gia đình ở Rạch Giá, Kiên Giang. Mỗi lần có phim là một mình tôi lên Sài Gòn đi làm.
Tôi thấy may mắn khi có thể một mình lái xe quãng đường hơn 200km mỗi ngày. Những ngày quay phim, 5h sáng tôi phải thức dậy để di chuyển, đến 22-23h tôi mới về, có khi đến sáng hôm sau mới về. Nhưng tôi không thấy mệt mỏi. Đợt nào quay dài, tôi thuê nhà khách của tỉnh ủy Kiên Giang để ngủ lại.
Từ trước đến giờ, tôi tự làm việc trực tiếp chứ không có quản lý hay trợ lý nào cả.
Trước đây, vợ tôi đi theo, có người nói chuyện cũng vui. Sau này có cháu ngoại và mở quán cà phê nên tôi cho vợ ở nhà quản lý công việc. Quay phim xong là tôi về Kiên Giang liền nên không có thời gian để gặp gỡ, trò chuyện với ai.
Nhiều người bảo tôi nên lên TP HCM để thuận tiện cho công việc hơn, có nhiều điều kiện hơn so với tỉnh lẻ. Nhưng tôi sống ở đó quen rồi. Từ thời cải lương còn mạnh, tôi đã đi đi về về như vậy. Tối tôi về đi hát, sáng lên Sài Gòn thu băng cát sét.
Hạnh phúc bình dị ở tuổi U70
Được biết, ngoài nghệ thuật, ông còn tất bật kinh doanh quán cà phê, tổ chức sự kiện. Phải chăng, nghệ sĩ nếu chỉ sống dựa vào cát-sê phim ảnh, đóng kịch khó mà giàu được?
Gia đình tôi có quán cà phê ở quê do bà xã quản lý. Ngoài ra, tôi còn có công ty tổ chức sự kiện, làm nhiều show truyền hình trực tiếp lớn.
Đúng là có ít nghệ sĩ giàu được từ cát sê, nhưng nói họ nghèo thì cũng không phải. Mỗi người có một mức thu nhập khác nhau, nhưng quan trọng mình biết sử dụng, trân quý đồng tiền mình làm ra thì mình sẽ trân quý công việc của mình.
Có những người không giàu có, nhưng đi đến đâu cũng được quý mến, thương yêu thì đó mới là hạnh phúc.
Ông thường xuyên nhắc đến bà xã - nghệ sĩ Y Phương ở hầu hết các cuộc gặp gỡ. Phía sau NSND Thanh Nam, nghệ sĩ Y Phương là người phụ nữ thế nào?
Tôi được thành danh, được nhiều người biết đến như ngày hôm nay là nhờ bà ấy nhiều lắm. Mặc dù bà ấy có thể không nổi tiếng, nhưng luôn chia sẻ cùng tôi từ công việc, đến cuộc sống.
Chẳng hạn khi tôi hát cải lương, bà xã đi xem, sau đó góp ý tôi nên hát thế nào, vì dù gì bà ấy cũng đi hát cải lương trước tôi.
Ngoài ra, bạn biết đấy, tính đàn ông, hồi trẻ đôi khi tôi cũng nóng tính. Nhưng nhưng có chuyện gì xảy ra, bà xã rất bình tĩnh, hiền lành và tinh tế. Tôi nhớ, có lần đi diễn mệt quá, xuống sân khấu gặp khán giả, gương mặt của tôi không mấy vui vẻ, bà xã cũng góp ý.
Trong chuyện vợ chồng, hồi trẻ tôi tính nóng, không thể tránh được những lúc va chạm. Nhưng càng gắn bó, vợ chồng càng thêm thấu hiểu và cảm thông lẫn nhau.
Chúng tôi không chỉ sống cho cá nhân mà còn để con cháu nhìn vào và học hỏi. Vợ chồng tôi luôn cố gắng để gia đình yên ấm, vui vẻ, mạnh khỏe. Còn kinh tế cũng không cần quá nhiều tiền, nhưng cũng đừng nghèo quá là được (cười).
Định nghĩa hạnh phúc của NSND Thanh Nam ở tuổi U70 là…?
Hạnh phúc của tôi ở tuổi này là còn được làm nghệ thuật. Mỗi khi xong vai diễn, được đạo diễn khen còn khỏe, đầu óc còn minh mẫn là mừng rồi.
Bên cạnh đó, hạnh phúc của tôi là gia đình. Vợ chồng tôi sống chung với vợ chồng con trai lớn và vợ chồng con gái út. Trong nhà con cháu đề huề, lúc nào cũng bình yên, vui vẻ, yêu thương nhau thì còn mong gì hơn nữa.
Ở tuổi này, tôi cũng quan trọng sức khỏe. Niềm vui của tôi là mỗi ngày được chơi với cháu, tập thể dục, quây quần ăn bữa cơm đạm bạc.
Tôi luôn cố gắng được ở gần người thân yêu của mình càng nhiều càng tốt. Bao nhiêu năm nay, tôi cứ đi, đi suốt vậy, những lúc rảnh rỗi, tôi muốn dành trọn thời gian cho gia đình. Vì, cuộc đời mỗi con người ngắn lắm.
Xin cảm ơn ông!
NSND Thanh Nam tên thật Phạm Hoàng Nam, sinh năm 1958. Ông tham gia nhiều lĩnh vực như cải lương, diễn hài, đóng phim...
Nghệ sĩ nổi danh với biệt danh Hề Thanh Nam, từng được báo Sân khấu bình chọn là Danh hài được yêu thích nhất năm 1995, 1996, đạt các giải thưởng khác tại HTV Awards...
Trên màn ảnh nhỏ, ông được nhiều người yêu mến với vai Hai Lúa chịu chơi trong bộ phim "Cuộc phiêu lưu của Hai Lúa".
Về sau, ông gắn liền với các vai diễn người nông dân Nam Bộ giản dị, chất phác như: "Chuyện tình bên dòng kênh Sáng", "Tiếng chuông trôi sông", "Người đánh trống trường", "Lấy vợ Sài Gòn", "Mua láng giềng gần", "Về quê cưới vợ", "Tay chơi miệt vườn"...
Ông được phong danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 2007, Nghệ sĩ Nhân dân năm 2019.