Hai mặt của sự phát triển kinh tế Trung Quốc trong đại dịch COVID-19
Tại Trung Quốc, COVID-19 được khống chế, nền kinh tế tăng trưởng trở lại và xuất khẩu bùng nổ, tuy nhiên còn nhiều vấn đề tồn đọng chưa được giải quyết.
Nền kinh tế Trung Quốc đã phục hồi trở lại. Theo số liệu của Cơ Quan thống kê Trung Quốc, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tháng 11 tăng 7% so với cùng kỳ năm 2019 và tổng doanh thu ngành bán lẻ tăng 5%. Những số liệu này đều trùng khớp với tính toán của các chuyên gia kinh tế thế giới.
Trung Quốc là một trong số ít những nền kinh tế trên thế giới ghi nhận tăng trưởng trong năm nay, phát ngôn viên của Cơ quan Thống kê Trung Quốc chia sẻ. Trên thực tế, các chuyên gia kinh tế ước tính tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc sẽ tăng khoảng 2%.
Khu vực các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu dự kiến khép lại năm 2020 với mức tăng trưởng giảm 8%, trong đó tăng trưởng kinh tế của Đức dự báo giảm 5% còn Mỹ giảm 4%.
Theo thống kê, việc Trung Quốc có thể tăng trưởng kinh tế bất chấp tình hình hiện tại đồng nghĩa với việc tỷ trọng đóng góp của nền kinh tế Trung Quốc vào tăng trưởng toàn cầu nhiều hơn cả trước khi đại dịch COVID-19 bùng nổ.
Nền kinh tế Trung Quốc đã đạt được những con số vô cùng khả quan, trong đó phải kể đến việc xuất khẩu tăng bùng nổ. Vào tháng 11/2020, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 21.2% so với năm trước. Các doanh nghiệp Trung Quốc kiếm lời phần lớn từ việc bán khẩu trang và quần áo bảo hộ y tế. Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhiều người phải làm việc tại nhà nên nhu cầu mua laptop, linh kiện máy tính và phương tiện thông tin liên lạc của nhãn hàng Trung Quốc cũng tăng.
Bà Alicia Garcia-Herrero, Chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Ngân hàng Natixis (Pháp) tại Hong Kong cho biết: “Các công ty Trung Quốc ngay lập tức nắm bắt cơ hội và thế chỗ những công ty xuất khẩu trên thế giới làm ăn “thất bát” do tình trạng phong tỏa toàn cầu. Vì vậy, các công ty Trung Quốc đang giành thêm được thị phần và điều này sẽ mang lại những cơ hội thực sự cho nền kinh tế Trung Quốc".
Xuất khẩu của Trung Quốc hiện đang tăng bùng nổ đến mức các công ty vận tải và các hãng chuyên chở gặp khó khăn với việc vận chuyển hàng hóa đi khắp thế giới. Các container hiện đang xếp hàng dài ở những cảng lớn của Trung Quốc như cảng Thượng Hải, cảng Quảng Châu và cảng Thiên Tân.
Thực tế, Trung Quốc, nơi virus corona mới xuất hiện lần đầu, lại đang ghi nhận tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn so với trước đại dịch đã gây ra những hậu quả về chính trị. Chuyên gia kinh tế Garcia-Herrero trong cuộc trò chuyện với Truyền hình ARD của Đức đã đề cập đến sự thù địch của các nước dành cho Trung Quốc. Thế giới hiện nay đã nhận thức rõ hơn về mối thách thức mang tên Trung Quốc.
Các chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra một khía cạnh khác liên quan đến sự tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. Sở dĩ nền kinh tế Trung Quốc hiện nay đang tăng trưởng mạnh mẽ là do chính phủ đã chi một số tiền khổng lồ từ ngân sách nhà nước, cụ thể là các lãnh đạo Trung Quốc đã đầu tư hàng tỷ euro cho việc xây dựng cầu đường, cầu cảng và khu công nghiệp mới. Ngoài ra, Trung Quốc cũng phê duyệt xây dựng hàng loạt các công trình nhà máy nhiệt điện than bất chấp các cam kết bảo vệ khí hậu.
Giáo sư Michael Pettis thuộc ngành Kinh tế tại Đại học Bắc Kinh chia sẻ: “Tất cả những giải pháp Trung Quốc đang thực hiện đều kích thích tăng trưởng GDP. Tuy nhiên cái gì cũng có hai mặt của nó. Đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến các ngành đem lại hiệu quả kinh tế cao của Trung Quốc. Tiêu dùng trong nước và đầu tư đều đang sụt giảm. Nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, lãnh đạo Đảng và nhà nước đã phải chi ngân sách cho lĩnh vực đầu tư công hiện còn đang kém hiệu quả".
Việc kích thích kinh tế bằng vốn đi vay không cải thiện các vấn đề cơ bản của Trung Quốc như tiêu dùng nội địa có mức sụt giảm lớn. Các công ty của Trung Quốc cũng tiếp tục phải đối mặt với các vấn đề về hiệu quả làm việc và phát triển bền vững.