Hai mặt đối lập của CĐV khi đội nhà thắng và thua ở World Cup

Thắng hay thua không chỉ thay đổi việc ăn mặc của người hâm mộ, mà còn quyết định cả cách cổ động viên nói về đội bóng yêu thích.

Người hâm mộ thể thao, đặc biệt là tại World Cup, sử dụng quần áo, màu sắc để thể hiện bản sắc đội bóng yêu thích. Nhưng đó không chỉ là câu chuyện thời trang.

Các nhà nghiên cứu cho biết lòng tự trọng và cảm giác thân thuộc của người hâm mộ cũng gắn liền với đội bóng. Cổ động viên có thể không đóng góp trực tiếp vào kết quả trận đấu, nhưng họ cảm thấy mỗi trận thắng và thua gắn liền với chính mình, theo The Washington Post.

Nếu đội nhà chiến thắng, người hâm mộ sẽ mặc trang phục có màu sắc đặc trưng của đội bóng vào ngày hôm sau và khoe khoang về cách "chúng tôi" đã giành chiến thắng như thế nào, một nhà nghiên cứu gọi đây là hành vi "đắm mình trong hào quang phản chiếu" hay "BIRGing".

Nhưng nếu các cầu thủ thua trận, fan nhiều khả năng cởi bỏ áo đấu và nói về việc "họ" (đội bóng) đã thể hiện không tốt, từ đó "loại bỏ thất bại được phản ánh" hoặc "CORFing".

Jonathan Jensen, phó giáo sư quản lý thể thao tại Đại học North Carolina ở Chapel Hill (Mỹ), cho biết: "Tất cả hành vi này có mối liên hệ với nhau và đều liên quan đến lòng tự trọng".

Trang phục

Một nghiên cứu năm 1976 lần đầu tiên đề cập đến khái niệm "BIRGing" và "CORFing".

Gần 40 năm sau, Jensen và các đồng nghiệp đã tìm cách chứng minh lại nghiên cứu này. Nhóm đã quan sát trang phục đến lớp của hơn 200 sinh viên trong suốt mùa giải bóng đá của các trường đại học.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng nếu đội bóng của một sinh viên thắng trận đấu, thì khả năng người này mặc trang phục của đội đến lớp vào hôm sau sẽ tăng gấp đôi.

 CĐV Nhật Bản khóc sau khi đội nhà bị loại tại World Cup 2018.

CĐV Nhật Bản khóc sau khi đội nhà bị loại tại World Cup 2018.

Chiến thắng cũng làm khả năng sinh viên mặc nhiều hơn hai món đồ mang nhãn hiệu của đội bóng tăng lên gấp 3 lần. Hiệu ứng "BIRGing" này sẽ giảm dần qua từng ngày sau đó.

Ngược lại, một trận thua làm giảm tỷ lệ mặc trang phục của đội bóng xuống một nửa và giảm hơn 70% tỷ lệ mặc hai hoặc nhiều món đồ liên quan đến các cầu thủ.

Jensen cho biết những phát hiện này phù hợp với nghiên cứu ban đầu. Người hâm mộ thể thao "chọn mặc trang phục để thông báo với mọi người rằng họ đang liên kết với đội nào và việc làm này có thể nâng cao niềm tự hào của chính họ".

Thái độ

Thắng hay thua không chỉ thay đổi cách ăn mặc của người hâm mộ, mà còn quyết định cách cổ động viên nói về mối quan hệ của mình với đội bóng.

Trong một nghiên cứu, Andrew Billings, Giám đốc điều hành truyền thông thể thao tại Đại học Alabama, và các đồng nghiệp đã sử dụng học máy (machine learning) để phân tích hơn 7.000 bài đăng có gắn vị trí trong các trận đấu tại World Cup 2018.

Nhóm phát hiện ra rằng cổ động viên Anh có xu hướng đắm chìm trong vinh quang được phản chiếu (hiệu ứng "BIRGing") khi "Tam sư" dẫn đầu hoặc chiến thắng. Lúc này, người hâm mộ thường xuyên sử dụng các từ như "we", "us" và "our" để thể hiện sự gắn kết của bản thân với đội bóng.

 CĐV Brazil thất vọng khi đội nhà thua đậm 1-7 trước tuyển Đức trong trận bán kết World Cup 2014.

CĐV Brazil thất vọng khi đội nhà thua đậm 1-7 trước tuyển Đức trong trận bán kết World Cup 2014.

Ngược lại, nhóm cổ động viên lại thường sử dụng các từ như "they", "them" và "their" khi đội tuyển Anh bị dẫn trước hoặc thua cuộc.

Điều thú vị là cổ động viên Anh vẫn cho thấy hiệu ứng "BIRGing" khi đội nhà cuối cùng bị Croatia đánh bại, có lẽ vì các tuyển thủ vẫn lọt vào bán kết, một thành tích khá tốt của "Tam sư" tại World Cup.

"Những điều này cho thấy cách thể thao trở thành phương tiện giúp con người cảm thấy mình là một phần, một thành viên của nhóm, cộng đồng nào đó", Billings nhận định.

Sinh lý

Những trận đấu bóng đá còn có thể ảnh hưởng đến sinh lý của người hâm mộ.

Các nhà nghiên cứu đã thu thập nước bọt của 21 cổ động viên nam xem trận đấu giữa Brazil và Italy tại World Cup 1994 để đo lượng testosterone của họ trước và sau trận đấu.

Sau khi tuyển Brazil giành chiến thắng trên chấm phạt đền, lượng testosterone của các cổ động viên "Selecao" tăng lên, trong khi lượng testosterone ở các cổ động viên Italy giảm đi.

Tuy nhiên, không phải trong bất kỳ trường hợp chiến thắng nào của đội nhà, các cổ động viên cũng cho thấy hiệu ứng "BIRGing", đặc biệt là các trường hợp giành thắng lợi bất ngờ.

 Đội tuyển Argentina ăn mừng chiến thắng cùng cổ động viên tại World Cup 2022.

Đội tuyển Argentina ăn mừng chiến thắng cùng cổ động viên tại World Cup 2022.

Jensen nói: "Bạn có thể chần chừ một chút, bởi vì biết rằng còn có những trận đấu tiếp theo mà đội của mình bị đánh giá yếu hơn và nhiều khả năng sẽ thua cuộc".

Trong tình huống này, cổ động viên có thể quyết định kìm hãm sự nhiệt tình như một cách để giảm nhẹ cảm giác thất vọng có thể xảy đến trong tương lai.

Ví dụ điển hình là đội tuyển bóng đá nam của Mỹ. Bóng đá không phải là môn thể thao được yêu thích hay gây chú ý số một tại xứ cờ hoa. Vì vậy, khán giả không quá ấn tượng khi đội nhà cầm hòa tuyển Anh tại World Cup 2022.

Theo Andrew Billings thuộc Đại học Alabama, nhìn chung sự liên kết của người hâm mộ trong thể thao có xu hướng tăng khi các mối liên kết khác trong xã hội như âm nhạc, văn hóa đại chúng dần bị chia cắt.

"Chúng ta đã nghe nói về những người bỏ cả đám cưới của con cái để đến xem trận bóng đá ở Alabama. Tuy nhiên, sẽ luôn có những bất lợi khi quá phụ thuộc vào một điều gì đó. Đặt hết tâm trí vào bóng đá có nghĩa là bạn đang để những thứ mình không thể kiểm soát được như cầu thủ, đội bóng, vận may chi phối cảm xúc cá nhân", Billings giải thích.

Lê Vy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hai-mat-doi-lap-cua-cdv-khi-doi-nha-thang-va-thua-o-world-cup-post1385282.html