Hai mẹ con bị chém hơn 20 nhát rìu, nụ cười khẩy ám ảnh của gã sát nhân xin được chết tại tòa và bi kịch gia đình đáng suy ngẫm
Vụ án mạng dã man khiến hai mẹ con chết thảm không chỉ gây ra sự kinh hoàng sợ hãi cho mọi người mà còn để lại nhiều day dứt khi chân dung và cuộc đời của tên hung thủ lộ diện.
"Mẹ đừng quan tâm con nữa. Mẹ sống khổ đủ rồi".
Đó là lời nói cuối cùng mà tên tử tù Mã Kim Khố dành để an ủi mẹ hắn sau khi nhận phán quyết dành cho tội ác đã gây ra trước đó.
Năm 2012, Mã Kim Khố, khi đó chỉ mới 18 tuổi. Ở độ tuổi thanh xuân đẹp đẽ, khi bạn bè cùng trang lứa được đi học, được tận hưởng cuộc sống một cách vui vẻ nhất thì Mã Kim Khố đã dùng rìu sát hại hai mẹ con nọ một cách dã man.
Tuổi thơ của một người sẽ ảnh hưởng thế nào đến tính cách của họ khi lớn lên? Một nhà tâm lý từng cho biết mọi người thường quên đi những trải nghiệm thời thơ ấu, tuy nhiên ký ức này không hề mất đi mà chỉ lẩn trốn đâu đó trong tiềm thức và mang đến những ảnh hưởng vô hình, tạo ra tính cách và số phận của mỗi người.
Lần theo nguồn gốc trở về ngày Mã Kim Khố còn nhỏ, tất cả bi kịch này dường như không phải là điều ngẫu nhiên mà nó có sự liên quan mật thiết đến những việc mà hắn ta phải trải qua. Sự tổn thương tâm lý sâu sắc ngay từ nhỏ đã gây ảnh hưởng đến hành vi và chuẩn mực đạo đức của Mã Kim Khố.
Mã Kim Khố sinh năm 1991 ở Hắc Long Giang, Trung Quốc. Không giống những đứa trẻ hạnh phúc khác, sự chào đời của Mã Kim Khố lại khiến cho mối quan hệ giữa bố mẹ hắn ngày một tệ hơn.
Bố hắn là một gã nghiện bài bạc, không lo tu chí làm ăn. Vì không thể chịu nổi hoàn cảnh sống khổ sở, mẹ hắn, bà Phàn Thủ Lệ, đã quyết định ly hôn. Mã Kim Khố sau đó được giao cho bố nuôi dưỡng.
Không lâu sau, bố hắn tái hôn. Người mẹ kế dĩ nhiên không thể ưa được Mã Kim Khố. Bà ta thường xuyên lợi dụng lúc chồng đi đánh bài để ra tay hành hạ, đánh đập đứa con riêng của chồng. Trong ký ức của Mã Kim Khố, có khi hai ba ngày liền hắn bị đánh, bỏ đói, bị nhốt vào phòng tối.
Năm 1995, Mã Kim Khố 4 tuổi, bố hắn vì lỡ tay giết chết bạn chơi bài nên bị phán tội tử hình. Đứa trẻ không ai mong muốn tiếp tục bị dòng đời xô đẩy đến trầy trật.
Suốt 2 năm sau đó ở cùng mẹ kế, bà ta luôn trút hết bất mãn lên đầu Mã Kim Khố. Cái gai trong mắt này không chỉ là gánh nặng mà còn khiến cho bà ta nhớ đến chồng cũ, càng nhìn càng khó chịu. Hậu quả của những trận đòn thừa sống thiếu chết khiến Mã Kim Khố bị chấn thương màng nhĩ, hai tai gần như không nghe thấy gì.
Năm Mã Kim Khố 6 tuổi, mẹ kế quyết định trả hắn về cho mẹ ruột vì không thể chịu đựng nổi. Bà Phàn Thủ Lệ nhìn thấy đứa con trai gầy gò trơ xương và đen nhẻm mà lòng đau đớn không tả xiết.
Lúc này Phàn Thủ Lệ cũng đã đi thêm bước nữa. Việc bà đưa con trai về nuôi dưỡng, chăm sóc lại khiến cho quan hệ hôn nhân với người chồng sau đi đến bờ sụp đổ. Tuy nhiên bà Phàn vẫn luôn nuôi hy vọng có thể nuôi dạy Mã Kim Khố trở thành một người tốt.
Thực tế thành tích học tập của Mã Kim Khố ở trường không hề tệ nhưng do tai có vấn đề và tâm lý tự ti khiến cho hắn ta luôn bị bạn bè cô lập, ức hiếp.
Ở nhà, Mã Kim Khố cũng phải gánh chịu sự hành hạ của bố dượng. Trải qua một thời gian dài sống trong sự bạo hành và những cuộc cãi vã liên tiếp trong gia đình. Bên cạnh đó, sự ra đời của em gái càng khiến Mã Kim Khố cảm thấy mình là người thừa thải và gánh nặng của mẹ.
Mã Kim Khố quyết định bỏ học để giải thoát cho mẹ hắn.
Năm 2009, bà Phàn Thủ Lệ vì con trai nên quyết tâm ly hôn với chồng, sau đó hai mẹ con dọn đến Bắc Kinh làm lại cuộc đời. Không lâu sau, bà Phàn Thủ Lệ lại tiến thêm bước nữa với người đàn ông khác.
Chính vì lý do này, niềm an ủi lớn nhất của hắn chính là cô bạn gái mà hắn quen từ thời đi học. Vì cô gái này, hắn từng thổ lộ rằng có thể "đánh đổi tất cả, kể cả bản thân mình". Vì tình yêu dành cho cô gái, hắn mong muốn kiếm được nhiều tiền hơn, thậm chí từng đi vay mượn khắp nơi để lấy vốn cho bạn gái mở cửa hàng buôn bán. Đáng tiếc sau hơn 4 năm yêu nhau, tình yêu lớn nhất của đời Mã Kim Khố đã đi đến hồi kết vì cô gái không tìm thấy tương lai ở hắn ta.
Thời điểm này, Mã Kim Khố đang làm nhân viên bốc vác cho một công ty thương mại ở Triều Dương. Đầu tháng 5/2011, Mã nhận được tháng lương đầu tiên và hồ hởi về nhà khoe mẹ.
Bà Phàn Thủ Lệ mừng rơi nước mắt, nghĩ rằng con trai cuối cùng đã trưởng thành. Nhưng không ai ngờ, chỉ hơn chục ngày sau, bà Phàn suýt ngất trước tin tức nói rằng, Mã Kim Khố đã sát hại 2 mạng người một cách dã man.
Ngày 22/5/2011, Mã Kim Khố muốn nghỉ ngơi nhưng ông chủ bắt hắn dậy dỡ hàng sớm lúc 6 giờ sáng. Mã Kim Khố ấm ức, tức giận nên đã lén bỏ khoảng 30 viên thuốc ngủ vào nồi cháo của các công nhân để họ không cần phải làm việc nữa. Vào ngày này, ông chủ và nhiều nhân viên công ty đã xuất hiện những triệu chứng khó chịu và phải đến bệnh viện điều trị.
Đêm hôm đó, Mã Kim Khố mệt mỏi định về đi ngủ nhưng con dâu của ông chủ tiếp tục yêu cầu hắn sửa đèn và giúp cô trông đứa con trai 2 tuổi.
Cô ta nói rằng Mã Kim Khố là nhân viên nên việc gì cũng phải làm. Hai người sau đó đã xảy ra tranh cãi dữ dội. Trong lúc cãi nhau, Mã Kim Khố đã vớ luôn chiếc rìu ở gần đó chém chết hai mẹ con trong sự phẫn nộ tột cùng với hơn 20 nhát.
Sau khi giết người, hắn đã đến văn phòng trộm tiền rồi rời khỏi hiện trường, dự định quay về gặp mẹ nhưng đã bị cảnh sát bắt giữ ngay ngày hôm sau.
Trong phiên xét xử vào tháng 3/2012, chồng và gia đình của nạn nhân đã quỳ xuống khóc nức nở, yêu cầu tòa phải kết tội tử hình đối với kẻ sát nhân máu lạnh.
Suốt quá trình xét xử, Mã Kim Khố không hề tỏ ra hối hận, cũng không nói một lời xin lỗi với nạn nhân hay gia đình. Trên mặt hắn chỉ có một nụ cười ngạo nghễ và ánh mắt tràn đầy sự khinh miệt đối với xã hội, với cuộc sống hiện tại.
"Tôi mong tòa phán cho tôi tội tử hình càng sớm càng tốt. Xin cám ơn!", Mã Kim Khố nói lời cuối cùng trước lúc nhận bản án.
Ngày 11/3, tòa án nhân dân trung cấp số hai của Bắc Kinh đã đưa ra phán quyết. Mã Kim Khố bị kết án tử hình với 2 năm tù treo, bị tước quyền chính trị suốt đời. Bản án khiến nụ cười trên mặt hắn vụt tắt. Mã Kim Khố không muốn sống thấp thỏm và cũng không muốn sống cả đời ở trong tù.
Tháng 10/2016, mức án phạt của Mã Kim Khố được giảm xuống còn tù chung thân.