Hai mẹ con Đồng Nai lạc nhau 51 năm dù ở sát bên
Mẹ ở huyện Long Khánh, con ở huyện Long Thành (Đồng Nai). Hai huyện này sát nhau vậy mà hơn 51 năm qua, họ phải mòn mỏi đi tìm nhau.
Cậu bé 6 tuổi lang thang đi tìm mẹ
Năm 1957, vợ chồng bà Võ Thị Kim Thanh (hiện 91 tuổi) từ quê vào Sài Gòn rồi sinh lần lượt 4 con trai, 1 con gái. Năm 1969, nghe tin chồng mất tích, bà Thanh quyết định mang 4 con trai đến Làng cô nhi Long Thành (Đồng Nai) rồi bế con gái út mới sinh đi tìm chồng.
Anh Hồ Văn Sơn (tên lúc nhỏ là Phạm Đình Phong, tên gọi ở nhà là bé Sáu) khi đó 6 tuổi nghe mẹ nói dẫn đến Làng cô nhi Long Thành chơi thì rất thích. “Mẹ nói tôi đến đó chơi. Tôi nghe đi chơi nên thích chứ không biết gì cả.
Sau khi xuống xe, mẹ đưa tôi đi qua một con đường đất đỏ khá dài, hai bên không có cây cối, nhà cửa (Con đường này nay là QL 51, thuộc địa phận Long Thành, Đồng Nai). Đến nơi, mẹ nói tôi chờ để mẹ ra ngoài một lát rồi vào”, anh Sơn nhớ lại.
Chơi được một lúc không thấy mẹ đâu, Sơn hoảng hốt tìm kiếm. “Tôi chờ mẹ mấy tiếng đồng hồ mà không thấy mẹ đến đón về. Tôi khóc, định chạy đi tìm mẹ thì bị người ở làng giữ lại”, anh Sơn kể.
Ở chỗ gửi được vài ngày, anh Sơn bỏ trốn đi tìm mẹ giữa đêm tối, trời mưa tầm tã. Bộ quần áo mang trên người ướt sũng, anh lạnh cóng, bụng đói nhưng vẫn lang thang các ngả đường, chỉ mong về nhà với mẹ.
“Hồi đó, tôi nghĩ mình cứ đi thì sẽ tìm được đường về nhà. Nhưng tôi đã bị lạc”, anh Sơn kể, giọng hối hận.
Vừa về đến nhà, bà Thanh nghe tin con trai mất tích nên vội vàng cùng với một vài người trong Làng cô nhi Long Thành đi tìm con trai nhưng không thấy. Sợ mất thêm con, bà quyết định đón những người con còn lại về, đồng nghĩa với việc bà phải từ bỏ việc tìm chồng.
“Năm đó, bốn tai họa liên tục ập đến với tôi. Hết chồng con mất tích đến nhà cháy, con gái út mới sinh bị suy dinh dưỡng”, người mẹ sinh năm 1939 nhớ lại.
Một năm sau, bà đưa bốn con rời Sài Gòn đến vùng khai hoang Long Khánh, Đồng Nai ở, làm đủ việc nuôi con. Nhiều người thấy bà một mình nuôi bốn con nhỏ vất vả, khuyên nên cho đi một con hoặc cho các con đi ở đợ nhưng người mẹ ấy không chịu. “Có phải đi xin ăn tôi cũng không cho con”, bà nói.
Mẹ con tìm nhau hơn 51 năm
Về phía Sơn, anh may mắn được một gia đình phát hiện, nhận nuôi. Những năm sau đó, anh đi chăn bò thuê, ở đợ kiếm sống. Những ký ức về gia đình lúc 6 tuổi anh Sơn không bao giờ quên.
“Mẹ không chỉ gửi tôi mà còn gửi 3 anh trai nữa. Cách vài ngày khi mẹ đưa anh em chúng tôi đi gửi, anh Hai có nói với tôi: “Ba chết rồi”. Hôm đưa chúng tôi đến Làng cô nhi Long Thành, mẹ có bế em gái út mới sinh trên tay”, anh Sơn nhớ lại.
Đến tuổi trường thành, anh Sơn lấy vợ, sinh con nhưng cứ đi làm có tiền là anh đi tìm mẹ. “Tôi chỉ mong được gặp mẹ một lần. Trường hợp mẹ đã mất rồi, tôi cũng mong tìm được để thắp cho mẹ nén nhang”, nước mắt anh Sơn rưng rưng.
Chính vì khát khao tìm được gia đình, hơn 51 năm qua, anh Sơn chỉ sống xung quanh khu vực Làng cô nhi Long Thành ngày trước. Anh cũng đến Trại giáo dưỡng Xuân An (Đồng Nai), làm quen với một số người đang làm việc ở đây để thỉnh thoảng ghé qua hỏi, có ai đến tìm mình không.
Ở Long Khánh, bà Thanh cũng đi tìm con trai khắp nơi. Lo sợ con trai bị bắt cóc, bà lần đến từng hang ổ bắt trẻ con đi ăn xin tìm kiếm con nhưng không được.
"Gặp được con rồi, tôi chết cũng được"
Nhà báo Thu Uyên, MC Chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly cho biết, mấy năm trước, cả anh Sơn và bà Thanh cùng gửi thư đến ban tổ chức nhờ tìm người thân giúp. Trong đó, anh Sơn đã hai lần gửi thư cho chương trình, tha thiết mong tìm mẹ, các anh chị em ruột.
Tuy nhiên, khi đội tìm kiếm người của chương trình chỉ còn mấy tiếng nữa sẽ khởi hành đến Long Thành tìm anh Sơn thì nhận được tin nhắn xin dừng cuộc tìm kiếm gia đình của anh.
“Người đàn ông đã tha thiết tìm lại mẹ, anh em sao phút chót lại từ bỏ, chúng tôi có thể giúp gì được cho anh?” nhà báo Thu Uyên và đội tìm kiếm người đặt câu hỏi.
Cuối cùng, đội tìm kiếm của chương trình xuống tận địa chỉ anh Sơn cung cấp tìm anh. Được sự giúp đỡ của người dân địa phương, đội tìm kiếm cũng thấy được anh Sơn tại một đại lý vé số ở huyện Long Thành.
Gặp người của Chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly, trên tay anh Sơn đang cầm xấp vé số, mặt buồn bã. Anh kể, anh vay người ta mấy chục triệu đồng nhưng lãi cứ đội lên. Vợ con thì bỏ đi. Không có tiền trả nợ, sợ người ta tìm đến anh phải bỏ trốn.
“Chúng tôi thuyết phục sau đó đưa anh ấy đi gặp một người từng ở Làng cô nhi Long Thành và biết rõ câu chuyện của anh”, nhà báo Thu Uyên kể. Sau khi nghe đầy đủ câu chuyện cũ về mình, anh Sơn mới chấp nhận tiếp tục nuôi hi vọng tìm lại gia đình.
Ngày 4/1 vừa qua, sau khi kết quả xét nghiệm ADN của bà Thanh và anh Sơn có cùng huyết thống, nhà báo Thu Uyên và ban tổ chức tạo điều kiện cho hai mẹ con họ gặp nhau.
Vì tuổi cao, đi lại khó khăn bà Thanh được các con đưa đến trường quay khá sớm. Hôm đó, anh Sơn nghỉ bán vé số một ngày để đến TP.HCM gặp người thân.
Ngồi trong phòng chờ, nghe anh Sơn kể chuyện về mình, nước mắt bà Thanh và những người con đi cùng rưng rưng. Người mẹ ấy còn cho biết, mấy chục năm qua chưa bao giờ bà thôi nuôi hi vọng được gặp lại bé Sáu. Bà đi hết các ngôi chùa lớn, nhỏ ở khu vực Long Khánh, Long Thành vì nghĩ biết đâu con mình được các sư cưu mang.
“Khi nghe chương trình báo đã tìm thấy thằng Sáu rồi tôi đi đứng bình thường nhưng mong gặp con nên ngủ không được. Mấy đứa con tôi cũng không ngủ được.
Hôm nhận được tin báo lên gặp con, tôi sợ tôi đi không nổi. Tôi cứ niệm Phật cho tôi đi đến nơi rồi về chết cũng được”, bà Thanh kể, giọng hạnh phúc.
Giây phút được gặp nhau sau hơn 51 năm xa cách, mẹ con họ ôm nhau thật chặt. Bà Thanh nói với con: “Về với mẹ con nhé. Mấy anh em con có làm tiệc ăn mừng ở nhà rồi. Chị dâu con còn làm gà, nấu nồi cháo chờ con về nữa. Bà con lối xóm, nghe mẹ tìm được con, họ mừng lắm”.
Nắm bàn tay nhăn nheo vì tuổi già của mẹ, anh Sơn đáp: “Dạ mẹ”. Nhìn hai mẹ con họ ai chứng kiến cũng thật xúc động.