'Hai muối' - Hồng Vân, Quyền Linh ăn ý nhưng giống phim truyền hình
Sự gần gũi, mộc mạc cùng màn hóa thân duyên dáng của Hồng Vân giúp 'Hai Muối' tạo thiện cảm. Song, tác phẩm còn nhiều hạn chế vì kịch bản có lối kể như phim truyền hình.
Genre: Gia đình, Tâm lý
Director: Vũ Thành Vinh
Cast: Hồng Vân, Quyền Linh, Huỳnh Bảo Ngọc...
Rating: 5.5/10
*Lưu ý: Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim
Hai Muối đánh dấu màn tái xuất của Quyền Linh sau 2 thập kỷ vắng bóng màn bạc. Tác phẩm chính thức công chiếu từ 30/8, tạo nên cuộc song đấu đáng mong chờ cùng Làm giàu với ma trong dịp lễ Quốc khánh năm nay. Trước đó vài ngày, phim đã có buổi chiếu đặc biệt dành cho báo giới.
Quyền Linh tâm sự nhận lời trở lại do đây là dự án điện ảnh đầu tay của Vũ Thành Vinh - bạn học cũ của anh. Hơn thế nữa, nam diễn viên nhận thấy kịch bản Hai Muối có một vài điểm tương đồng với cuộc đời mình.
Câu chuyện “nước mắt chảy xuôi"
Được coi như “át chủ bài” trong Hai Muối, Quyền Linh hóa thân ông Hai, diêm dân tuổi trung niên một mình nuôi con tại ấp đảo Thiềng Liềng (Cần Giờ, TP.HCM). Con gái ông tên Mai Ánh Linh (Bảo Ngọc), ở nhà được gọi với cái tên thân thương là Muối.
Đến tuổi trưởng thành, Muối lên thành phố học tập. Hành trang của cô là xấp tiền ông Hai đã dành dụm, cùng chiếc túi nhỏ đựng đầy muối trắng - “món quà ân tình” của quê hương đã nuôi lớn cô. Tiếp xúc với phố thị nhộn nhịp, những suy nghĩ trong Muối dần thay đổi. Ôm mộng đổi đời, cô tham gia một cuộc thi sắc đẹp, manh nha ý định đặt chân vào showbiz phù hoa.
Thuộc thể loại tâm lý/gia đình, đứa con tinh thần của Vũ Thành Vinh kể câu chuyện “nước mắt chảy xuôi”, “cá chuối đắm đuối vì con” đã quen thuộc. Xung đột, mâu thuẫn chính giữa các nhân vật cũng không nằm ngoài motif thường thấy của dòng phim này: khoảng cách và góc nhìn thế hệ.
Ông Hai là hình mẫu đại diện của bậc sinh thành, không ngại khó, ngại khổ, sẵn sàng hy sinh để dành mọi điều tốt đẹp nhất cho con. Trong khi Muối thuộc thế hệ những bạn trẻ nhiệt huyết, luôn cố gắng chứng minh bản thân mình trong mắt ba mẹ. Cả hai vì góc nhìn thế hệ mà chưa tìm được tiếng nói chung. Và cuối cùng, sau những biến cố, mất mát, giá trị tình thân lên ngôi, người với người tìm thấy sự đồng cảm.
Hai Muối, ngay từ tựa phim, đã nói lên một phần chân dung cuộc sống nhân vật. Ông Hai bán mặt cho đất, bán lưng cho trời để làm ra những hạt muối trắng tinh khôi, mà theo lời con gái, đôi mắt ông ngày càng khép lại cho ước mơ của cô ngày càng lớn lên.
Cuộc sống diêm dân được tái hiện sinh động và dung dị, cho thấy sự quan sát của đạo diễn. Những phận người đã họa nên bức tranh đời sống vất vả, lắm nỗi lo toan nhưng ấm áp tình người. Có một vài khoảnh khắc, khán giả được hòa mình vào cuộc sống lao động với nhiều xúc cảm thăng trầm của người làm muối, là nỗi sầu muộn khi bị thương lái ép giá, là nỗi sợ những cơn mưa rào bất chợt mùa hạ, là nụ cười phấn khởi khi hay tin giá muối đã lên...
Màn thể hiện của Quyền Linh trong vai người cha tảo tần tạo được thiện cảm. Anh hóa thân tự nhiên, giản dị và “đời”, giúp nhân vật trở nên gần gũi. Thế nhưng, điểm sáng diễn xuất thực sự của Hai Muối lại là Hồng Vân, trong vai bà Tư - người đàn bà bán cá “mặn hơn cả muối” sống gần nhà ông Hai.
Nữ diễn viên chiếm trọn cảm tình với sự hài hước, duyên dáng từ biểu cảm tới thoại. Vai diễn của Hồng Vân cũng là một trong số nhân vật thú vị nhất phim, khi mối quan hệ giữa bà Tư và ông Hai là điểm nhấn, giúp câu chuyện Hai Muối thêm phần dí dỏm, nhiều màu sắc.
Giống phim truyền hình
Nếu nửa đầu Hai Muối là chuyến trải nghiệm êm đềm dưới lăng kính “slice of life” (lát cắt cuộc sống), thì nửa sau lại chuyển hẳn sang thể loại drama, kể từ khoảnh khắc Muối tiếp xúc với hào quang showbiz. Song, lối dẫn chuyện kém mượt mà, cùng câu chuyện đã quá cũ kỹ khiến chuyện phim dần trở nên nhàm chán.
Không đảm bảo được tính phát triển của kịch bản điện ảnh, hai hồi sau của Hai Muối bỗng hóa lê thê với những tình tiết drama câu nước mắt sến sẩm. Câu chuyện góc khuất showbiz tỏ ra lỗi thời trong góc nhìn về giới giải trí, quanh quẩn việc bán thân mua danh vọng, đánh ghen hay trả đũa vì ganh ghét... Người xem có cảm giác đang chứng kiến một bộ phim truyền hình 2 thập kỷ trước với những tình tiết cũ kỹ, lại rập khuôn và nặng tính sắp đặt tới khó tin.
Phim dần sa đà vào kể lể, đánh mất sự tự nhiên đã tạo dựng được ở hồi đầu tiên.
Thông thường, với thể loại tâm lý, sợi chỉ xâu chuỗi tác phẩm không phải những drama xô lệch trên bề mặt, mà là tâm tư nhân vật ẩn sau các sự kiện ấy. Xét trên khía cạnh này, biên kịch Hai Muối cho thấy sự non tay trong việc xây đắp hành trình phát triển của nhân vật và chuỗi tình tiết. Cao trào phim, cũng bởi vậy mà đuối sức, thiếu thuyết phục khi chỉ để nhân vật tranh luận theo kiểu “muối nuôi lớn mày đó” hay “tại sao cha không chịu hiểu cho con”...
Tính “truyền hình” của Hai Muối còn thể hiện ở việc thường xuyên để lời thoại dẫn dắt câu chuyện và hành động. “Vị mặn của muối hằn sâu vào cuộc đời ba” hay như “Ba vừa là ba, là mẹ, là ánh sáng ấm áp của cuộc đời em”... Tình cảm con gái dành cho ba không nhất thiết phải thể hiện qua cả đoạn trả lời ứng xử dài dòng và đầy tính văn mẫu như thế. Mặt khác, nỗi vất vả của diêm dân đã được khắc họa sinh động ở nửa đầu phim. Việc lạm dụng kể lể ở hồi sau chỉ làm người xem cảm thấy mệt mỏi.
Chỉ cần chứng kiến ông Hai dầm mưa, tất tả ngược xuôi để rồi ánh mắt thất thần nhìn thửa muối bị mưa gió làm hư hại đã đủ làm người xem cảm nhận được nỗi khổ của nhân vật, mà chẳng cần bất cứ lời thoại nào diễn giải.
Sự gần gũi, mộc mạc giúp Hai Muối tạo thiện cảm, nhưng khó che lấp được hành trình phát triển của nhân vật còn nhiều hạn chế. Ở trung tâm tác phẩm, ông Hai hiện lên như “bụt giữa đời thường”. Nhân vật chịu mọi gian khổ, chạy vạy đủ tiền giúp Muối lên đại học vì theo ông “hạnh phúc của ba mẹ là lo được cho con cái”.
Có một ông Hai với nước da nâu sạm, quần áo đẫm mồ hôi trên thửa muối trắng tinh khiến người xem xúc động. Cũng có một ông Hai "lúa" tới mức thấy son đỏ trên môi bà Tư lại tưởng rằng bà vừa bị ai đánh tới chảy máu.
Thế nhưng, diễn biến tâm lý của nhân vật lại có phần “nghèo nàn”, thiếu đi sự đấu tranh cần thiết. Ông dù bị phá trong lúc làm việc vẫn lên tiếng bênh vực kẻ gây chuyện, bị kẻ đi ngược chiều xô ngã chấn thương, muối vương khắp nơi vẫn im lặng mà bỏ qua. Hình ảnh một bậc sinh thành hiền hậu, thương con không nhất thiết phải hiện lên khép nép như vậy.
Trong Mother của điện ảnh Hàn Quốc, người mẹ đã quyết tâm chống lại cả thế giới vì con. Cũng có một người mẹ trong Pietà bởi tình mẫu tử mà hạ quyết tâm hủy diệt một cuộc đời. Với The Pursuit of Happyness, người cha vì con nhỏ mà kìm nén sự mệt mỏi xuống tận cùng, không khoan nhượng trước mọi thử thách. Hay trong In the Bedroom, có một người cha nếm trải tuyệt vọng và chấp nhận vượt qua giới hạn để tìm công lý cho con...
Điểm chung của họ là sự đấu tranh, từ suy nghĩ tới hành động, khi sự hiện diện của con cái mang đến động lực sống và phát triển mạnh mẽ cho nhân vật. Để rồi khi chứng kiến họ chạm tới hạnh phúc, cảm xúc của người xem bùng nổ.
Điều này, Hai Muối chưa thể hiện rõ.