Hai năm sau thảm kịch sạt lở, người dân Phước Đồng vẫn đang mong có chỗ ở an toàn
Hai năm trước, xóm Núi và xóm Mũi từng xảy ra sạt lở núi kinh hoàng làm 12 người chết, 100 căn nhà đổ sập. Sớm được giải tỏa, định cư tại nơi ở mới an toàn đang là ước mơ của nhiều hộ dân nơi đây.
Hiện nay, thời tiết tại tỉnh Khánh Hòa liên tục có mưa lớn, kéo dài, nhiều người dân ở xã Phước Đồng không dám ở trong nhà vì sợ sạt lở, uy hiếp tính mạng.
Xóm Núi và Xóm Mũi nằm bên sườn núi Hòn Rớ, xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang là 2 khu dân cư được hình thành tự phát khoảng gần 20 năm nay. Bà con sinh sống trong các căn nhà được xây dựng tạm, diện tích nhỏ, hẹp từ 20-40m2, các căn nhà chênh vênh bên sườn núi. Giữa các căn nhà là lối đi nhỏ, chỉ rộng khoảng 1m, dây điện loằng ngoằng. Người dân nơi đây có nhiều điểm giống nhau. Đó là nhà cửa tạm bợ, đất đai không có giấy tờ, chủ yếu làm thuê liên quan đến nghề biển…
Sau trận mưa, lũ, sạt lở kinh hoàng 2 năm trước, khi đến mùa mưa lũ, các hộ dân nơi đây nơm nớp nỗi lo sạt lở vùi lấp. Mỗi lần mưa lớn, người già, trẻ con đều phải đi lánh nạn nơi khác đề phòng sạt lở, sập nhà.
Bà Lê Thị Giấy, ở xóm Núi, thôn Thành Phát, xã Phước Đồng cho biết: "Thấy mưa to là dắt con đi chứ không dám ở nhà. Nhà ở ngay bờ suối, trước kia đã sập chết người nên giờ sợ. Đá đất đổ xuống cứ đùng đùng vậy, nửa tiếng đồng hồ là nó sập. Dân làng chạy không kịp. Tại vì mình khổ mình không có tiền đi mua đất chỗ khác ở, mưa gió thì mình dắt con mình chạy trốn, hết mưa rồi mình về".
Xã Phước Đồng chỉ cách trung tâm thành phố Nha Trang khoảng 7km về hướng Tây Nam. Mấy năm nay, nhiều hộ dân trong thành phố đến đây mua đất rừng được phân lô dọc các sườn núi để làm nhà. Do công tác quản lý của địa phương lỏng lẻo nên số hộ dân ở trái phép tăng nhanh. Chỉ riêng 2 xóm Núi và xóm Mũi đã có khoảng 800 hộ.
Mỗi mùa mưa lũ, các khu dân cư này thường bị sạt lở, chết người, nhà sập, tốc mái. Đất đá lăn từ núi xuống làm biến dạng cả xóm núi tạm bợ. Thế nhưng người dân vẫn quay lại nơi ở cũ để sinh sống vì không còn chỗ nào khác để đi. Sau những đợt thiên tai bão lũ liên tiếp vừa qua, nhiều ngôi nhà bị sạt lở móng, nứt tường, nguy cơ bị đổ sập bất cứ lúc nào.
Bà Trần Thị Hoa, Trưởng thôn Thành Đạt, xã Phước Đồng lo lắng: "Đây chỉ là nhà tạm, xây không có móng, chỉ xây 4 bờ gạch lên vậy thôi nên không có cái gì vững chắc. Trận bão số 12 đã làm bay hết mái, đa số nhà trên núi đã bị nứt hết rồi. Còn như trận lũ của năm 2018, thì đã cuốn trôi, đã nứt móng hết".
Nhiều người dân bày tỏ mong muốn các cấp chính quyền quan tâm, quy hoạch một khu vực sinh sống mới cho các hộ dân nơi đây. Hiện nay UBND TP Nha Trang đã lập phương án di dời gần 800 hộ dân sinh sống dưới chân núi Hòn Rớ. Ông Bùi Cao Pháp, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Đồng cho biết, trong phương án dự kiến, thành phố sẽ đưa các hộ dân về tại khu tái định cư Phước Hạ, xã Phước Đồng. Tuy nhiên, hiện nay UBND tỉnh Khánh Hòa chưa thống nhất phương án cụ thể.
"Phương án là đưa bà con về khu tái định cư Phước Hạ, theo đó, tỉnh đang chỉ đạo tiếp tục làm lại phương án cụ thể. Khi bà con di dời thì khu vực đất này chắc chắn sẽ đưa vào sử dụng mục đích khác như trồng rừng cảnh quan hay thực hiện theo quy hoạch", ông Pháp nói.
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cũng cho biết, các hộ dân sinh sống tại khu vực sạt lở núi đều thuộc diện khó khăn, thu nhập không ổn định, vì thế Nhà nước phải hỗ trợ người dân di dời đến nơi ở mới. Đây là giải pháp khả thi nhưng khá tốn kém về mặt ngân sách. Khó khăn là trong số này, có một số hộ dân đã từng nhận đất tái định cư nơi ở mới nhưng đã bán lấy tiền rồi lại lên núi dựng nhà trái phép. Vì vậy, UBND tỉnh Khánh Hòa đang giao thành phố Nha Trang tính toán lại các phương án chi tiết, cụ thể, phù hợp với hoàn cảnh từng người dân.
Ông Nguyễn Tấn Tuân cho biết: "Có thể cho người dân thuê, hoặc ghi nợ để sau 5-10 năm thanh toán lại. Nhưng phải rà soát từng đối tượng cụ thể, vì trước đây đã có người nhận đất tái định cư rồi bán, sau đó, vào mua đất rừng, đất rẫy ở. Mình phải tính toán công bằng, ưu tiên cho những hoàn cảnh gia đình khó khăn, người ta đang phải sinh sống với những ngành nghề dọc ven biển, ven núi của Phước Đồng"./.