Hai năm sau vụ điệp viên Skripal bị đầu độc tại Anh: Bất ngờ mức độ tổn thất mà tình báo Nga phải gánh chịu
Những ảnh hưởng từ cách Anh và phương Tây phản ứng với Nga sau khi hai bố con nhà Skripal bị tấn công, có thực sự đáng kể?
Ngày 4/3/2018, cơ quan y tế khẩn cấp Anh nhận được một cuộc gọi từ người dân tại thành phố Salisbury. Một người đàn ông và một người phụ nữ trẻ được phát hiện nằm ngất xỉu trên băng ghế dài. Đây chính là cuộc gọi mở đầu cho chuỗi các sự kiện dẫn tới một cuộc khủng hoảng lớn trong quan hệ giữa Anh và Nga.
Sau khi hai nạn nhân được đưa tới bệnh viện, cảnh sát địa phương bắt đầu tìm kiếm thông tin của họ. Kết quả gây ngạc nhiên khi đó lại là một cựu điệp viên Nga. Ngay tối hôm đó, một cuộc gọi khác đã được kết nối với trụ sở Cục tình báo mật Anh (MI6).
Việc Sergei Skripal – một người đàn ông từng cung cấp cho MI6 những bí mật về thời kỳ còn làm việc cho tình báo quân sự Nga, giờ đây lại trở thành mục tiêu bị tấn công, đã khiến toàn bộ MI6 sốc nặng. Sự kiện được coi là một thách thức thực sự đối với nền tảng cốt lõi trong hoạt động tuyển dụng và thu hút điệp viên của tổ chức này.
Đích đến cho cuộc gọi sau đó vài giờ là Porton Down, nơi đặt trụ sở một cơ quan nghiên cứu về sinh hóa học của nước Anh. Một đội phản ứng nhanh ngay lập tức đã được triển khai. Các mẫu phân tích trong phòng thí nghiệm được xác định là A234, một chất hóa học có ảnh hưởng tới thần kinh thuộc nhóm Novichok, nằm trong danh mục chất độc quân sự và từng được Liên Xô phát triển trong thời kỳ Chiến tranh lạnh.
Tiết lộ trên một lần nữa tạo ra dư chấn mạnh mẽ. Lực lượng cảnh sát Anh nhận định hai quan chức tình báo quân sự Nga là nghi phạm chính và một lọ nước hoa bên trong có chứa chất độc là tang vật để bôi chất độc lên tay nắm cửa nhà Skripal.
Nga từ chối bất kỳ liên quan nào tới vụ việc – thậm chí còn đưa hai người bị tình nghi lên tivi nhằm chứng minh họ chỉ đến Salisbury vì mục đích du lịch. Tuy nhiên, London khẳng định, đấy chính là những người thực hiện vụ tấn công vào cựu điệp viên.
Khi một cựu điệp viên Nga khác là Alexander Livinenko bị giết năm 2006, phản ứng vào thời điểm đó khá chậm chạp và yếu ớt. Lần này, nước Anh quyết tâm không để sai lầm lặp lại.
Di sản mơ hồ
Phần lớn nhân viên tình báo Nga đang hoạt động dưới vỏ bọc ngoại giao tại Anh đều nhanh chóng bị London trục xuất – tổng cộng là 23 người.
Nhiều quốc gia khác cũng "noi gương" Anh như Mỹ trục xuất 60 người. Có vẻ, Điện Kremlin cũng không ngờ được phản ứng lại mạnh mẽ đến vậy.
Tuy nhiên, theo kênh BBC, sau hai năm, những gì còn lại của các sự kiện trên không hề rõ ràng.
Giới chức Anh tin tưởng mình đã đem tới những tổn thất nặng nề cho hoạt động tình báo Nga tại Anh. Thế nhưng, những tổn hại này gần như chắc chắn chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Những người bị trục xuất nhanh chóng được thay thế, đồng thời Nga cũng bắt đầu tìm kiếm và dựa vào các phương pháp tình báo khác.
Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, các điệp viên dưới vỏ bọc ngoại giao và những điệp viên bất hợp pháp là cách chủ yếu Nga thường dùng để tuyển dụng, chỉ đạo điệp viên và đánh cắp các bí mật.
Giờ đây, gián điệp mạng và sử dụng người di chuyển dưới các vỏ bọc khác nhau như doanh nhân…, lại là những lựa chọn hàng đầu.
Sau vụ tấn công, khả năng áp dụng các biện pháp cứng rắn hơn tác động vào tài chính và ảnh hưởng của Nga tại London từng được đưa ra thảo luận, nhưng hầu như không có hành động liên quan nào được thực hiện một cách công khai.
Bên cạnh đó, việc "Bản báo cáo Nga" của Ủy ban Tình báo và An ninh Quốc hội về ảnh hưởng và can thiệp của Nga vào nước Anh, đã không thể được công bố trước cuộc bầu cử Anh vào tháng 12 năm ngoái, càng làm nảy sinh những câu hỏi xung quanh thái độ không còn mặn mà của chính quyền Thủ tướng Boris Johnson đối với vụ việc Skripal.
Ủy ban Tình báo và An ninh Quốc hội được thành lập vào năm 1994, cho phép Quốc hội Anh giám sát công việc của các cơ quan an ninh và cả chính phủ. 9 thành viên của Ủy ban bao gồm các nghị sỹ đến từ các đảng phái khác nhau, các bộ trưởng không được phép tham gia. Trong những năm qua, ủy ban từng công bố các báo cáo về nhiều vấn đề khác nhau, bao gồm cả loạt tấn công khủng bố năm 2017 và sự đa dạng trong ngành công nghiệp tình báo. Cuộc điều tra liên quan tới hai cha con Skripal trở thành "trọng tâm chủ yếu" của ủy ban trong năm 2018. "Bản báo cáo Nga" được hoàn thành vào tháng 3/2019. Sau khi trải qua một quá trình xem xét để đảm bảo các thông tin mật không bị tiết lộ, nó được trao cho Thủ tướng Johnson vào tháng 10. Mặc dù ông Johnson từng nhiều lần cam kết sẽ công khai bản báo cáo nhưng vào thời điểm nào thì tới nay vẫn không ai biết được.
Bên cạnh đó, BBC chỉ ra, sự thống nhất của các nước phương Tây trong những nỗ lực triển khai một thái độ cứng rắn hơn với Nga, cũng đã bắt đầu xuất hiện rạn nứt. Trong khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron liên tục thúc đẩy cải thiện quan hệ với Điện Kremlin thì lập trường của Tổng thống Donald Trump từ Washington vẫn tỏ ra không rõ ràng.
Bản thân cựu điệp viên Skripal vẫn chưa xuất hiện công khai lần nào kể từ khi bị đầu độc.
Cơ quan An ninh Anh (MI5) và Bộ Nội vụ Anh đã tiến hành tái kiểm tra mức độ bảo hộ cho các điệp viên phản gián như Skirpal – một hành động được đánh giá là quá muộn mằn. Còn một số quan chức cấp cao của tình báo Anh thừa nhận, chính vụ đầu độc cho thấy sự thất bại. Năm 2010, khi ông Skripal được đưa ra khỏi nhà tù Nga, phía Anh từng thực hiện đánh giá rủi ro; tuy nhiên, nước Nga của năm 2018 rất khác biệt so với nước Nga thời điểm đó.
Từ năm 2014, Nga được cho là đã đẩy mạnh chiến dịch tìm kiếm các điệp viên phản bội tại cả Mỹ và Anh. Đây là thời điểm mà quan hệ giữa Moscow với phương Tây bắt đầu xói mòn nghiêm trọng do cuộc khủng hoảng liên quan tới Ukraine và bán đảo Crimea. Cũng từ lúc này, các cáo buộc Nga triển khai hoạt động gián điệp mạng can thiệp vào chính trị Mỹ xuất hiện ngày càng nhiều hơn.
BBC kết luận, một câu hỏi lớn mà các nhân viên tình báo phương Tây luôn băn khoăn là, liệu phản ứng đáp trả của phương Tây có ngăn cản được Nga thực hiện các hành động như trên không?
Câu trả lời cho tới giờ vẫn bị bỏ ngỏ.