Hai nam sinh Trường THPT Hoa Lư A với giải Ba Quốc gia về sáng kiến cảnh báo giao thông thông minh

Vượt qua 144 dự án tại Cuộc thi Nghiên cứu khoa học kỹ thuật (KHKT) cấp Quốc gia học sinh Trung học năm học 2021-2022, hai học sinh Phạm Thanh Tùng, lớp 12A2 và Hoàng Tiến Đạt, lớp 11A4, Trường THPT Hoa Lư A (huyện Hoa Lư) đã giành giải Ba Quốc gia với dự án 'Hệ thống cảnh báo, giám sát giao thông thông minh tại các điểm giao cắt nguy hiểm'. Dự án hứa hẹn là một trong những giải pháp hữu hiệu phòng tránh tai nạn giao thông hiện nay.

Nhóm tác giả dự án cảnh báo giao thông thông minh được nhận Bằng khen của UBND tỉnh, năm học 2021-2022.

Nhóm tác giả dự án cảnh báo giao thông thông minh được nhận Bằng khen của UBND tỉnh, năm học 2021-2022.

Đam mê nghiên cứu KHKT từ nhỏ, Phạm Thanh Tùng đã giành một số thành tích trong hành trình sáng tạo của mình, cụ thể như năm học lớp 6, lớp 8, em đều đạt giải tại Cuộc thi sáng tạo dành cho thanh, thiếu niên và nhi đồng cấp huyện và cấp tỉnh.

Hoàng Tiến Đạt cũng có chung niềm đam mê nghiên cứu KHKT nên em đã có sự phối hợp ăn ý với người anh học khóa trên Phạm Thanh Tùng để xây dựng dự án khả thi.

Chia sẻ về cơ duyên thực hiện dự án, Phạm Thanh Tùng và Hoàng Tiến Đạt cho biết: Chúng em biết và thân nhau qua nhóm về công nghệ trên mạng xã hội, học cùng trường và hay gặp gỡ nhau, cùng nhận thấy một số bất cập tại những điểm cắt giao thông.

Hàng ngày, có nhiều phương tiện giao thông đi qua khu dân cư với tốc độ lên đến 60km/h, thế nhưng vẫn còn rất nhiều chỗ giao cắt nguy hiểm mà chưa có hệ thống cảnh báo chính xác để báo hiệu có hay không có xe đang đi đến từ hướng khác. Trong khi đó, việc sử dụng những biển báo, đèn vàng nhấp nháy chưa thể cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết cho người tham gia giao thông.

Từ những bất cập đó, chúng em đã nghiên cứu, chế tạo ra "Hệ thống cảnh báo, giám sát giao thông thông minh tại các điểm giao cắt nguy hiểm" để cảnh báo cho người tham gia giao thông biết khi đến điểm giao cắt, góp phần giảm số vụ tai nạn giao thông.

Triển khai xây dựng dự án, chúng em phải học ngôn ngữ lập trình mới, công nghệ, thiết bị mới như rơ le, chip Arduino, máy tính mini để xử lý dữ liệu hình ảnh đưa ra thông số vận tốc, cảnh báo tại các điểm giao cắt... Với sự giúp đỡ của thầy giáo Nguyễn Mạnh Tú, sự động viên của nhà trường và giáo viên bộ môn, chúng em có thêm điều kiện thuận lợi để hoàn thành sản phẩm.

Phạm Thanh Tùng và Hoàng Tiến Đạt với dự án về cảnh báo giao thông thông minh.

Sản phẩm chúng em làm từ tháng 9-12/2021 và tham gia Cuộc thi nghiên cứu KHKT dành cho học sinh Trung học tỉnh Ninh Bình năm học 2021-2022. Sau khi được chọn thi quốc gia, chúng em tiếp tục cải tiến sản phẩm, tối ưu chương trình, chạy nhanh, lọc phương tiện tốt hơn, có thể tích hợp tất cả các loại camera… để hệ thống chạy ổn định hơn nữa.

Ưu điểm của sản phẩm này là hệ thống hoàn toàn tự động, thông minh để phát hiện phương tiện và cảnh báo chính xác bằng đèn có hay không có xe đi tới điểm giao cắt. Tích hợp cùng lúc tính năng cảnh báo, tính năng đo tốc độ để giám sát các phương tiện vi phạm tốc độ bằng hình ảnh gửi về máy tính. Hệ thống hoạt động ổn định, giá thành hợp lí, có thể lắp đặt đại trà.

Hệ thống được triển khai giữa hai con đường ưu tiên và không ưu tiên giao cắt với nhau. Nếu mật độ phương tiện của đường ưu tiên ít thì khi có xe đi tới điểm giao cắt, hệ thống sẽ cảnh báo bằng đèn vàng chữ "có xe" để cảnh báo các xe ở cả hai đường.

Nếu trên đường ưu tiên có mật độ phương tiện nhiều, giả sử đặt là từ 3 xe trở lên/3s, hệ thống sẽ bật đèn màu đỏ của đường không ưu tiên để dừng các phương tiện đi ở đường không ưu tiên. Ngoài ra hệ thống còn chụp được hình ảnh các phương tiện và cảnh báo bằng chuông khi phương tiện đi quá tốc độ.

Nhóm tác giả Phạm Thanh Tùng và Hoàng Tiến Đạt cho biết: Chúng em dự định sẽ tiếp tục kiểm nghiệm, đánh giá hoạt động của hệ thống với dải tốc độ lớn hơn nữa như trên đường cao tốc. Có thể kết nối cơ sở dữ liệu của nhiều trạm điều khiển gần nhau trong một khu vực để có được bức tranh toàn cảnh về giao thông như kẹt xe, va chạm… để cảnh báo, giúp người tham gia giao thông lựa chọn hướng đi khác. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu để có thể áp dụng vào các trường hợp khác như: giao cắt ở đường sắt, đường thủy…

Bài, ảnh: Hồng Vân

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/hai-nam-sinh-truong-thpt-hoa-lu-a-voi-giai-ba-quoc-gia-ve/d20220607082731436.htm