Hai ngân hàng đăng ký tiêm vắc xin cho cả người thân của nhân viên
Theo phía ngân hàng, việc hỗ trợ mua vắc xin tiêm phòng cho cán bộ và người thân sẽ giúp cán bộ yên tâm công tác, đảm bảo hoạt động thường xuyên liên tục của ngân hàng cũng như an toàn của khách hàng…
Việc hỗ trợ mua vắc xin tiêm phòng cho cán bộ và người thân sẽ giúp cán bộ yên tâm công tác, đảm bảo hoạt động thường xuyên liên tục của ngân hàng cũng như an toàn của khách hàng.
Chia sẻ với Báo Nhà báo và Công luận, đại diện Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cho biết, với mục tiêu giảm bớt gánh nặng cho Chính phủ, đảm bảo an toàn trong hoạt động, VietinBank đã và đang chủ động xây dựng các phương án phòng, chống dịch bệnh, trong đó VietinBank đang xây dựng kế hoạch tiêm phòng vắc xin cho cán bộ, nhân viên (CBNV) toàn hệ thống và người thân của CBNV.
Hiện VietinBank đang bám sát, cập nhật thường xuyên việc thực hiện chính sách xã hội hóa vắcxin; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, Bộ Y tế và các đơn vị được cấp phép nhập khẩu và các đơn vị đang xin giấy phép khác để kịp thời mua vắc xin và đăng ký nhu cầu mua sử dụng cho hệ thống VietinBank, phù hợp với chủ trương, định hướng của Chính phủ và các chỉ đạo của Bộ Y tế từng thời kỳ.
Ước tính, VietinBank sẽ dùng khoảng 100 tỷ đồng từ quỹ phúc lợi xã hội để mua vắc xin cho toàn bộ hệ thống (24.000 nhân viên).
Trước đó, Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển (BIDV) cũng đã phê duyệt kế hoạch hỗ trợ cán bộ nhân viên và người thân tiêm vắc xin phòng COVID-19.
Theo đó, ngân hàng này sẽ chủ động liên hệ với Bộ Y Tế và các cơ quan chức năng để đăng ký mua vắc xin COVID-19 hỗ trợ cán bộ nhân viên và người thân phòng dịch. Mỗi nhân viên của BIDV cùng với 4 người thân sẽ được hỗ trợ trong đợt tiêm phòng lần này. Kinh phí được trích từ nguồn quỹ phúc lợi của Ngân hàng.
Được biết, hiện số lượng nhân viên của BIDV là khoảng 25.000 người, nếu triển khai trên toàn hệ thống, sẽ có khoảng 125.000 người là nhân viên và người thân BIDV được tiêm vắc xin theo chương trình của ngân hàng.
Thông tin từ Bộ Y Tế cũng nêu rõ, có tới 11 nhóm đối tượng đầu tiên được ưu tiên sắp xếp tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại Việt Nam bao gồm nhân viên y tế, nhân viên tham gia phòng chống dịch, quân đội, công an, nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu...
Trong khi đó ngành ngân hàng là một trong những ngành cung cấp dịch vụ thiết yếu phải vận hành liên tục hệ thống để đảm bảo đáp ứng nhu cầu thực hiện các dịch vụ tài chính ngân hàng, thanh toán cho các doanh nghiệp và người dân.