Hai người vợ trong cuộc đời Jacques Yves Cousteau

Nhà thám hiểm đại dương huyền thoại, đạo diễn, nhiếp ảnh gia, nhà phát minh Pháp Jacques-Yves Cousteau đã trải qua một cuộc đời đầy sóng gió.

Jacques-Yves Cousteau và Simone Melchior.

Jacques-Yves Cousteau và Simone Melchior.

Nửa đầu đời, người vợ đầu tiên của ông, Simone Cousteau đã giúp ông vượt qua những thử thách. Nếu không có bà, thế giới đã không biết con tàu “Calypso” nổi tiếng và vị thuyền trưởng của nó.

Khi Jacques Yves thú nhận với vợ rằng ông có tình nhân, Simone Cousteau chỉ yêu cầu được tiếp tục sống trên con tàu vốn nhiều năm đã trở thành ngôi nhà của bà.

Tai nạn

Gia đình luật sư Daniel Cousteau đi chu du nhiều nơi. Hai cậu con trai của ông thích bơi lội và nghịch nước, và bố mẹ đã tạo điều kiện cho các con thực hiện sở thích đó. Đặc biệt, cậu em Jacques-Yves Cousteau rất say mê học lặn. Khi được tặng chiếc kính lặn đầu tiên, cậu hiểu rằng sẽ dành cuộc đời mình cho đam mê này.

Sau khi tốt nghiệp học viện hải quân, Cousteau muốn học thêm ngành hàng không, nhưng số phận nghiệt ngã dường như báo trước rằng hai lĩnh vực với ông là quá sức. Đang lái xe trên một con đường ngoằn ngoèo trên núi, Cousteau gặp tai nạn và bị thương nặng. Tay phải ông bị liệt, buộc phải từ bỏ ý tưởng trở thành phi công.

Với biết bao cơ hội, giờ đây nhiệm vụ chính của Jacques-Yves là phục hồi sức khỏe, nếu muốn nuôi giấc mơ về biển. Đúng lúc đó, Simone Melchior, người bạn gái đầu đời, xuất hiện và ra tay giúp đỡ.

Họ gặp nhau năm 1937, lúc đó Cousteau là một sĩ quan hải quân 27 tuổi, còn Simone là thiếu nữ 17 tuổi, con gái của một thủy sư đô đốc. Cousteau không giấu giếm ông đang yêu, và hy vọng được đền đáp, nhưng vụ tai nạn đã làm đảo lộn mọi kế hoạch.

Liệu Simone có muốn chung sống với một kẻ tàn tật? Và bà đã đáp lại tình cảm của ông. Hằng ngày, Simone đến với Jacques-Yves, họ đi dạo rất lâu, trò chuyện và mơ mộng.

Sau này, Cousteau thừa nhận chính lúc bấy giờ, những giấc mơ mờ nhạt về biển đã biến thành mục đích của đời ông. Họ kết hôn vào năm 1937, cũng vào năm đó, Jacques-Yves bắt đầu công bố phát minh đầu tiên và quan trọng nhất của mình - thiết bị lặn.

Simone - người trợ thủ đắc lực

Cơ khí và thiết kế cũng là những đam mê của Cousteau. Thời trẻ, ông đã tự tay lắp ráp một chiếc ô tô có động cơ chạy bằng pin. Hồi phục sau vụ tai nạn, Jacques-Yves bơi và lặn rất nhiều, nhưng không thể ở lâu dưới nước, và ông bắt đầu nghĩ cách khắc phục.

Năm 1943, ông trình làng nguyên mẫu đầu tiên của thiết bị lặn hiện nay. Sáng chế này đã chiếm hết thời gian và tiền bạc của ông. Nhưng Simone đã cho chồng hoàn toàn tự do, bà đảm nhiệm việc chăm sóc nhà cửa và hai con trai.

Khi Jacques-Yves Cousteau trở thành nhà phát minh nổi tiếng, ông bắt đầu tìm kiếm các nhà tài trợ để tiếp tục nghiên cứu về biển.

Đến cuối những năm 40, những ý tưởng của Cousteau đã mê hoặc triệu phú người Ireland Thomas Guinness. Ông ta mua cho Cousteau một chiếc tàu quét mìn cũ của Anh “Calypso” và đồng ý cho thuê với mức phí tượng trưng 1 franc mỗi năm.

Cousteau chỉ mỗi việc thuê một thủy thủ đoàn, chuyển đổi con tàu thành tàu nghiên cứu và ra khơi. Nhưng làm công việc này ông cần có tiền. Simone lại ra tay giúp đỡ.

Bà đã bán tất cả đồ trang sức của mình và thường xuyên động viên ông đang đi đúng hướng. Khi tàu “Calypso” đã sẵn sàng ra khơi, Jacques-Yves đề nghị Simone là người đầu tiên đặt chân lên boong.

Thành tựu quốc tế

Cousteau đã không phụ lòng tin của vợ. Cuốn sách “Trong thế giới im lặng” (1953) của ông viết chung với nhà văn Frédéric Dumas, đã trở thành sách bán chạy. Bộ phim cùng tên chuyển thể từ tác phẩm này (1956) đã được trao giải “Oscar” và “Cành cọ vàng”.

Những thành tựu của Cousteau được chính thức công nhận cùng với việc ông được bổ nhiệm chức Giám đốc Bảo tàng Hải dương học ở Monaco vào năm 1957.

Thành công vang dội của cuốn sách đã giúp Cousteau thực hiện các dự án mới: Chế tạo thiết bị nhỏ độc lập đầu tiên để nghiên cứu thế giới ngầm.

Ông tiến hành một loạt thí nghiệm lặn bằng máy thở dưới nước (có thể giúp con người ở rất lâu tại các trạm ngầm dưới đáy biển). Bộ phim tài liệu về các trạm ngầm này có nhan đề “Thế giới không có mặt trời” đã đoạt giải “Oscar” năm 1965.

Nhiều hãng truyền hình đã đưa phim tài liệu của Cousteau vào các chương trình của mình. Nhưng công việc đó đòi hỏi phải có nhiều tiền để trả lương cho thủy thủ đoàn, mua nhiên liệu cho tàu và kỹ thuật mới hiện đại.

Cousteau ngày càng dành ít thời gian hơn cho đại dương mà quay sang tìm kiếm nhà tài trợ. Vai trò của một thuyền trưởng “Calypso” không chính thức dần dần thuộc về bà Simone. Sự bất hòa bắt đầu xuất hiện trong gia đình.

Jacques-Yves Cousteau và Francine.

Jacques-Yves Cousteau và Francine.

Nữ tiếp viên hàng không

Trong một chuyến đi như thường lệ, Cousteau gặp nữ tiếp viên hàng không tên là Francine. Bà kém ông 30 tuổi, nhưng ông vốn có thể hình tuyệt vời, hơn nữa lại là người nổi tiếng, nên tiếng sét ái tình nổ ra là điều không tránh khỏi.

Simone và mấy đứa con không hề biết. Quan hệ của con trai cả Jean-Michel với bố không mặn mà, việc anh chọn nghề kiến trúc sư khiến Cousteau thất vọng.

Thuyền trưởng đặt tất cả hy vọng của mình vào con trai thứ Philip, người đã dành nhiều thời gian sống trên tàu “Calypso” và cùng với những người khác tham gia quay phim dưới nước.

Năm 1979, chiếc thủy phi cơ “Catalina” do Philip điều khiển gặp nạn - thi thể của Philip không được tìm thấy. Vừa kịp hoàn hồn sau cái chết của con trai, Simone lãnh tiếp một đòn đau mới: Cousteau thú nhận về mối quan hệ của ông với Francine. Ông không có ý định ly hôn, chỉ thỉnh thoảng xuất hiện trong các sự kiện cùng với tình nhân của mình và giới thiệu cô là “cháu”.

Simone chỉ yêu cầu chồng một điều: Cho phép bà tiếp tục sống trên tàu “Calypso”. Sau nhiều năm dài gắn bó, con tàu đã trở thành ngôi nhà của bà, còn thủy thủ đoàn là một gia đình thực sự. Cousteau đồng ý. Năm 1979, Francine sinh cho ông con gái Diana, và hai năm sau, cậu con trai Pierre ra đời.

Bi kịch gia đình

Jacques-Yves Cousteau và Francine kết hôn vài tháng sau khi Simone qua đời vì bệnh ung thư năm 1991. Năm 1996, tàu “Calypso” bị một sà lan đâm chìm tại bến cảng.

Các công nhân địa phương đã chuẩn bị một bản dự toán để sửa chữa con tàu, nhưng Francine không chấp nhận. Một năm sau khi “Calypso” gặp nạn, Cousteau qua đời, ông mất năm 1997 vì nhồi máu cơ tim.

Nhiều năm sau khi ông qua đời, Francine có dự định sửa chữa tàu “Calypso” nhưng lại từ bỏ ý tưởng tốn kém này. Nhiều người thân của Cousteau cho rằng đây là sự trả thù, con tàu vốn là ngôi nhà của người vợ đầu tiên với vị thuyền trưởng.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/the-gioi/hai-nguoi-vo-trong-cuoc-doi-jacques-yves-cousteau-ecko504nR.html