Hai nhà báo Mỹ và cuộc 'bút chiến' kéo dài hơn 4 thập kỷ

Suốt hơn 4 thập kỷ, hai nhà báo Mỹ Alan Berger của tờ Real Paper và Tom Palmer của tờ The Boston Globe đã viết rất nhiều bài phản biện trong một cuộc tranh luận nảy lửa, với những lập luận gay gắt về vai trò, trách nhiệm của nhà báo trong việc đảm bảo tính chân thực của sự kiện...

Suốt hơn 4 thập kỷ, hai nhà báo Mỹ Alan Berger của tờ Real Paper và Tom Palmer của tờ The Boston Globe đã viết rất nhiều bài phản biện trong một cuộc tranh luận nảy lửa, với những lập luận gay gắt về vai trò, trách nhiệm của nhà báo trong việc đảm bảo tính chân thực của sự kiện, nhưng không làm trầm trọng thêm thực tế. Cuộc tranh luận sau đó được đẩy lên cao thành cuộc “bút chiến” về tính khách quan của báo chí.

Nguồn gốc và chủ đề cuộc bút chiến

Khởi nguồn của cuộc bút chiến bắt đầu vào năm 1979, từ Alan Berger khi đó 41 tuổi, là một phụ trách chuyên mục truyền thông của Real Paper, một tuần báo với tiền thân là tờ Boston Phoenix. Trước khi bắt đầu theo dõi báo chí, ông Berger lớn lên ở Bronx, theo học Đại học Harvard và dạy một lớp tiếng Pháp về nhà thơ Charles Baudelaire tại Viện Công nghệ Massachusetts.

Năm 1979, Alan Berger - khi đó là nhà báo chuyên mục truyền thông của tờ Real Paper ở Boston, đã viết một chuyên mục về giới hạn của "tính khách quan" của báo chí. Ảnh: Nytimes.

Mục tiêu của Berger trong cuộc tranh luận về tính khách quan của báo chí là Tom Palmer. Khi đó, ông Palmer là trợ lý biên tập viên quốc gia 31 tuổi của tờ The Boston Globe - một trong những tờ báo lớn ở Mỹ, cũng có thể coi là một đích nhắm đến của Real Paper.

Chủ đề cụ thể cuộc tranh luận, như đoạn giới thiệu trên trang nhất của Real Paper, phát hành vào ngày 21 tháng 4 năm 1979, là cách các phương tiện truyền thông đưa tin về sự cố hạt nhân ở Đảo Ba Dặm. Song, ẩn sâu trong chủ đề ấy là một điều lớn hơn - cuộc tranh luận trong ngành truyền thông tin tức, về thời điểm và liệu các phóng viên có nên cho người đọc biết họ thực sự nghĩ gì về các vấn đề và sự kiện họ đang viết hay không.

Để đưa ra quan điểm của mình, ông Berger đã nhắc đến Palmer, mô tả ông này là người “chu đáo, trung thực và hoàn toàn chuẩn mực”. Ông Berger viết rằng ông đặc biệt bị ấn tượng bởi điều mà biên tập viên The Boston Globe đã nói với ông để bảo vệ cách đưa tin của tờ báo về sự kiện Đảo Ba Dặm, rằng nhiệm vụ của ông là “không làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn thực tế”.

Ông Berger viết trong chuyên mục của mình rằng “sự trung thành quá mức đối với các quan niệm truyền thống về sự cân bằng và khách quan”, trong chủ đề này, ông Berger đã thực sự bóp méo thực tế, vì cách thể hiện tuân thủ tuyệt đối các quy tắc cũ của ông Palmer là điều quá nguy hiểm.

“Vào cuối thiên niên kỷ này, sự khách quan của một số người rất đàng hoàng trong giới truyền thông cũng sẽ khiến họ giống như những kẻ cuồng tín vô trách nhiệm”, người viết chuyên mục bình luận về ông Palmer và những người khác như ông.

Palmer sau đó đã đáp lại mạnh mẽ bằng loạt bài liên tiếp, với góc nhìn cụ thể về trách nhiệm tôn trọng sự thật và tính khách quan của sự kiện. Không chịu thua kém, Bergerg cũng xuất bản liên tiếp các bài phản biện nhấn thẳng vào vấn đề gai góc nhất nước Mỹ ở thời điểm đó, khi câu chuyện sở hữu và khai thác năng lượng hạt nhân bị chỉ trích dữ dội, và cây viết của tờ Real Paper mạnh mẽ chỉ trích về sự cứng nhắc trong cách phản ánh tính chân thực quá mức của sự kiện.

Tính khách quan của báo chí, vấn đề nóng xuyên thời gian

Cuộc “bút chiến” giữa hai nhà báo kéo dài từ năm 1979, đến hơn bốn thập kỷ sau, bất đồng giữa họ vẫn chưa được giải quyết. Không những vậy, cuộc “bút chiến” của họ đã tác động đến cách làm báo tại Mỹ, tạo ra sự phân biệt ngày càng rõ giữa các trường phái báo chí: lá cải hay chính thống, bảo thủ hay tự do. Nói cách khác, bạn đọc Mỹ dễ dàng nắm bắt được phong cách của từng tờ báo qua mỗi cái tên.

Chủ đề dẫn đến sự bất đồng giữa họ là “tính khách quan” của báo chí, một khái niệm ít nhất có từ những năm 1920, khi một số tờ báo và tạp chí có tư tưởng cao hơn cố gắng phân biệt mình với các tờ báo và ấn phẩm có xu hướng lá cải hoặc do đảng phái lãnh đạo.

Những năm 1979, ngành công nghiệp báo chí Mỹ đứng trước thách thức mới, đòi hỏi sự thay đổi từ phương thức thể hiện (các khổ giấy, cách trình bày báo, mực in), đến cách thức đưa tin, bài. Một thế hệ phóng viên mới đa dạng hơn ra đời đã tìm cách phá bỏ trật tự cũ, dẫn đến xung đột trong cách thức triển khai đề tài, cách thức tác nghiệp và vấn đề tính khách quan của báo chí tiếp tục được đề cập và đặt ra như một chủ đề nóng xuyên thời gian.

Ngay cả những năm gần đây, tính khách quan của báo chí vẫn được đem “soi” thường xuyên ở nhiều tờ báo, không chỉ trên Real Paper hay Boston Globe, dù có lúc công khai lúc không.

Tại The Washington Post, biên tập viên hàng đầu Martin Baron, người từng giành giải Pulitzers và là sự thách thức của các tổng thống bằng cách sử dụng các công cụ truyền thống của báo chí. Tuy nhiên, ông Baron cũng hạn chế việc các nhân viên của mình bày tỏ ý kiến trên Twitter về các chủ đề mà họ đề cập, nhằm đảm bảo tính khách quan.

Người bạn thân của Baron - phóng viên quốc gia Wesley Lowery, gợi ý rằng các tổ chức tin tức “hãy từ bỏ vẻ ngoài khách quan như một tiêu chuẩn báo chí đầy khao khát, và để các phóng viên tập trung vào sự công bằng và nói sự thật, tốt nhất có thể, dựa trên bối cảnh đã cho và các dữ kiện có sẵn”.

Lập luận tương tự cũng được phổ biến tại một số trường báo chí hàng đầu của Mỹ. “Chúng tôi tập trung vào sự công bằng và kiểm tra thực tế và độ chính xác, và chúng tôi không cố gắng đề xuất với sinh viên của mình rằng những ý kiến họ có nên được giấu đi”, Sarah Bartlett - hiệu trưởng của Trường Cao học Báo chí Craig Newmark của Đại học thành phố New York cho biết. “Chúng ta chấp nhận sự minh bạch”.

Phần lớn sự thay đổi này liên quan đến tính chất thay đổi của ngành kinh doanh tin tức và sự suy giảm của các tờ báo địa phương. Internet cũng đã làm mờ đi ranh giới giữa tin tức và quan điểm, vốn rõ ràng trên một tờ báo in. Có nghĩa, có một sự thay đổi về quan niệm đối với tính khách quan của báo chí.

Lời thú nhận của người chiến thắng

Có một điều bất ngờ diễn ra với Berger. Chuyên mục quan điểm tự do của tờ Globe đã thuê ông Berger vào năm 1982, một vài năm sau khi ông “mắng nhiếc” ông Palmer trong cuộc bút chiến. Hai người đàn ông đôi khi ngồi ăn trưa cùng nhau trong quán cà phê trên tầng cao nhất của Globe. Căn phòng có tầm nhìn ra trung tâm thành phố là địa điểm thường xuyên của các cuộc tranh luận không dứt về vai trò của báo chí, người phụ trách chuyên mục Ellen Goodman, nhớ lại. Trong suốt cuộc bút chiến và cả các cuộc tranh luận, Palmer là người “duy trì ngọn lửa” cho sự căng thẳng với những phản biện gay gắt, thậm chí cả văng tục.

Tom Palmer - một cựu biên tập viên và phóng viên của tờ The Boston Globe, cho biết những lập luận chống lại tính khách quan “hồi đó đã sai và tôi tin rằng ngày nay còn sai nhiều hơn nữa”. Ảnh: Nytimes.

Ý tưởng ban đầu xung quanh khái niệm khách quan bị lạm dụng nhiều, khi nó được đưa ra vào những năm 1920, liên quan đến việc làm cho báo chí trở thành “khoa học” - nghĩa là, với ý tưởng rằng các phóng viên có thể kiểm tra các giả thuyết chống lại thực tế và chứng minh tuyên bố của họ là đúng. Theo cách hiểu rộng rãi nhất, đó là về việc thiết lập một không gian công cộng chung, trong đó các sự kiện có thể được phân xử và biết rằng bạn cũng có thể sai.

Trong những năm 1970-1980, phe của ông Berger đã thắng trong cuộc chiến về năng lượng hạt nhân. Ngành công nghiệp hạt nhân của Mỹ không bao giờ phục hồi từ sự cố Đảo Ba Dặm, vì các yếu tố chính trị chậm lại và sau đó phần lớn ngừng xây dựng các lò phản ứng mới.

Dẫu vậy, ông Palmer nói rằng “vẫn chưa rõ ai đúng” về các câu hỏi chính sách lớn xung quanh năng lượng hạt nhân. Ông viết, các nhà báo - “tư nhân chống hạt nhân” - đã giữ cho độc giả của họ quan điểm riêng của họ rằng năng lượng hạt nhân là quá nguy hiểm để sử dụng.

Thực tế, lúc này ông Berger tin rằng ông đã sai về điều đó. Những người Mỹ còn lại của thời đại đó không hiểu những rủi ro của khí thải carbon. “Bạn phải đánh giá lại tất cả các giá trị, bởi vì bạn phải nhìn thấy tất cả các câu hỏi cụ thể trong bối cảnh nguy cơ của biến đổi khí hậu nghiêm trọng”, Berger thừa nhận. “Năng lượng hạt nhân, bất kể sự nguy hiểm của nó, không thải ra carbon”.

Cuộc bút chiến giữa Berger và Palmer về tính khách quan của báo chí vẫn chưa chấm dứt và có lẽ sẽ không chấm dứt chừng nào báo chí vẫn tồn tại, phục vụ sứ mệnh phục vụ độc giả của mình. Nhưng điều mà Berger và Palmer suốt 40 năm qua nhắn nhủ là, các nhà báo dù thuộc trường phái nào cũng nên ghi nhớ khả năng mắc sai lầm của chúng ta.

Hoài Đức

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/hai-nha-bao-my-va-cuoc-but-chien-keo-dai-hon-4-thap-ky-post178999.html