Hai nữ sinh trường chuyên Nguyễn Trãi và hành trình chinh phục giải khoa học, kỹ thuật quốc gia
Nguyễn Khánh Huyền và Hà Khánh Linh - 2 nữ sinh lớp 11 Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi (TP Hải Dương) vừa xuất sắc giành giải nhì Cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật quốc gia năm học 2024 - 2025.

Cô giáo Nguyễn Thu Quyên và 2 em Nguyễn Khánh Huyền (phải), Hà Khánh Linh, Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi đang nghiên cứu cẩm nang xử lý nước thải sinh hoạt tại gia đình dành cho học sinh trung học
Hành trình của sự nỗ lực
Dự án “Nâng cao nhận thức của học sinh trung học về bảo vệ môi trường hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải” của em Nguyễn Khánh Huyền, lớp 11 chuyên hóa học và Hà Khánh Linh, lớp 11 A1 do cô giáo Nguyễn Thu Quyên, Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi hướng dẫn vừa đoạt giải nhì Cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật quốc gia năm học 2024 - 2025.
Huyền hiểu rằng Bắc Hưng Hải là hệ thống thủy lợi lớn nhất vùng đồng bằng sông Hồng đi qua 22 huyện, thành phố của Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương. Hệ thống thủy lợi này đang có chỉ số chất lượng nước báo động mức ô nhiễm nghiêm trọng. Ý tưởng được nhen nhóm từ khi Huyền tham dự một sự kiện của Học viện Nông nghiệp Việt Nam liên quan đến môi trường kết hợp với việc hằng ngày chứng kiến nguồn nước của sông Sặt ở cạnh nhà bị ô nhiễm đã thôi thúc Huyền, Linh quyết tâm thực hiện dự án này.

Nhóm nghiên cứu thực hiện thí nghiệm với chất đông keo tụ PAC (ảnh nhân vật cung cấp)
Để thực hiện thành công dự án này, 2 em và giáo viên hướng dẫn đã trải qua hành trình hơn 1 năm với nhiều hoạt động nghiên cứu, khảo sát, thăm dò dư luận, thực nghiệm, tổ chức sự kiện…
Có tới 84,7% số học sinh không nắm được hơn 80% số nguyên nhân chính gây ô nhiễm đến từ nước thải sinh hoạt gia đình. Để có con số này, Linh và Huyền đã thực hiện khảo sát trực tuyến và thu về 2.368 phiếu trả lời đến từ học sinh của 37 trường phổ thông trên địa bàn các tỉnh có hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải chảy qua.
Để thực hiện giải pháp truyền thông, Linh và Huyền đã xây dựng Fanpage Bảo vệ môi trường hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải và trang Tiktok, YouTube cùng chủ đề. Fanpage đã thu hút hơn 3.000 lượt theo dõi tương tác. Nhóm nghiên cứu đã tổ chức thành công Hội thảo “Nâng cao nhận thức của học sinh trung học về bảo vệ môi trường hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải" với sự góp mặt của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường, thủy lợi cùng hơn 350 học sinh tham gia. Nhóm nghiên cứu đã biên soạn cẩm nang xử lý nước thải sinh hoạt tại gia đình dành cho học sinh trung học, được Học viện Nông nghiệp Việt Nam thẩm định và xuất bản. Huyền và Linh đã trực tiếp tới một số trường học ở Hải Dương, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên phát cẩm nang với mong muốn cung cấp cho học sinh những kiến thức về nước thải sinh hoạt.
Huyền, Linh đã nghiên cứu, tìm hiểu và lựa chọn một số phương pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước theo phương pháp hóa sinh như: lấy lại sự trong của nước, làm sạch môi trường nước, tái tạo chất dinh dưỡng tuần hoàn để trồng cây; làm bè thủy sinh để cải thiện chất lượng môi trường nước.
Lan tỏa

Nhóm nghiên cứu thực hiện quy trình ủ phân compost
Nhóm nghiên cứu đã phát động Cuộc thi “Chung tay bảo vệ môi trường hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải” và đã mang lại hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ. Huyền cho biết, giải pháp chuyển đổi số trong dự án có lẽ là điểm nhấn để thuyết phục Ban giám khảo. Nhóm nghiên cứu đã hình thành Web-app Greenfy.vn - giải pháp chuyển đổi số trong bảo vệ môi trường thông qua các hoạt động tương tác và dữ liệu thực tế như bản đồ trồng cây, bản đồ phân loại rác trên toàn cầu, xây dựng lối sống bền vững. Cuộc thi đã thu hút gần 18.000 tài khoản dự thi, hơn 24.000 lượt tích điểm, hơn 8.000 lượt mời bạn bè tham gia dự án, nâng tổng số địa phương tham gia lên 15 tỉnh, thành phố trên cả nước và đặc biệt có hơn 100 tài khoản quốc tế tham gia trồng cây.

Nhóm nghiên cứu đã hình thành Web-app Greenfy.vn – giải pháp chuyển đổi số trong bảo vệ môi trường
Để thấy được hiệu quả từ các nhóm giải pháp trên, nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát đầu ra và so sánh với kết quả khảo sát đầu vào. Kết quả cho thấy nhận thức của học sinh về thực trạng ô nhiễm hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải đã được cải thiện rõ rệt. Số học sinh có gia đình áp dụng các biện pháp xử lý nước thải sinh hoạt, phân loại rác tại nguồn; duy trì hành động bảo vệ môi trường lâu dài; mong muốn lan tỏa hành động; tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường... đều tăng mạnh.
Huyền và Linh cho biết trong quá trình thực hiện đã trải qua không ít khó khăn, vất vả từ cân đối việc học trên lớp, kinh phí thực hiện đến các hoạt động khảo sát, thực nghiệm. Tuy nhiên, kết quả của dự án đã thành công ngoài mong đợi, trong đó cô giáo Nguyễn Thu Quyên có vai trò quan trọng trong việc định hướng, triển khai các giải pháp để thực hiện dự án này. Ngoài ra là sự đồng hành, hỗ trợ của nhà trường, gia đình, các cơ quan chức năng, chuyên gia và nhà tài trợ.
“Qua dự án này, chúng em đã học được nhiều điều. Không chỉ thúc đẩy tinh thần đam mê nghiên cứu khoa học mà còn giúp chúng em tích lũy thêm nhiều kiến thức xã hội, kỹ năng giao tiếp, khả năng hùng biện…”, Huyền nói.

Linh và Huyền (đứng giữa) trên bục vinh quang tại lễ trao giải Cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia năm học 2024 - 2025
Cô giáo Nguyễn Thu Quyên cho biết dự án đã giúp học sinh nâng cao nhận thức, chuyển hóa hành động trong bảo vệ môi trường hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Chuỗi giải pháp sáng tạo, hấp dẫn, khoa học, có tính ứng dụng cao. Số liệu khảo sát đầu vào, đầu ra chứng minh hiệu quả thiết thực, lâu dài của dự án. Từ dự án này có thể mở rộng Cuộc thi “Học sinh chung tay bảo vệ môi trường” trên phạm vi toàn quốc; mở rộng đối tượng học sinh được thực hành trên môi trường web-app để bảo vệ môi trường...