Hai ông bà hơn trăm tuổi chống gậy mang gạo ủng hộ TP Hồ Chí Minh
Nghe loa phát thanh thông báo về việc ủng hộ nhu yếu phẩm trong tuần lễ 'Hướng về thành phố mang tên Bác' do MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa phát động, đôi vợ chồng già 101 tuổi ở xã Hà Lĩnh (huyện Hà Trung) đã chống gậy lên đình làng, ủng hộ 70 nghìn đồng và 5kg gạo.
“Có bao nhiêu cụ góp bấy nhiêu”
Buổi sáng ngày 19/7, trong lúc ngồi nghỉ ở hiên nhà, cụ bà Hoàng Thị Nhâm (101 tuổi, trú thôn Thanh Xá 1, xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung) nghe được thông tin trên loa phát thanh về tình hình thiếu thốn nhu yếu phẩm của người dân TP Hồ Chí Minh.
Nhìn ra ngoài cửa, thấy bà lão hàng xóm đang vội vã xách túi gạo đi đâu đó, cụ Nhâm hỏi thăm và biết được trong tỉnh đang phát động tuần lễ “Hướng về thành phố mang tên Bác” với mục đích gom góp nhu yếu phẩm, hỗ trợ bà con TP Hồ Chí Minh chống dịch.
Biết trong nhà có hũ gạo vừa xay xát, cụ Nhâm nhờ bà hàng xóm đổ khoảng 5 kg gạo ra một cái túi lớn để cùng mang ra đình làng đóng góp. Tuổi già, đi lại khó khăn nhưng cụ Nhâm vẫn quyết chí chống gậy cùng bà hàng xóm đi 500 m ra đình làng.
Vừa đặt túi gạo vào khu vực đóng góp, cụ Nhâm “móc” ra trong đãy (túi) 20.000đ dúi vào tay anh Nguyễn Xuân Quân (trưởng thôn Thanh Xá 1) và nói rằng đây là tấm lòng cụ gửi bà con miền Nam.
Cụ Nhâm vừa về, cụ ông Hoàng Đình Toa (101 tuổi, là chồng cụ Nhâm) đã vội mượn cái gậy của cụ bà và đi đâu đó rất lâu. Sau khi cụ Toa về, cụ Nhâm hỏi thì mới biết cụ Toa cũng chống gậy ra đình làng để đóng góp 50.000đ hỗ trợ bà con TP Hồ Chí Minh chống dịch.
Tìm về nơi ở của hai cụ, chúng tôi được người dân chỉ dẫn vào một căn nhà ngói xập xệ rộng chưa đầy 50 m2.
Được biết, hiện tại, hai cụ đang ở với người con gái. Tiền sinh hoạt hằng tháng duy nhất của hai cụ đến từ khoản trợ cấp xã hội dành cho người cao tuổi là 270.000đ/1 người.
Khi được biết hình ảnh góp gạo của mình được nhiều người quan tâm, cụ Nhâm với mái đầu bạc trắng chỉ biết cười: “Bà nghe loa đài tivi, rồi các anh chị cán bộ thông tin về những khó khăn của người dân trong TP Hồ Chí Minh mà bà không kìm lòng được.
Vì hai ông bà cũng già, không còn sức lao động với không có nhiều tiền nên cũng không đóng góp được nhiều. Hi vọng bà con trong đó bình an, dịch bệnh sớm được đẩy lùi, mọi người trở lại cuộc sống như trước đây là bà mừng lắm rồi”.
Cũng giống như cụ Nhâm, cụ Toa cũng hi vọng những đóng góp nhỏ nhoi của bà con trong thôn, trong xã, huyện, tỉnh sẽ góp phần giúp người dân TP Hồ Chí Minh sớm vượt qua khó khăn từ đại dịch. “Người dân Việt Nam mình trước giờ luôn đùm bọc, che chở lẫn nhau từ thời chiến đến thời bình. Ông nghĩ không chỉ riêng Thanh Hóa ta, mà các tỉnh khác khi thấy người dân miền Nam gặp khó cũng sẽ ủng hộ hết lòng”, cụ Toa bày tỏ.
Nghĩa tình người xứ Thanh
Không chỉ riêng ở các huyện miền xuôi, không khí hồ hởi, rộn rã trong phong trào góp nhu yếu phẩm, ủng hộ TP Chí Minh cũng lan tỏa mạnh mẽ trên những huyện miền núi.
Tại huyện Như Xuân, hình ảnh cụ bà Vi Thị Mão, người dân tộc Thái (101 tuổi, trú xã Bình Lương) đưa chậu gạo nặng gần 10kg và 50.000 đồng tới tận tay cán bộ Mặt trận xã đã làm xúc động rất nhiều người.
Theo bà Hà Thị Vân, Chủ tịch MTTQ xã Bình Lương (huyện Như Xuân) thì cụ Mão là người dân tộc Thái tuổi đã cao, sống cùng con dâu út, điều kiện gia đình rất bình thường.
“Khi chúng tôi đến, cụ biết thông tin nên đã nhiệt tình ủng hộ gạo và tiền làm chúng tôi rất xúc động”, bà Vân chia sẻ.
Hay như hình ảnh anh Mai Văn Thủy (trú thôn Ngọc Thanh, xã Ngọc Trạo, huyện Thạch Thành, Thanh Hóa) chỉ giữ lại 2 ống gạo nấu bữa trưa, còn lại dốc hết hũ gạo vào bao tải đóng góp gửi vào TP Hồ Chí Minh.
Được biết, nhà anh Thủy làm nông, gia đình cũng khó khăn nhưng khi biết tin bà con trong Nam cần nhu yếu phẩm, anh vẫn nhiệt tình ủng hộ.
Theo bà Phạm Thị Thanh Thủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa, sau khi phát động tuần lễ “Hướng về thành phố mang tên Bác” (từ ngày 17 – 23/7), đến nay, Ủy ban MTTQ tỉnh đã tiếp nhận gần 1.500 tấn hàng hóa các loại gồm: Gạo, lạc, đậu, miến, cá khô, moi khô, các nhu yếu phẩm khác (dầu ăn, nước mắm...), củ quả các loại (bí xanh, bí đỏ, đu đủ xanh…).
Những loại thực phẩm này sẽ được vận chuyển bằng đường thủy, do Công ty cổ phần Gang thép Nghi Sơn và Hãng tàu Vietsun - Công ty CP Việt Nhật đảm nhận.