Khẩu pháo hạm Mk-45 là trang bị tiêu chuẩn trên các tàu chiến của Mỹ, nó có thể dễ dàng bắn thủng những chiến hạm của đối phương.
Trên lớp tàu tuần dương hạm Ticonderoga được trang bị hai khẩu Mk-45, một phía mũi và một phía đuôi tàu.
Loại hải pháo này đã ra đời từ năm 1971 và tới nay đã có tổng cộng 4 phiên bản khác nhau.
Có trọng lượng tổng cộng 21,7 tấn, khẩu pháo này có chiều dài gần 9 mét trong đó nòng pháo dài khoảng 6,9 mét.
Mỗi viên đạn cỡ 127mm của khẩu pháo này có trọng lượng lên tới 31,75 kg (loại đạn thông thường).
Khẩu pháo tự động này có khả năng hạ nòng thấp nhất xuống -15 độ so với mặt phẳng sàn tàu và nâng nòng cao nhất đạt góc 65 độ.
Tốc độ bắn tối đa của pháo lên tới 20 viên mỗi phút và có sơ tốc đầu nòng của viên đạn đạt tối đa 762 mét/giây.
Tầm bắn hiệu quả của khẩu pháo này vào khoảng 24 km khi sử dụng đạn thông thường.
Tùy từng loại tàu mà hải pháo Mk 45 sẽ có dự trữ đạn trong hệ thống nạp đạn tự động từ 600 viên (lớp Ticonderoga) lên tới tối đa 680 viên (lớp Arleigh Burke).
Phiên bản hiện đại nhất của hải pháo Mk 45 là bản Mod 4 được ra đời từ năm 2000 với nòng dài hơn (dài hơn 62 lần đường kính) giúp tầm bắn đạt xa hơn và có khả năng yểm trợ tấn công lên đất liền hiệu quả hơn các phiên bản trước đó.
Hiện nay loại pháo này của Mỹ đã được nâng cấp để có thể bắn đạn điện từ.
Theo Business Insider, khẩu hải pháo Mk 45 tiêu chuẩn của Hải quân Mỹ hoàn toàn có khả năng bắn đạn điện từ và đã thử nghiệm thành công trong cuộc tập trận RIMPAC diễn ra trong năm 2018 vừa qua.
Với gói nâng cấp này những khẩu pháo trên chiến hạm Mỹ sở hữu sức mạnh vượt trội và có tầm bắn xa gấp 3 lần pháo Nga.
Gói nâng cấp này bao gồm các thay đổi về số hóa toàn bộ hệ thống điều khiển giúp toàn bộ hệ thống vận hành nhanh hơn và tiết kiệm tới 50% năng lượng so với trước đây.
Mặt khác loại đạn điện từ tốc độ cao tuy được thiết kế để bắn đi từ pháo điện từ nhưng với một vài cải biên hoàn toàn có thể bắn đi được từ hải pháo Mk 45 và vượt trội hơn hẳn so với các loại đạn pháo thông thường.
Hải quân Mỹ khẳng định đạn pháo từ trường dù được bắn đi từ hải pháo Mk 45 vẫn có tầm bắn xa hơn và sơ tốc đầu nòng cao hơn nhiều so với loại đạn pháo thông thường.
Tốc độ di chuyển cao hơn đồng nghĩa với việc đạn pháo từ trường sẽ khó có thể bị đánh chặn bởi các hệ thống phòng thủ tầm gần như pháo cao tốc.
Paul Daniels, phụ trách phát triển kinh doanh của Raytheon cho biết: "Loại đạn mới có bắn xa gấp ba lần đạn pháo Mk45 hiện nay và có độ sai lệch mục tiêu dưới hai mét ở mọi tầm bắn, giúp tàu chiến tăng diện tích tác chiến từ 370 km2 lên 3.704 km2".
Phó đô đốc Thomas Rowden, Giám đốc phụ trách tác chiến lực lượng tàu mặt nước cho biết: “Các vũ khí có tầm bắn lớn sẽ giúp Hải quân Mỹ hoạt động xa hơn và giảm thiểu rủi ro bị tấn công trong khi vẫn đe dọa được đối phương nhờ công nghệ dẫn đường chính xác".
Việt Hùng