Hải Phát Invest (HPX) tái cấu trúc tài chính vẫn 'vất vả' nợ nần
CTCP Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest - Mã: HPX) từng công bố nhiệm vụ tái cấu trúc tài chính. Tuy nhiên sau nhiều tháng, gánh nặng nợ vay vẫn đang là áp lực đối với hoạt động của doanh nghiệp này.
Hoạt động kinh doanh vẫn không có dấu hiệu khởi sắc
Sau ĐHĐCĐ thường niên tổ chức vào tháng 4/2024, thành phần cổ đông của CTCP Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest - Mã: HPX) đã có sự thay đổi với nhóm Toàn Tín Phát rời ghế cổ đông sau 6 tháng. Sau sự thay đổi này, HPX đã công bố kế hoạch kinh doanh 2024 khá tham vọng với mục tiêu doanh thu hợp nhất 2.800 tỷ, tăng 67% so với thực hiện 2023. Tuy nhiên lãi sau thuế hợp nhất lại giảm 22% xuống còn 105 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ tức công ty mẹ dự kiến 5%.
Trên thực tế, tại BCTC hợp nhất giữa niên độ, Hải Phát Invest chỉ ghi nhận doanh thu 655,2 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp đạt 163,7 tỷ đồng, giảm 10%. Biên lợi nhuận gộp đạt 24,9%.
Doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ tăng mạnh lên 15,3 tỷ đồng. Chi phí tài chính dù đã được tiết giảm vẫn đang chiếm gần 60 tỷ đồng. Phần lãi vay phải trả trong đó chiếm tới 58,2 tỷ đồng cho thấy sức ép từ việc trả nợ lãi vẫn đang hiện hữu đối với Hải Phát Invest.
Doanh thu giảm nhưng chi phí bán hàng vẫn tăng gấp đôi lên 36,8 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp giảm xuống 20%, còn 25,1 tỷ đồng. Kết quả công ty ghi nhận lãi sau thuế đạt 47,2 tỷ đồng, giảm 17,4% so với cùng kỳ năm trước.
So với mục tiêu đặt ra từ đầu năm, Hải Phát Invest mới hoàn thành được 23,4% kế hoạch doanh thu năm cùng 45% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Tình hình vay nợ của Hải Phát Invest đang ra sao?
Tính đến cuối Quý 2/2024, tổng nguồn vốn của Đầu tư Hải Phát đạt 8.459,7 tỷ đồng, không biến động nhiều so với đầu năm. Trong đó nợ phải trả ghi nhận 4.836,9 tỷ đồng, tương đương 57% tổng nguồn vốn.
Tín hiệu khả quan nhất về Hải Phát Invest là khoản tiền do người mua nhà trả trước đã tăng gần gấp đôi, lên 1.101,8 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, tổng lượng nợ vay tài chính vẫn đang chiếm 2.294,8 tỷ đồng.
So với cùng kỳ năm ngoái, lượng nợ vay đã giảm nhưng áp lực nợ vay vẫn đang hiện hữu đối với hoạt động kinh doanh và dòng tiền của công ty.
Điển hình là trong 6 tháng đầu năm, tiền chi trả lãi vay đã chiếm 60 tỷ đồng, tiền trả nợ gốc vay chiếm 350 tỷ đồng. Riêng nguồn tiền thanh toán gốc và lãi đã chiếm tới 2/3 doanh thu đạt được trong kỳ. Như vậy, phần lớn nguồn tiền thu từ kinh doanh của Hải Phát đang được dùng để trả gốc và lãi vay.
Với những áp lực từ nợ vay, không quá khó hiểu khi Hải Phát Invest phải lên kế hoạch tăng vốn để lấy nguồn tiền thanh toán các khoản nợ.
Kế hoạch huy động 1.500 tỷ từ cổ đông để lấy tiền trả nợ liệu có khả thi?
Trong tháng 6/2024 vừa qua, HĐQT công ty đã thông qua phương án phát hành 152 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương đương tỷ lệ phát hành 2:1. Mỗi cổ đông sở hữu 2 cổ phiếu sẽ được mua thêm 1 cổ phiếu mới phát hành.
Giá chào bán cổ phiếu mới phát hành là 10.000 đồng/cổ phiếu. Dự kiến công ty sẽ thu về 1.520 tỷ đồng và đẩy vốn điều lệ lên 4.562 tỷ đồng.
Giới đầu tư tỏ ra hoài nghi trước kế hoạch huy động vốn lần này. Bởi trên thị trường, tại phiên giao dịch ngày 6/9/2024, mã HPX chỉ có giá 5.300 đồng/cổ phiếu. Như vậy, giá cổ phiếu chào bán mới cao gấp gần 2 lần so với thị giá.
Chưa kể tới việc mục đích sử dụng vốn cho đợt phát hành này hoàn toàn để trả nợ vay trái phiếu đến hạn từ nay tới cuối năm.
Cụ thể, 1.400 tỷ sẽ được dùng thanh toán gốc và lãi các mã trái phiếu: HPX122018 (317 tỷ đồng trong quý 4/2024); HPXH2123008 (261 tỷ đồng trong quý 3,4/2024); HPXH2124009 (263 tỷ đồng trong quý 4/2024), HPXH2125007 (569 tỷ đồng từ quý 3/2024 đến quý 3/2025).
110 tỷ đồng còn lại sẽ được dùng để trả gốc và lãi của khoản nợ vay ngân hàng dự kiến đáo hạn trong quý 3 và 4 năm nay.